Nhà thương mại giá rẻ chưa được ưu đãi
Trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đặt trọng tâm đẩy mạnh phát triển quỹ nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình và thấp để đáp ứng nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng cao tại các đô thị. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 4 triệu m2 diện tích nhà ở bình dân, đạt khoảng 40% yêu cầu theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Như vậy phân khúc này vẫn còn tiềm năng rất lớn và vẫn không ngừng gia tăng hàng năm, đặc biệt là tại những đô thị phát triển, tiêu biểu là Tp.HCM, Hà Nội.
"Để phát triển hơn nữa phân khúc nhà ở giá rẻ, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách phát triển các dự án hạ tầng giao thông kết nối trung tâm thành phố với vùng xa trung tâm, tạo điều kiện cho các dự án ở các vùng ngoại ô phát triển." Ông Đinh Quốc Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh |
Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ riêng nhà ở xã hội có nhiều ưu đãi, hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc tiếp cận quỹ đất, hỗ trợ về thuế, hỗ trợ tín dụng cho chủ đầu tư cũng như người mua nhà. Còn với phân khúc nhà thương mại giá rẻ thì đều do chủ đầu tư tự xoay sở.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hiện chưa có chính sách nào của Nhà nước giúp hỗ trợ, thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia mạnh mẽ vào phân khúc nhà thương mại giá rẻ. Ngoài ra, do giá đất và tiền sử dụng đất tại các khu vực gần trung tâm thành phố rất cao nên không thể phát triển nhà thương mại giá rẻ mà phải dịch chuyển về phía xa trung tâm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nhấn mạnh cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước để tăng cơ hội mua nhà cho người thu nhập thấp và cho rằng, trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay thì việc hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các chủ đầu tư và người mua nhà ở thương mại giá rẻ là hết sức cần thiết.
Ông Hiếu cho biết, hiện mức GDP bình quân trên đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 2.500USD/người/năm, chỉ bằng 1/24 thu nhập bình quân của người dân Mỹ (60.000USD/người/năm). Dù thu nhập cao như vậy nhưng người mua nhà tại Mỹ lại được hỗ trợ vay vốn ngân hàng trong thời gian 30 năm với lãi suất cố định 5%/năm. Còn tại Việt Nam, các ngân hàng hiện đang áp dụng mức lãi suất là 8,5% trong 12 tháng đầu và 12% trong hai năm tiếp theo.
Để phát triển nhà ở thương mại giá rẻ, các doanh nghiệp cần có
kinh phí đóng góp nhất định. Ảnh minh họa
“Giả sử người mua nhà mua căn hộ 1 tỷ đồng và vay 700 triệu đồng thì với mức lãi suất hiện nay, trong 5 năm đầu tiên, mỗi tháng cả tiền gốc và tiền lãi phải nộp cho ngân hàng là hơn 10 triệu đồng. Như vậy, ít nhất tổng thu nhập phải gấp đôi số tiền phải trả mỗi tháng, số tiền này rất lớn, trong khi phần lớn người lao động Việt Nam chỉ có thu nhập xoay quanh mức 5-6 triệu đồng/tháng. Theo tôi, để người lao động thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà, ổn định an sinh xã hội thì hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà giá rẻ là vấn đề tiên quyết trong điều kiện kinh tế, xã hội tại Việt Nam hiện nay”, ông Hiếu phân tích.
Tìm vốn từ nhiều nguồn
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng đồng tình với quan điểm Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giúp kết nối các hạ tầng sẵn có. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, ông Thịnh cho rằng, không nên đặt nặng phương án giải quyết bằng lãi suất ưu đãi cho phân khúc nhà giá rẻ, bởi khi đã kinh doanh thì doanh nghiệp phải chấp nhận theo quy luật cung cầu.
“Tôi cho rằng không thể nào có chuyện khi bán nhà lời lãi chủ đầu tư hưởng, nhưng lại yêu cầu Nhà nước ưu đãi. Về nguồn vốn, tôi cho rằng doanh nghiệp đừng trông chờ nhiều vào hỗ trợ của Nhà nước, không nên mong chờ ngân hàng cho vay giá rẻ, bởi ngân hàng khi kinh doanh phải tính lợi ích kinh tế của họ. Các doanh nghiệp nên tự tìm cách để có các nguồn vốn khác từ thị trường vốn để làm phát triển dự án”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, với cả nhà thương mại giá rẻ lẫn nhà xã hội, Việt Nam đều chưa động viên được mọi nguồn lực và vận dụng được kinh nghiệm của các nước. Minh chứng rõ nhất cho điều này chính là sự "hụt hơi" của các dự án nhà xã hội sau khi gói tín dụng ưu đãi kết thúc. GS Võ cho rằng, giải pháp chính là phát triển nhà ở thương mại giá rẻ và đây cũng là giải pháp hiệu quả để giải quyết nhu cầu nhà ở của phần đông người dân hiện nay. Nhà nước cũng cần tiếp tục xây dựng cơ chế đối với nhà ở thương mại giá rẻ để giải quyết vấn đề xã hội chứ không nên đi theo chính sách phát triển nhà ở xã hội mang nhiều tính bao cấp như hiện nay.
“Chúng ta cần tìm mọi cách động viện nhiều nguồn lực, chứ không nên nhìn vào sự trợ giúp của Nhà nước, trong khi mức hỗ trợ không đủ với một mức thu nhập quá thấp ở Việt Nam như hiện nay và nhu cầu nhà ở đang rất thiếu. Các nguồn lực ở đây có thể tính đến các quỹ từ thiện từ các tỷ phú trong nước và nước ngoài, từ trách nhiệm xã hội của các DN, từ các tổ chức xã hội và kể cả từ các ODA mang tính xã hội”, ông Võ đề xuất. Đồng thời, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh tín dụng từ Nhà nước đang rất hạn chế, chúng ta có thể hướng tới nguồn vốn ODA nào đó của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á…
Tương tự, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần hình thành các quỹ phát triển nhà ở giá rẻ và động viên sự đóng góp của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại, các tổ chức xã hội và các cá nhân giàu có hảo tâm. "Để được mua nhà ở giá rẻ, người có thu nhập thấp sẽ phải góp tiền vào quỹ này tới mức nhất định nào đó. Các dự án nhà ở thương mại cũng phải đóng góp vào quỹ này một giá trị tương đương như 20% giá trị nhà ở của dự án để phát triển nhà ở thương mại giá rẻ, không phải đóng góp cho không mà được thu lợi từ quá trình phát triển", một chuyên gia góp ý.