Dịch chuyển về các thị trường tỉnh có phải là xu thế tất yếu của thị trường? Đây liệu có phải là hướng đi chiến lược tiềm năng của các đơn vị trong ngành bất động sản và các nhà đầu tư đi theo con sóng này? Bà Phùng Thị Hải Vân – Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Tập đoàn Kosy đã có cuộc trao đổi với Muonnha.com.vn về chủ đề này.
Bà Phùng Thị Hải Vân – Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Tập đoàn Kosy
- Là đơn vị chuyên phát triển các sản phẩm bất động sản ở các thị trường tỉnh. Bà đánh giá thế nào về thị trường bất động sản tỉnh trong năm 2021?
Năm 2021 là năm chịu nhiều tác động bởi dịch Covid – 19. Tuy nhiên, theo Cục thống kê, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề, GDP năm 2021 của Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,58%, lọt vào top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Còn số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, tính đến ngày 20/9, ngành kinh doanh bất động sản (BĐS) vẫn duy trì vị trí thứ 3 thu hút đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký đạt 1,78 tỷ USD.
Trải qua 4 đợt dịch liên tiếp, nền kinh tế bị gián đoạn nhịp phát triển nhưng sau mỗi đợt dịch, mức độ quan tâm đến bất động sản lại có xu hướng tăng mạnh trở lại. Sức nóng đầu tư BĐS lan tỏa từ tâm các khu vực đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM sang các thị trường tỉnh có nhiều tiềm năng nhờ dư địa dồi dào, tiềm năng tăng giá cao, mức giá còn thấp.
Với lợi thế nằm gần khu vực trung tâm, hưởng lợi về hạ tầng giao thông phát triển, tốc độ đô thị hóa đang tăng mạnh trong những năm gần đây, thị trường BĐS tỉnh nhanh chóng thu hút đông đảo nhà đầu tư. Đặc biệt, năm 2021, việc công bố quy hoạch mở rộng địa giới hành chính cũng như thi công hạ tầng trọng điểm tại nhiều địa phương được đồng loạt triển khai đã tạo tiền đề cho thanh khoản và giá BĐS tăng trưởng tốt tại nhiều khu vực như: Hòa Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên.
Tôi nhận thấy không chỉ các nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm, nhiều nhà đầu tư F0 cũng gia nhập thị trường, góp phần tăng thêm sự sôi động của thị trường tỉnh. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nguồn cung BĐS có xu hướng giảm rõ rệt. Theo Hội môi giới BĐS VN, tại thời điểm Quý 3/2021 nguồn cung sơ cấp xuống thấp nhất trong 5 năm qua, giảm tới 52% so với cùng kỳ 2020. Nguồn cung đa phần tồn từ các quý trước, lượng cung dự án mới rất hạn chế. Khan hiếm về nguồn cung, cầu gia tăng, điều này khiến cho lượng hấp thụ tốt và tập trung sự quan tâm vào các sản phẩm mới ra.
Nhìn chung, tôi cho rằng trải qua 1 năm “sóng gió” do những tác dụng bởi dịch Covid - 19, thị trường BĐS tỉnh năm 2021 đã trở thành điểm sáng đầu tư mới, mang lại nhiều giá trị cho nhà đầu tư.
- Trên thực tế, xu hướng dịch chuyển về các thị trường tỉnh đã hình thành và phát triển mạnh trong nhiều năm trở lại đây. Bà nhìn nhận thế nào về diễn biến của xu hướng này trong khoảng thời gian đó?
Theo quan sát của tôi, sự chuyển dịch dòng tiền sang các thị trường tỉnh thực tế đã hình thành và phát triển trong nhiều năm trước. Tuy nhiên, thời gian trước đó, làn sóng này mới chỉ tập trung tại một số khu vực lân cận các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, chứ chưa lan rộng ra các tỉnh, thành địa phương khác.
Thời gian gần đây, khi sức nóng tại các thị trường Hà Nội, TP.HCM đạt đỉnh, quỹ đất ngày càng khan hiếm đẩy mức giá tăng cao . Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư không “theo kịp” thị trường đã phải chuyển hướng sang các khu vực tỉnh có lợi thế về tiềm năng về công nghiệp, du lịch, đô thị….
Trong khi đó, sự góp mặt của các “ông lớn” với các dự án hàng nghìn tỷ cũng đã góp phần đánh thức tiềm năng của BĐS tỉnh khiến những vùng đất này trở thành “miền đất hứa” cho các nhà đầu tư. Tất cả những yếu tố đó đã tạo thành một xu hướng chuyển dịch đầu tư rõ nét tại các thị trường tỉnh, khiến BĐS tỉnh ngày càng trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn.
- Trong bối cảnh quỹ đất tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM khan hiếm và ngày càng đắt đỏ, việc các chủ đầu tư đánh bắt xa bờ đã trở thành một làn sóng. Làn sóng này liệu có phải trào lưu và liệu có lúc sẽ bão hòa?
Tôi không nghĩ làn sóng đầu tư BĐS tỉnh là một trào lưu, hết sóng là nguội. Bởi thực tế cho thấy, BĐS tỉnh vẫn đang sở hữu những tiềm năng vô cùng lớn như quỹ đất dồi dào, dư địa phát triển lớn về quy hoạch, hạ tầng cũng như kinh tế, xã hội và dân cư.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến tháng 6/2021, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt khoảng 40,4%. So với thời điểm năm 2020, số lượng đô thị toàn quốc hiện tăng 5 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa tăng khoảng 0,4%. Có thể thấy, tỷ lệ đô thị hóa ở nước ta còn thấp so với mức trung bình của các nước trong khu vực ASEAN và bình quân của thế giới.
Trong thời gian tới, làn sóng đô thị hóa sẽ lan rộng từ các khu vực lớn như Hà Nội, TP.HCM sang các tỉnh, thành. Như vậy, để có thể khai thác hết tiềm năng của thị trường BĐS tỉnh, phải cần một khoảng thời gian dài từ 30 năm, 50 năm và có thể kéo dài hơn thế nữa. Sự phát triển của BĐS luôn tỷ lệ thuận với sự phát triển của kinh tế. Kinh tế càng phát triển, nhu cầu về nhà ở, chất lượng sống ngày càng cao. Hơn nữa, sau mỗi chu kỳ phát triển của kinh tế sẽ mở ra một giai đoạn mới, xu hướng mới. Vì vậy, rất khó để BĐS tỉnh bị bão hòa.
- Trong concept phát triển sản phẩm và kế đó là vận hành, Kosy chú trọng những yếu tố nào để thu hút dân cư về ở, để dự án của mình trở thành một nơi đáng sống?
Quan điểm phát triển sản phẩm BĐS tại các thị trường tỉnh của chúng tôi là luôn luôn đề cao hai giá trị “vật chất” và “tinh thần”. Vật chất đó là những dịch vụ, tiện ích để đảm bảo cuộc sống của cư dân. Còn tinh thần là xây dựng phong cách, lối sống.
Trong khâu quy hoạch, chúng tôi luôn chú trọng cân bằng các yếu tố không gian, cảnh quan, cây xanh, mặt nước, kết nối hạ tầng giao thông, tiện ích… Các sản phẩm chúng tôi cung cấp ra thị trường rất đa dạng như shophouse, shopvilla, biệt thự, liền kề, … đáp ứng linh hoạt mọi nhu cầu an cư, đầu tư, hay kinh doanh của khách hàng.
Công viên tại dự án Kosy Moutain View Lào Cai
Điểm chung trong các dự án của Tập đoàn Kosy đó là đều nằm tại điểm đấu nối giao thông trực tiếp giữa các tuyến đường lớn có lưu lượng dân cư qua lại đông đúc, có thể khai thác tốt các mô hình kinh doanh shophouse, shopvilla mang đến tiềm năng tăng giá BĐS.
Không chỉ xây dựng một chốn an cư, chúng tôi luôn mong muốn mang vào dự án những giá trị tinh thần về văn hóa bản địa trong không gian mới, cùng phong cách sống năng động, tăng tính kết nối cộng đồng cư dân văn minh.
- Thị trường bất động sản 2022 sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn và có những thuận lợi nào? Những thuận lợi và khó khăn này tác động thế nào đến thị trường bất động sản tỉnh?
Về khó khăn, theo tôi, trong năm 2022, thị trường BĐS tỉnh vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với những ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19. Tuy nhiên với chính sách tốt, kiểm dịch tốt, “hộ chiếu” vaccine giúp đi lại thuận tiện hơn, sẽ thúc đẩy hoạt động mua bán BĐS tiếp tục sôi động.
Về thuận lợi, nguồn cung trong năm 2022 sẽ dồi dào hơn, nhiều dự án mới sẽ ra hàng trong đầu năm 2022, dư địa thị trường tỉnh còn lớn, BĐS tiếp tục là kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn, tâm lý nhà đầu tư đã quen dần với dịch bệnh, một số nhà đầu tư sau thời gian dài chưa tìm được sản phẩm thích hợp để gia tăng danh mục tài sản… Với những điểm nêu trên, thì 2022 có thể nói vẫn tiếp tục là thời cơ vàng để thị trường BĐS tỉnh phát triển lên một nấc thang mới. Bởi sự chênh lệch cung cầu vẫn còn lớn, tiềm năng tăng giá vẫn còn hấp dẫn.
Cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện này!
Thúy An (thực hiện)