- PV: Có ý kiến cho rằng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, "cơn sốt" đất nền có khả năng tái diễn tại vùng ven Sài Gòn, ông nghĩ sao về quan điểm này?
Thị trường thời điểm này đang rất nhạy cảm. Những "cơn sốt" có khả năng sẽ quay lại vào sau dịp Tết Nguyên đán, tức là khoảng quý II/2018. Năm nay được dự báo sẽ là một năm bùng nổ giao dịch của thị trường. Những cơ hội mới và rủi ro mới sẽ luôn xuất hiện.
Bên cạnh đó, 2018 sẽ là năm bản lề của thị trường với những "cơn sốt" cục bộ nhưng giai đoạn 2019, 2020 sẽ lại đi vào trầm lắng và một kịch bản rất dễ xảy ra theo chu kỳ phát triển 7-8 năm 1 lần.
- Thưa ông, có những rủi ro nào về thị trường bất động sản mà nhà đầu tư và doanh nghiệp cần lưu ý khi bước sang năm 2018? Và cách đối mặt, xử lý đối với những rủi ro đó là gì?
Có ít nhất 10 loại rủi ro lặp đi lặp lại khi nhà đầu tư bất động sản cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào trong thị trường. Trong đó nổi bật nhất có rủi ro pháp lý và rủi ro về chủ đầu tư.
Những "cơn sốt" đất nền có khả năng quay lại vào sau dịp Tết Nguyên đán |
- Là một chuyên gia phân tích thị trường cá nhân, vậy ông có lời khuyên nào dành cho khách hàng để tránh "mắc bẫy"?
Dưới đây là một số lời khuyên của tôi dành cho các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp trước khi tham gia thị trường:
Thứ nhất, trang bị đầy đủ kiến thức căn bản trước khi tham gia thị trường. Bởi thiếu hiểu biết chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các thua lỗ khi tham gia vào thị trường bất động sản.
Thứ hai, cần xây dựng một đội nhóm, bao gồm ít nhất một chuyên gia về thị trường và một luật sư. Hãy chú tâm xây dựng mối quan hệ ngay từ bây giờ chứ không phải đến lúc cần mới đi tìm.
Thứ ba, học hỏi và thử nghiệm với những giao dịch nhỏ trước để rút ra các bài học và trải nghiệm trước khi bắt đầu với các giao dịch lớn hơn.
Thứ tư, thử qua nhiều phân khúc để chọn cho mình một ngách sản phẩm mà mình yêu thích và giỏi nhất trong ngách đó. Tập trung mới mang lại lợi nhuận.
Thứ năm, luôn cảnh giác với những lợi nhuận khủng, những cam kết quá mức, hay mua hàng lúc đang có đám đông.
- Trong các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán và bất động sản, ông có thể cho biết nhà đầu tư nên chọn kênh nào là an toàn nhất hiện nay? Vì sao?
Nhà đầu tư cá nhân nên chọn kênh đầu tư nào mà mình am hiểu nhất, đam mê nhất và phù hợp nhất với nguồn lực của mình. Trong bất kỳ bối cảnh nào, bất động sản cũng là một mục đầu tư không thể thiếu trong danh mục đầu tư của một nhà đầu tư bất động sản cá nhân.
- Các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến thị trường bất động sản trong nước, đặc biệt, tiềm năng phân khúc nhà ở cho người nước ngoài đang có dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, phân khúc này không dành cho nhiều chủ đầu tư. Ông có thể lý giải nguyên nhân?
Dưới góc nhìn của tôi, có 2 hạn chế chính đối với phân khúc này. Thứ nhất đó là quy định của Luật nhà ở, chỉ có tối đa 30% số lượng căn hộ trong một dự án được phép bán cho người nước ngoài. Người nước ngoài cũng không được sở hữu bất động sản có gắn liền với đất (trừ một số trường hợp đặc biệt) tại Việt Nam. Quy định này hạn chế khả năng lựa chọn của các chủ đầu tư khi phát triển dự án.
Thứ hai là khả năng phát triển dự án bất động sản của các chủ đầu tư người Việt Nam vẫn còn ở một mức hạn chế, đặc biệt là ở khâu thiết kế. Chỉ một số ít chủ đầu tư có đủ khả năng thiết kế một dự án bất động sản làm hài lòng các đòi hỏi khắt khe của nhóm đối tượng này. Chính điều này dẫn đến một thị trường dù có được sự quan tâm lớn nhưng chưa được đầu tư đúng mức. Đây là một thị trường rất tiềm năng trong tương lai 03-05 năm nữa.