Nằm trong danh sách 10 quốc gia sản xuất xi măng lớn nhất thế giới, công suất lắp đặt ngành xi măng Việt Nam trong năm 2018 là 148 triệu tấn. Tuy nhiên, lượng xi măng tiêu thụ trong nước chỉ vào khoảng 85 triệu tấn.
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với công suất dư thừa, chi phí sản xuất bao gồm chi phí nguyên vật liệu (than, dầu) và chi phí công nhân đều gia tăng khiến lợi nhuận ngành xi măng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, trong năm qua, tín hiệu lạc quan lại đến từ xuất khẩu xi măng. Ngành xi măng nội địa đã tìm thấy lối đi trong việc giải quyết sản lượng dư thừa nhờ thị trường Trung Quốc gia tăng mạnh nhu cầu.
Theo đó, bắt đầu từ tháng 3/2017, các nhà hoạch định Trung Quốc đề ra mục tiêu cắt giảm 10% sản lượng than, thép và xi măng tại các nhà máy trong nước nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí. Cùng với đó, Trung Quốc còn dự định cấm mở rộng công suất các ngành công nghiệp nặng trong năm 2018, trong đó có xi măng. Đây chính là tiền đề để xi măng nhập khẩu có thể len lỏi vào thị trường đông dân nhất thế giới này.
Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cung cấp số liệu cho biết, năm 2018, xuất khẩu sản phẩm xi măng lập kỷ lục với 31,65 triệu tấn, tăng tới 55% so với năm 2017. Đây cũng là năm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt qua con số 1 tỷ USD.
Ngành xi măng năm 2019 vẫn chủ yếu trông chờ vào xuất khẩu. Ảnh minh họa: Money Control
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm qua là Trung Quốc với khối lượng hơn 7,6 tấn và trị giá hơn 276 triệu USD. Vị trí thứ hai là Bangladesh với gần 6 triệu tấn. Trong khi đó, với riêng thị trường Đông Nam Á, Philippines là nhà nhập khẩu quan trọng nhất của ngành xi măng Việt Nam.
VDSC cho rằng, xuất khẩu tăng trưởng sẽ giúp các công ty xi măng ở miền Bắc hưởng lợi nhờ sở hữu vị trí cạnh tranh. Nếu xuất khẩu xi măng tiếp tục thuận lợi, cạnh tranh trong nước sẽ bớt gay gắt đồng thời hỗ trợ các công ty xi măng tiêu thụ chủ yếu trong nước.
Dự báo trong giai đoạn 2018 - 2020, xuất khẩu vẫn là nhân tố thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành xi măng mà đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc. Ngoài ra, với nhu cầu xi măng tăng mạnh, Bangladesh, Campuchia và Philippines cũng sẽ là những điểm đến tiềm năng của sản phẩm xi măng Việt Nam.
Về tiêu thụ nội địa, Vụ Vật liệu xây dựng cho biết năm 2018 đạt khoảng 65,08 triệu tấn, tăng 9% so với năm 2017. Trao đổi với Báo Chính phủ mới đây, TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cũng đưa ra thông tin cho biết thị trường nội địa vẫn có nhu cầu tiêu thụ xi măng rất lớn. Tuy tăng trưởng ổn định nhưng do khả năng hạn chế về tài chính và đầu tư xây dựng nên khâu tiêu thụ xi măng nội địa chưa thể gặt hái được những bứt phá ấn tượng.