Rừng phòng hộ đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng sinh thái
1. Rừng Phòng Hộ Là Gì?
Rừng phòng hộ là loại rừng được hình thành chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống lại các thiên tai như lũ lụt, hạn hán, giúp điều hòa khí hậu và góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường.
Phân Loại Rừng Phòng Hộ
Theo Luật Bảo vệ, Phát triển rừng 2014, rừng phòng hộ được chia thành 4 loại với các chức năng khác nhau, cụ thể:
Rừng phòng hộ đầu nguồn | Đây là diện tích rừng tập trung chính ở đầu nguồn các dòng sông với vai trò điều tiết nguồn nước hạn chế lũ lụt, hạn chế xói mòn và bồi lấp. Đồng thời cũng cung cấp nước cho các dòng chảy và hồ vào mùa khô. |
Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay | Đây là loại rừng phòng hộ nông nghiệp, thường tập chung ở các vùng ven biển. Bên cạnh đó còn giúp ngăn chặn tình trạng cát bay, gió lớn ảnh hưởng tới các khu dân cư và vùng sản xuất. |
Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển | Thường được trồng để ngăn sóng ở những khu vực ven biển, ven sông. Ngoài ra còn có thể giúp hình thành đất mới bằng cách lắng đọng bàn cát. Loại rừng này thường mọc tự nhiên. |
Rừng phòng hộ sinh thái, bảo vệ môi trường | Là loại rừng được trồng gần các khu dân cư, đô thị và các khu công nghiệp. Có chức năng điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái và kết hợp các hoạt động du lịch. |
Còn theo luật Lâm nghiệp 2017, rừng phòng hộ lại được phân loại như sau:
- Rừng phòng hộ đầu nguồn;
- Rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư;
- Rừng phòng hộ biên giới.
- Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay;
- Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển.
Tỷ lệ diện tích của các loại rừng phòng hộ (số liệu năm 2019)
Rừng Phòng Hộ Trồng Ở Đâu?
Ở các lưu vực sông, rừng phòng hộ được trồng trên vùng núi cao, ở vị trí thượng nguồn sông nhằm mục đích điều hòa dòng chảy. Khi trời mưa, một phần nước mưa sẽ được giữ lại trên tán cây, phần còn lại rơi trực tiếp xuống đất và được giữ lại bởi lớp thảm thực vật, trong đó số ít sẽ tiếp tục thấm và len lỏi vào đất, tạo thành các mạch nước ngầm. Như vậy, nếu như không có rừng thì lượng nước mưa sẽ rơi trực tiếp xuống đất, nếu lượng nước mưa lớn sẽ khiến dòng chảy dâng lên đột ngột, dễ gây ra sói mòn, lở đất, lũ lụt.
Không ít người thắc mắc rừng phòng hộ là gì, được trồng ở đâu
Rừng Phòng Hộ Tiếng Anh Là Gì?
Trong tiếng Anh, Forest protection cũng có nghĩa là rừng phòng hộ. Một số khu vực rừng phòng hộ nổi tiếng trên thế giới có thể kể đến các khu rừng ở Pháp, Đức, Ý, Thụy Sĩ và một số nước ở châu Âu. Ở đây, rừng phòng hộ còn có vai trò ngăn chặn lở tuyết.
2. Rừng Phòng Hộ Trồng Cây Gì?
Không có một quy định cụ thể nào về loại cây bắt buộc phải trồng ở rừng phòng hộ. Nhưng thông thường, rừng phòng hộ chắn sóng, chắn cát ở biển là những loại cây chịu mặn, sống được ở đất cát tốt như phi lao, bạch đàn, keo, tràm,...
Rừng phòng hộ ven biển
Còn rừng phòng hộ ở vùng núi lại là những loại cây thích hợp với đất mùn, khí hậu núi cao như trám, sao đen, dầu rái, huỷnh, sến,… và keo, mây các loại…
Nhìn chung, các loại cây được chọn trồng làm rừng phòng hộ phải đảm bảo đáp ứng được tiêu chí chống chịu tốt với môi trường, thế nên thường là các loại cây bản địa, được lai tạo cho phù hợp và nhân giống, tạo thành rừng phòng hộ đủ bền vững để thực hiện được vai trò "phòng hộ" của nó.
3. Chức Năng Của Rừng Phòng Hộ Là Gì?
Rừng phòng hộ giữ một vai trò quan trọng trong hệ thống sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động sinh hoạt của người dân. Với vai trò quan trọng như vậy, rừng phòng hộ được đặc biệt chú ý bảo tồn, không mang mục đích khai thác như các loại rừng sản xuất khác. Vậy nhiệm vụ của rừng phòng hộ là gì?
Rừng phòng hộ sẽ làm nhiệm vụ như lớp chắn bảo vệ môi trường. Đối với rừng đầu nguồn sẽ có vai trò điều tiết nguồn nước. Khi có thiên tai xảy ra như lũ lụt hay hạn hán sẽ giảm thiểu được khả năng thiệt hại. Ngoài ra còn có chức năng điều hòa sinh thái.
Đối với rừng phòng hộ ở ven biển thường có chức năng chắn gió, chắn cát bay và ngăn chặn sự xâm nhập của cát biển.
Như vậy, hầu hết các loại rừng phòng hộ ở nước ta đều có vai trò bảo vệ sinh thái môi trường, ngăn chặn thiên tai và phục vụ chức năng du lịch.
Rừng phòng hộ trên núi với vai trò điều hòa dòng chảy, chống xói mòn, lở đất
4. Đất Rừng Phòng Hộ Có Ký Hiệu Là Gì?
Ký hiệu đất rừng phòng hộ trên bản đồ địa chính là RPH.
Nhóm đất nông nghiệp | Kí hiệu |
---|---|
Đất chuyên trồng lúa nước | LUC |
Đất trồng lúa nước còn lại | LUK |
Đất lúa nương | LUN |
Đất bằng trồng cây hàng năm khác | BHK |
Đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác | NHK |
Đất trồng cây lâu năm | CLN |
Đất rừng sản xuất | RSX |
Đất rừng phòng hộ | RPH |
Đất rừng đặc dụng | RDD |
Đất nuôi trồng thủy sản | NTS |
Đất làm muối | LMU |
Đất nông nghiệp khác | NKH |
Bảng ký hiệu các loại đất nông nghiệp trên bản đồ địa chính
5. Đất Rừng Phòng Hộ Có Chuyển Nhượng Được Không?
Đầu tiên phải hiểu đất rừng phòng hộ là gì? Đất rừng phòng hộ là đất trong khu vực được quy hoạch để trở thành rừng phòng hộ. Trên thực tế, đất rừng phòng hộ là một trong các nhóm đặc biệt, được điều chỉnh bởi Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn với những tính chất pháp lý riêng biệt. Vì vậy, cần tìm hiểu kỹ để không mắc sai lầm trong sở hữu và chuyển nhượng đất.
Nhiều người quan tâm đất rừng phòng hộ có chuyển nhượng được không
Vậy đất rừng phòng hộ có chuyển nhượng được không?
Đất rừng phòng hộ có chuyển nhượng được. Tuy nhiên phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: Khoản 1, Điều 188, Luật Đất đai 2013 quy định điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:
“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.”
Điều kiện để hộ gia đình, cá nhân được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất quy định tại Điều 192, Luật Đất đai 2013 có nêu rõ:
“2. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó.”
6. Đất Rừng Phòng Hộ Có Được Xây Nhà Không?
Theo quy định của pháp luật, chỉ có đất thổ cư mới được phép xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ cho đời sống của người dân.
Với những mảnh đất nằm ngoài nhóm đất thổ cư, nếu muốn xây nhà thì chủ sở hữu cần phải làm hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sau đó thực hiện các thủ tục xin cấp phép xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.
Rừng phòng hộ có được xây nhà không cũng được nhiều người thắc mắc
Căn cứ Điều 57 Luật đất đai năm 2013 quy định:
“Điều 57. Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;
b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;
c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;
Như vậy, đất rừng phòng hộ, chỉ có thể chuyển đổi mục đích sử dụng sang nhóm đất nông nghiệp, không chuyển mục đích sử dụng sang nhóm đất phi nông nghiệp được. Trong khi đó, muốn xây nhà thì phải xây dựng trên đất thổ cư - là nhóm đất phi nông nghiệp. Vậy nên đất rừng phòng hộ không được phép xây nhà.
7. Nước Ta Có Bao Nhiêu Diện Tích Rừng Phòng Hộ?
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Lâm nghiệp năm 2019, Việt Nam hiện có khoảng 4,64 triệu ha rừng phòng hộ, phân bổ trên 59/63 tỉnh thành. Trong đó có 3,95 triệu ha rừng tự nhiên, 0,69 triệu ha rừng trồng. Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng phòng hộ lớn nhất với 291.071 ha, chiếm 6,3% cả nước. Bắc Ninh là tỉnh có diện tích rừng phòng hộ nhỏ nhất với 530 ha.
Theo tính toán, diện tích rừng phòng hộ nước ta đang có xu hướng giảm, trong khi chất lượng rừng tự nhiên chưa đảm bảo về yêu cầu phòng hộ. Vì thế, không chỉ ngành lâm nghiệp mà cần sự chung sức của toàn thể xã hội, người dân trong việc trồng và bảo vệ rừng, giúp duy trì và đạt yêu cầu về phòng hộ.
Trên đây là những thông tin giúp bạn đọc giải đáp rừng phòng hộ là gì cũng như những kiến thức liên quan theo luật pháp Việt Nam. Mong rằng qua bài viết bạn đã có được những cái nhìn khách quan về đất rừng phòng hộ để từ đó đưa ra được những phương án đầu tư hợp lý.
Hà Linh
Xem thêm:
>> 8 câu hỏi thường gặp về đất phi nông nghiệp
>> Đất LUC là gì? 3 bước chuyển đổi đất LUC lên đất thổ cư
>> Đất HNK là gì? 5 điều cần lưu ý khi mua đất HNK