Chờ dài cổ
Gọi điện đến đường dây nóng Báo ANTĐ, bà Nguyễn Thu T cho biết, cuối năm 2011, bà T có mua một căn hộ diện tích gần 100 m2 với giá 1,9 tỷ đồng tại tòa nhà 15 tầng CT-09A, Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên. Sau khi nộp số tiền 1,6 tỉ đồng cho đơn vị chủ đầu tư, bà T đinh ninh đến tháng 6/2012 sẽ được bàn giao nhà. Sau nhiều lần hứa hẹn và chậm bàn giao đã gần 2 năm nay, câu trả lời mà bà T nhận được từ đơn vị chủ đầu tư cho đến thời điểm này chỉ là “chờ đợi”. Cũng theo bà T, căn hộ trên hiện có giá chào bán chưa tới 14 triệu đồng/m2, trong khi đó thời điểm bà T mua lại từ chủ sở hữu khác có giá hơn 18 triệu đồng/m2. Trong hợp đồng mua bán có điều khoản nếu đơn vị chủ đầu tư chậm giao nhà thì sẽ phải trả cho bên mua một khoản lãi tính từ thời điểm dự kiến bàn giao cho đến khi bên mua nhận được nhà. Tuy nhiên, khoản lãi này được tính như thế nào, thời gian trong bao lâu thì lại không được quy định rõ trong hợp đồng nên bà T khó mà biết được mức đền bù có thỏa đáng hay không.
Gần đây, bà T được biết có thể sớm nhận được nhà, với điều kiện phải điền vào đơn yêu cầu bàn giao nhà trước thời hạn, đồng thời ký vào bản hợp đồng sẽ không nhận được khoản lãi suất mà đơn vị chủ đầu tư trả cho người mua vì chậm bàn giao nhà.
Không chỉ bà T mà khá nhiều người trót mua căn hộ tại một số khu đô thị trong thời gian gần đây cũng đang phải sống trong cảnh chờ đợi từ việc chậm bàn giao nhà. Nhiều khách hàng mua căn hộ cho biết, họ muốn tiến cũng không được, lùi cũng chẳng xong bởi đã trả cho đơn vị đầu tư một khoản tiền lớn trước đó. Nếu có muốn nhượng lại cho ai thì họ cũng khó mà bán được mức giá bằng hoặc cao hơn giá mà họ đã mua ban đầu. Vì vậy, người mua chỉ còn cách dài cổ chờ đợi. Liên hệ với đại điện của Ban quản lý số 11 thuộc Tổng công ty HUD về trường hợp của bà T, chúng tôi được biết cho đến thời điểm này công ty đã có quyết định bàn giao nhà cho các hộ dân. Hiện đã có gần 20 gia đình nhận nhà và dọn đến ở. Các hộ dân chỉ cần nộp số tiền còn lại cho công ty là sẽ nhận được chìa khoá bàn giao nhà và hoàn tất các thủ tục cần thiết. Còn về khoản lãi mà chủ đầu tư phải trả cho người dân do chậm bàn giao nhà không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban quản lý.
Rủi ro luôn thuộc về phía người mua
Được biết, tại các nước có thị trường bất động sản phát triển, một số điều luật có quy định về việc bồi hoàn thiệt hại cho nhà đầu tư khi xảy ra sự cố sụt giảm giá trị nhà ở. Thậm chí, có doanh nghiệp còn đưa các cam kết này vào phụ lục hợp đồng. Tuy nhiên, ở Việt Nam trường hợp chủ đầu tư bồi thường cho khách hàng khi giá trên thị trường sụt giảm là rất hiếm. Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu chủ đầu tư cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian xây dựng thì khách hàng luôn phải chịu thiệt thòi. Chủ đầu tư thường thỏa thuận “thời gian dự kiến thi công” hoặc “tổng thời gian thi công” nhưng không bao giờ nêu ra một cách chính xác thời điểm bàn giao căn hộ. Khách hàng do không xem xét kỹ, cứ nghĩ rằng hết “tổng thời gian thi công” là được nhận nhà song thỏa thuận này gần như không có sự ràng buộc gì. Do đó, để tránh tình trạng này, khách hàng phải đề nghị chủ đầu tư làm rõ thời hạn bàn giao nhà chậm nhất là ngày nào. Mặt khác, trong hợp đồng cũng nên có điều khoản quy định về cách xử lý khi chủ đầu tư chậm thi công, chậm giao nhà.
Theo Luật Kinh doanh bất động sản thì chủ đầu tư chậm giao nhà phải chịu trả lãi theo lãi suất ngân hàng. Do vậy, người mua cần đề nghị chủ đầu tư làm rõ thời hạn dự kiến giao nhà, thời điểm giao nhà cụ thể, nếu quá hạn mà chủ đầu tư vẫn không giao nhà thì khách hàng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hay không, chủ đầu tư sẽ phải chịu phạt bao nhiêu phần trăm trên giá trị hợp đồng. Trường hợp chủ đầu tư chậm giao căn hộ thì khoản lãi phạt khi chậm giao nhà là bao nhiêu,…
Cũng theo luật sư Nguyễn Thị Thu, ngay cả khi hợp đồng có đủ các điều khoản hết sức công bằng cho cả chủ đầu tư lẫn khách hàng thì vẫn tiềm ẩn rủi ro. Do vậy, khách hàng nên tìm hiểu rõ dự án, tính hợp pháp trong việc huy động vốn góp, về điều kiện huy động vốn góp, đồng thời ghi rõ trách nhiệm của các bên trong trường hợp vi phạm hợp đồng, mức đền bù,… để tránh thiệt thòi cho mình khi có sự cố xảy ra.