Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), đồng thời thực hiện chính sách hạn chế tín dụng cho đầu tư BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ.
Trước đó, ngày 12/4, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất và báo cáo lại khi phát hiện sai phạm. Bên cạnh đó, các nhà băng phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện nay, tổng dư nợ cho vay bất động sản khoảng 20 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ nền kinh tế. Tăng trưởng cho vay với lĩnh vực bất động sản dần hạ nhiệt trong những năm gần đây, từ mức trên 26% trong năm 2018, giảm còn 12% trong năm 2020-2021.
Đánh giá về tác động của việc siết tín dụng với BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng ảnh hưởng ra sao đến thị trường TP.HCM khi hiện tại, phần lớn dự án triển khai ở thành phố đều thuộc dòng cao cấp. Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, các chính sách nhằm điều tiết dòng vốn “chảy” nhiều hơn vào các ngành sản xuất và hướng đến những người có nhu cầu ở thực nhằm giúp họ có được chốn an cư là hết sức quan trọng và cần thiết. Những chính sách như vậy sẽ từng bước khiến cho thị trường BĐS cũng như nền kinh tế nói chung phát triển ổn định và bền vững hơn.
Siết tín dụng vào bất động sản cao cấp sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn cung và thanh khoản của thị trường TP.HCM trong thời gian tới.
Tuy nhiên việc siết tín dụng nên được thực hiện thận trọng, không quá đột ngột vì không ít chủ đầu tư phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng để phát triển các dự án. Các chủ đầu tư uy tín cũng nên được xem xét tạo điều kiện tiếp tục được tiếp cận tín dụng để mở rộng kinh doanh, làm lợi cho thị trường. Việc thiếu nguồn vốn tín dụng sẽ khiến một số chủ đầu tư phải điều chỉnh quy mô dự án, khiến cho nguồn cung ít đi. Với những người có nhu cầu ở thực đã có nguồn tiền đủ điều kiện để vay ngân hàng mua các dự án cao cấp, họ có thể gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, tâm lý phần nào cũng đắn đo hơn, ít nhiều ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường.
Nhận định về việc liệu siết tín dụng vào dự án cao cấp có gây ảnh hưởng lớn đến nguồn cung, thanh khoản của thị trường TP.HCM, TGĐ Colliers cho biết, không ít chủ đầu tư của các dự án cao cấp đã có những phương án chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau của thị trường, trong đó bao gồm cả việc chuẩn bị vốn. Có thể nói rằng, giai đoạn này, các chủ đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm dày dạn và tầm nhìn dài hạn sẽ có ưu thế trong việc tiếp tục đà phát triển các dự án căn hộ cao cấp.
Xét về nhiều yếu tố, thành phố Thủ Đức được kỳ vọng sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, từng bước trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, tài chính quan trọng của TP.HCM và cả nước. Do đó, những người có tiềm lực tài chính tốt, chuyên gia nước ngoài hay những nhà đầu tư có niềm tin vào “sức bật” của TP.Thủ Đức sẽ tiếp tục tìm kiếm các dự án căn hộ phù hợp tại đây, góp phần tích cực để giải bài toán thanh khoản.
Theo Thông tư số 31/2016/TT-BXD được Bộ Xây dựng ban hành, chung cư được chia thành hạng A, B và C. Các nhóm tiêu chí được căn cứ để phân hạng bao gồm: Nhóm tiêu chí về quy hoạch - kiến trúc, nhóm tiêu chí về hệ thống, thiết bị kỹ thuật, nhóm tiêu chí về dịch vụ, hạ tầng xã hội và nhóm tiêu chí về chất lượng, quản lý, vận hành. Theo cách phân hạng này thì rất nhiều dự án căn hộ tại TP.HCM có thể đáp ứng hầu hết các quy chuẩn của căn hộ hạng A (cao cấp). Theo các chuyên gia, cách phân chia của Bộ Xây dựng tuy phù hợp nhưng cần được bổ sung thêm một số tiêu chí để phù hợp với những thay đổi mới từ thực tế thị trường. Trong đó, chất lượng sống, trải nghiệm sống của cư dân chính là một trong những tiêu chí quan trọng bậc nhất.
Phương Uyên