Điểm sáng của kinh tế Việt Nam
Dù đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn trên phạm vi toàn thế giới nhưng tiến sĩ Cấn Văn Lực khá lạc quan vào kịch bản kinh tế thế giới 2021. Ông cho biết, năm 2020 kinh tế thế giới suy thoái sâu, giảm 3,5-4% so với năm 2019. Nhưng nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh trong năm 2021. Các tổ chức như IMF, WB đã đưa ra những con số ấn tượng khi dự báo mức tăng trưởng dương của nền kinh tế thế giới là 4-5,5%.
Theo đó, ông Lực cho rằng nền kinh tế Việt Nam cũng đang trên đà khởi sắc. Hai tháng đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam xuất hiện nhiều điểm sáng như: dịch bệnh tiếp tục bùng phát, song cơ bản tiếp tục được kiểm soát; hoạt động bán lẻ phục hồi và tăng khá; sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi; xuất - nhập khẩu 2 tháng tăng mạnh, cán cân thương mại duy trì thặng dư; lạm phát tăng trở lại nhưng trong tầm kiểm soát; giải ngân đầu tư công và vốn FDI khởi sắc ngay từ đầu năm; mặt bằng lãi suất giảm nhẹ, tỷ giá cơ bản ổn định; thị trường chứng khoán tăng khá và thị trường bất động sản đang phục hồi.
Dù tin tưởng vào một kịch bản lạc quan nhưng ông Lực vẫn đưa ra những cảnh báo rủi ro, thách thức từ bên ngoài. Thứ nhất, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến khó lường, việc sản xuất và phân phối vaccine còn chậm đến các nước đang phát triển. Thứ hai, căng thẳng thương mại và công nghệ còn leo thang và khó đoán. Thứ ba, địa chính trị thế giới phức tạp và thiên tai, lũ lụt sẽ vẫn tăng trong năm tới. Thứ tư là các vấn đề rủi ro, bất ổn tài chính toàn cầu.
Nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng được dự báo sẽ có sự khởi sắc trong năm 2021
Ngoài ra là những rủi ro, thách thức trong nước như thâm hụt ngân sách, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng; khối doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa) chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19, trong khi triển khai gói hỗ trợ còn chậm; nợ xấu tăng và rủi ro hoạt động tăng, nhưng cơ bản trong tầm kiểm soát, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm và tận dụng các hiệp định thương mại tự do chưa tốt.
Những chính sách tác động đến thị trường BĐS
Cũng theo ông Lực, thị trường bất động sản là một thành tố quan trọng của nền kinh tế. Bất động sản đóng vai trò là cầu nối các ngành, thị trường trong chuỗi giá trị bất động sản với 35 ngành nghề, lĩnh vực liên quan tới thị trường bất động sản. Trong đó, có 4 ngành lớn có liên quan nhiều đến bất động sản đóng góp lớn vào GDP cả nước là xây dựng (6,19% GDP), du lịch (9,2% GDP), lưu trú (3,14% GDP), tài chính – ngân hàng (5,37% GDP). Riêng ngành kinh doanh bất động sản đóng góp 4,42% GDP. Lĩnh vực này cũng đóng vai trò quan trọng trong thu hút vốn đầu tư khi xếp thứ 2 về thu hút vốn nước ngoài, chiếm tỷ lệ khoảng 10% FDI đăng ký mới hàng năm.
Theo ông Lực, năm 2021, nhiều chính sách liên quan tới xây dựng và kinh doanh bất động sản sẽ tác động tới thị trường. Cụ thể là luật xây dựng sửa đổi; luật đầu tư sửa đổi; nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi; bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; nghị quyết 164 (11/2020); kế hoạch xây dựng Nghị Quyết phát triển nhà ở giá thấp; nghị định 15 (3/3/2021) quy định chi tiết 1 số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Ông Lực nhấn mạnh các luật, định hướng, chính sách đang được sửa đổi theo hướng hoàn thiện, tinh giảm quy trình, thủ tục nhằm hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản. Những sự thay đổi này còn góp phần tiết giảm thời gian, chi phí và giá thành sản phẩm, tháo gỡ cho các dự án bất động sản. Đặc biệt, sự thay đổi này còn định hướng vào sản phẩm giá rẻ nhằm cân đối cung - cầu thị trường và cơ cấu sản phẩm phù hợp, giảm thiểu hoạt động đầu cơ giá.
Ngoài ra, còn phải kể đến các thay đổi về chính sách tài chính, tín dụng, thuế nhằm kiểm soát rủi ro thanh khoản như giảm dần tỷ lệ̂ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (Thông tư 22/NHNN); Kiểm soát rủi ro hoạt động phát hành TPDN: Nghị định 153/2020/NĐ-CP; Điều chỉnh khung giá đất tiệm cận giá thị trường: Nghị định96/2019/NĐ-CP; Các nghị định, thông tư về các gói hỗ trợ trong bối cảnh dịch Covid-19; Luật chứng khoán sửa đổi, cho phép thành lập Quỹ tín thác đầu tư BĐS (REIT); QĐ 316 của TTg (ngày 9/3/2021) về thí điểm dịch vụ Mobile Money.
Ông Lực cho biết các chính sách này sẽ giúp giảm chi phí tài chính, tăng hiệu quả hoạt động và phát triển an toàn, bền vững cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư vào thị trường trong điều kiện kiểm soát được rủi ro. Các chính sách cũng tác động đến giá nhà, đền bù giải phóng mặt bằng sát gần hơn với giá thị trường, hỗ trợ một phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí, vượt qua khó khăn do tác động dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, việc cho phép thành lập Quỹ tín thác đầu tư BĐS (REIT) có vai trò hêm kênh huy động vốn quan trọng và việc thí điểm dịch vụ Mobile Money sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Thúy An
>> Điểm danh những "điểm nóng" của thị trường BĐS phía Nam
>> Giá bất động sản tăng mạnh, bong bóng sẽ xảy ra?