- Theo nhiều ý kiến, năm 2015, thị trường BĐS Việt Nam sẽ có sự bứt phá nhờ các chính sách mới thông thoáng hơn. Ông có đồng tình với quan điểm này?
Ông Rudolf Hever, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn BĐS Alternaty |
Đầu tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, nền kinh tế vĩ mô ở Việt Nam đã ổn định và được cải thiện rõ rệt, con số lạm phát giảm mạnh và có thể sẽ giảm nữa trong thời gian tới. Thị trường BĐS khởi sắc nhờ nền tảng bối cảnh kinh tế chung này.
2015 cũng là năm nhiều chính sách kinh tế mới theo hướng thông thoáng, cởi mở hơn chính thức có hiệu lực, nhất là việc sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... Các đạo luật này được nhà đầu tư ngoại rất quan tâm và có tác động lớn tới tâm lý của họ khi quyết định đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam. Theo tôi, đây là một tiến trình đúng đắn đối với sự phát triển của thị trường BĐS Việt Nam.
Hiện tại, niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường BĐS hiện đã được cải thiện, đặc biệt hành lang pháp lý thông thoáng hơn đang tạo nên nhiều cơ hội cho những nhà đầu tư ngoại.
- Thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian sắp tới sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư ngoại từ khu vực nào nhiều nhất, theo ông?
So với thời gian trước, thị trường BĐS Việt Nam hiện tại đã có những chuyển biến tích cực hơn. Từ ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều chủ đầu tư nội địa đã khẩn trương hoạt động trở nhằm bảo đảm tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường và thời hạn bàn giao nhà cho người mua. Chúng tôi đang nhận được nhiều lời đề nghị của những chủ đầu tư nước ngoài về tư vấn đầu tư, quản lý cho các dự án resort, khách sạn... tại Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, các hoạt động này trong thời gian tới sẽ diễn ra sôi động hơn.
Tôi quan sát thấy, các nhà đầu tư ngoại đang rất quan tâm, tìm hiểu các dự án BĐS tại Việt Nam để triển khai đầu tư. Cái khó ở đây là họ phải tìm được các dự án có chất lượng, đối tác và giao dịch phù hợp với mình khi quyết định đầu tư.
Hiện tại, nền kinh tế của Trung Quốc đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không phải là nước ở châu Á có nhiều giao dịch, dự án đầu tư BĐS tại Việt Nam. Những quốc gia và vùng lãnh thổ khác ở châu Á như Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc, Malaysia... hiện đang chiếm ưu thế trong lĩnh vực này tại thị trường Việt Nam.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam. Ảnh: CafeLand |
- Về cách thức gia nhập thị trường của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông có thể nói cụ thể hơn?
Hiện nay, những nhà đầu tư nước ngoài được phân ra thành nhiều nhóm. Đối với những nhà đầu tư cá nhân, họ tìm các giao dịch, dự án nhỏ và khi tìm được các giao dịch phù hợp, họ thường quyết định rất nhanh. Những nhà đầu tư loại này thường không có các ê-kíp đi cùng với họ. Vì thế, họ sẽ tìm những dự án tại Việt Nam và tham gia với tư cách là những nhà sở hữu nhỏ trong dự án đó.
Với những quỹ đầu tư, những nhà đầu tư này sẽ cẩn thận hơn nhiều với các bước đầu tư nên họ thường gặp ít rủi ro hơn. Nhưng họ cũng cần được Hội đồng quản trị của quỹ chấp thuận khi quyết định đầu tư tại Việt Nam nên thời gian sẽ kéo dài.
Các nhà đầu tư ngoại thường có xu hướng tìm những dự án đã đi đến vòng cuối. Đơn cử, họ thích các dự án đang được thực hiện hoặc sắp được thực hiện. Bởi vì, một thực tế thường xảy ra ở Việt Nam là có rất nhiều dự án được công bố nhưng chủ đầu tư dự án mới chỉ có mặt bằng hoặc đang làm thủ tục xin cấp phép dự án. Vì thế, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tốn nhiều công sức, thời gian và có thể gặp rủi ro nếu đầu tư vào những dự án này.
- Thưa ông, phân khúc BĐS nào hiện đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và phương thức, xu hướng đầu tư của họ trong thời gian tới là gì?
Tôi cho rằng, tại thị trường Việt Nam hiện nay, phân khúc nhận được sự quan tâm, có nhiều giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là mặt bằng bán lẻ. Những nhà đầu tư này chủ yếu tới từ châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore...
Trong những năm tới, xu hướng này vẫn tiếp tục được duy trì nhưng sẽ không có các cơn sóng như trong giai đoạn từ 2007-2008. Đặc biệt, chúng tôi cũng không mong muốn điều này xảy ra bởi không muốn có thêm "bong bóng" BĐS một lần nữa. Theo tôi, trong thời gian tới, thị trường BĐS Việt Nam phát triển chậm hơn nhưng sẽ ổn định hơn.
Tôi không nghĩ, trong năm nay, sẽ có làn sóng ồ ạt với hàng nghìn, hàng trăm thương vụ M&A dự án BĐS sẽ diễn ra mà tôi tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có sự cân nhắc cẩn thận. Hiện nay, thị trường đang theo chiều hướng tích cực nên về lâu dài, những thương vụ M&A sẽ tiếp tục diễn ra và đương nhiên sẽ không ồ ạt với số lượng lớn mà sẽ là các dự án có quy mô lớn, trung bình. Theo tôi, để hiện thực hóa những thương vụ này, nhà đầu tư ngoại sẽ quan tâm nhiều hơn tới các quy định của pháp luật Việt Nam nhằm đảm bảo rằng giao dịch của họ mang lại hiệu quả và hợp pháp.