Tiến sĩ Phạm Thái Sơn, GV trường Đại học Việt - Đức cho rằng, với đề xuất về Luật thuế tài sản, Bộ Tài chính đang nhấn mạnh tới mục tiêu tăng thu ngân sách hơn là chống đầu cơ. Đây cũng là lý do khiến dân chúng và một số chuyên gia phản ứng bởi lẽ hiện đã có quá nhiều loại thuế, phí mà người dân phải đóng.
"Theo tôi, trong điều kiện hiện nay nên nhấn mạnh tới việc chống đầu cơ nhà đất và điều tiết thị trường bất động sản hơn", ông Sơn nhận định và cho rằng với mục tiêu này, trước mắt sẽ áp dụng thu thuế tài sản đối với ngôi nhà thứ hai trở lên đồng thời đất không sử dụng sẽ bị tăng thuế. Tuy nhiên, điều kiện cần và tiên quyết là phải minh bạch hóa cũng như kết nối thông tin bất động sản và chuẩn hóa các phương pháp định giá.
Người dân chung cư sẽ gặp áp lực lớn nếu phải đóng cả thuế nhà đất. Trong ảnh
là chung cư 195 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Nam Trần
Còn theo giáo sư Nguyễn Thị Cành, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia Tp.HCM thì phương án mà Bộ Tài chính đưa ra chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, hơn nữa cũng chưa thể hiện được tính công bằng, hiệu quả của thuế.
Mức sống của nhiều người Việt hiện đang còn khó khăn. Chỉ những người thuộc tầng lớp có thu nhập khá mới có khả năng tự mua nhà bằng tiền cá nhân. Còn lại, số đông là những người thu nhập trung bình hoặc thấp đều rất khó có thể mua được nhà.
Chưa kể, việc đưa ra ngưỡng không chịu thuế chung là 700 triệu đồng hay 1 tỉ đồng là phi thực tế vì không phù hợp với mức sống của dân cư của Việt Nam hiện nay. Cụ thể, mỗi vùng có mức sống rất khác nhau, giá cả sinh hoạt cũng không giống nhau nên sẽ rất vô lý nếu cào bằng một ngưỡng chịu thuế cho tất cả các vùng.
Vì vậy bà Cành đề xuất: "Theo tôi, trước mắt không nên thu thuế tài sản với nhà thứ nhất để đảm bảo quyền có nhà ở của người dân, chỉ đánh thuế từ nhà thứ hai trở lên".
Cũng ở góc độ chuyên gia, ông Đinh Minh Tuấn cho rằng cách tính thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính tuy không quá phức tạp nhưng cái khó ở chỗ làm sao xác định được đối tượng để tính thuế, vì trong thực tế sẽ khó thực hiện.
"Cùng trong một ngõ, một hẻm hay một tuyến đường nhưng chi phí xây dựng khác nhau, rất khó xác định giá trị xây dựng từ vật liệu xây dựng, công nghệ... đến kỹ thuật... không dễ xác định khi thực hiện", ông Tuấn phân tích.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng chỉ ra rằng, dù Bộ Tài chính có đưa ra mức barem cho giá trị xây dựng căn nhà nhưng vấn đề là làm sao xác định được những căn nhà có giá trị, mang tính cao cấp, xa hoa so với những căn nhà đơn giản khác trong cùng khu vực?
Đấy là chưa kể còn có nhiều căn nhà mang tính thừa kế lịch sử, không những khó xác định mà thậm chí còn không có căn cứ xác định giá trị một cách chính xác.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường đề nghị chỉ nên đánh thuế nhà ở, đất ở tại đô thị vì trị giá nhà đất ở các vùng nông thôn rất thấp.
Cũng theo ông Võ, quyền lợi tối thiểu của người dân là có nhà để ở, do đó, để đảm bảo quyền lợi này thì chỉ nên thiết kế phương án tính thuế đối với phần vượt hạn mức diện tích nhà ở bình quân là 25m2/người mà Chính phủ đặt ra. Tức là chỉ đánh thuế với phần diện tích đất mà người dân sử dụng vượt mức này và chỉ đánh thuế phần diện tích trên 25m2.