Trước cơ hội được vay gói hỗ trợ cán bộ, công chức mua nhà, nhiều người đang lâm vào cảnh nghèo không ra nghèo, giàu không ra giàu nên để vay được vốn quả là điều không hề dễ. Anh Nguyễn Trọng Vinh, một cán bộ làm trong ngành Xây dựng tâm sự:"Thu nhập của cả hai vợ chồng tôi mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng. Trong đó, hơn một nửa là để chi trả cho tiền thuê nhà ở, ăn uống và tiền học hành của con, chưa kể chi phí phát sinh khi đau ốm. Tiết kiệm lắm, mỗi năm 2 vợ chồng cũng "bỏ ống" được khoảng 100 triệu đồng, sau 5 năm khoảng 500 triệu đồng".
Nếu mua nhà thì với số tiền này, vợ chồng anh Vinh cũng chỉ mua được căn hộ nhỏ ở ngoại thành, cách chỗ làm tới 20km nên sẽ bất tiện. Vì thế, gia đình anh vẫn chờ một cơ hội để được vay vốn giá rẻ mua nhà ở.
Tuy nhiên, chiếu theo bất cứ gói hỗ trợ nào thì vợ chồng anh cũng đều không đạt chuẩn. Nếu chiếu theo gói tín dụng 30 nghìn tỷ, gia đình anh thuộc diện “thu nhập cao”, còn nếu đợi gói tín dụng mới sắp được trình làng thì thu nhập của anh lại chưa thể với tới. Giấc mơ có nhà ở của gia đình anh vẫn còn rất xa vời.
Công chức ở Việt Nam hầu hết đều thuộc nhóm thu nhập trung bình với tổng thu nhập cả gia đình ở mức khoảng từ 15-20 triệu đồng/tháng. Mức trung bình được xác định vì họ đủ chi tiêu ở mức tối thiểu và có thêm được 1 khoản tiết kiệm nhất định. Thế nhưng, nhóm đối tượng này không thuộc vào một gói tín dụng nào đã, đang và sẽ được đưa ra.
Cơ hội tiếp cận vốn giá rẻ để mua nhà đang ngoài tầm với đối với những hộ gia đình kiểu này, mặc dù nhu cầu nhà ở và tiềm lực kinh tế để có thể vay được vốn là có thực. cao không tới, thấp không xong, họ chỉ còn cách chấp nhận làm “con rơi”.
|
“Thử nhìn lại gói 30 nghìn tỷ, tắc vì đâu? Bên cạnh lý do thiếu nguồn cung, nhiều người mua nhà không thể vay vì thu nhập không đủ trả nợ. Trong khi đó, nếu gói tín dụng cho vay tới 2 tỷ mới được triển khai, thì với thu nhập 30-40 triệu, liệu có mấy người phải đi vay vốn để mua nhà, nhất là vay tới 2 tỷ để mua căn hộ cao cấp? Mà, khi đã có tiền, có thu nhập để mua được căn hộ cao cấp, nhà liền kề, họ hoàn toàn có thể vay vốn theo lãi suất thương mại, việc gì Nhà nước phải bỏ vốn ra để ưu đãi? Liệu gói tín dụng này có sớm đi vào bế tắc hay không? Sao không nghĩ ra gói tín dụng thiết thực và hiệu quả hơn cho những người đang có nhu cầu thực như chúng tôi?”, anh Vinh bức xúc.
Anh Vinh cũng bức xúc nêu ý kiến: Với gói 30.000 tỷ đồng dành cho người thu nhập thấp, người mua nhà lại không đủ khả năng tài chính vì thu nhập không đủ trả nợ. Còn với gói tín dụng cho vay tới 2 tỷ mới được triển khai, thì với thu nhập 30-40 triệu, liệu có mấy người phải đi vay vốn để mua nhà, mà lại là vay tới 2 tỷ để mua căn hộ cao cấp? Với đối tượng này, họ hoàn toàn có thể vay vốn theo lãi suất thương mại mà không cần ưu đãi? Chúng tôi cần một gói tín dụng thiết thực và hiệu quả hơn để thực hiện được ước mơ mua nhà của mình.
Thống kê của chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, cho thấy: hiện có hơn chục gói tín dụng ưu đãi được Ngân hàng triển khai, trong đó các ngân hàng thương mại cũng phải tầm hơn 10 gói và phía Ngân hàng Nhà nước có khoảng 3 - 4 gói. Tuy nhiên, không phải gói hỗ trợ nào cũng đạt được hiệu quả. Điển hình như hiện nay, một số gói đang cần rà soát lại hiệu quả thực hiện gồm có gói 30 nghìn tỷ dành cho người thu nhập thấp mua nhà, một số gói liên quan đến cho vay mua gạo, tái canh cây café, cho vay nông nghiệp, nông thôn… Gói liên kết 4 nhà (ngân hàng, chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng vật liệu sản xuất) trị giá 50.000 tỷ đồng từng hoành tráng ra mắt nhưng sau đó lại chìm vào quên lãng.
Bên cạnh đó cũng có những gói làm tốt, ví dụ như gói liên kết 4 nhà ban đầu, gói khoảng 2.000 tỷ cho vay mua nhà, cho vay bán lẻ.
Lý giải về sự khó khăn của các gói tín dụng, Giám đốc vùng Bắc Trung Bộ Ngân hàng Quốc tế (VIB), ông Nguyễn Xuân Thông, cho rằng cái khó nằm ở chính tính định hướng khi triển khai gói tín dụng cũng như ý thức của người dân. Nhiều người đi vay mua nhà thấy gói tín dụng ưu đãi lãi suất là cho rằng đó là đồng vốn bao cấp. Vì thế, thấy mình nằm trong đối tượng được vay là họ cũng xông vào vay trong khi để vay vốn và sử dụng hiệu quả, người vay cần có kế hoạch để sử dụng đồng vốn hiệu quả. Vì vậy, cho vay thì dễ, nhưng thu hồi vốn lại không dễ chút nào, vì khi người dân sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thì khó có thể bắt họ trả nợ...