Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, tình trạng buông lỏng quản lý vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, sở ngành. Vì thế, trọng tâm quản lý Nhà nước năm 2015 là vừa siết chặt kiểm soát vừa tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
- Các biện pháp quản lý thị trường đưa ra lần này liệu có đủ mạnh để kiểm soát dự án, thưa ông?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam |
Tôi tin là sẽ tốt hơn nhiều. Nhằm tránh các rủi ro cho người mua nhà, chúng tôi siết chặt quản lý Nhà nước. Theo đó, các dự án phát triển nhà ở đều phải nằm trong kế hoạch, chương trình của địa phương, không để xảy ra tình trạng cấp tràn lan như trước đây. Các thành phố, tỉnh phải xây dựng kế hoạch phù hợp với chiến lược của quốc gia. Số lượng hàng đưa ra thị trường phải phù hợp với năng lực nhà đầu tư và điều kiện thanh toán của người dân. Theo quy định mới, vốn pháp định của doanh nghiệp BĐS được nâng lên tối thiểu là 20 tỷ đồng (trước đây con số này là 6 tỷ đồng). Đặc biệt, yêu cầu còn cao hơn nhiều với những nhà phát triển dự án. Nhờ vậy sẽ loại bỏ được các doanh nghiệp manh mún, nhỏ lẻ và không có tiềm lực.
- Thời gian qua, khách hàng thường gặp rủi ro ở các dự án bán nhà hình thành trong tương lai. Thưa ông, giao dịch này sẽ được kiểm soát như thế nào?
Điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai được đưa nêu rõ trong các quy định mới. Thời gian vừa qua, đây là điều nhức nhối khi chủ đầu tư đã tùy tiện huy động vốn của người dân, dùng tiền của dự án này đi làm dự án khác, dùng tiền không đúng mục đích dẫn tới nhiều dự án mất khả năng thanh toán, dở dang và gây thiệt hại rất lớn cho người mua nhà.
Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp muốn bán nhà sắp tới bắt buộc phải có bảo lãnh ngân hàng. Đối với trường hợp chủ đầu tư không làm được nhà, không hoàn thành tiến độ, ngân hàng phải đứng ra trả tiền cho khách hàng. Do đó, ngân hàng sẽ đứng ra chọn lựa các dự án và chủ đầu tư thực sự đủ uy tín, năng lực mới bảo lãnh.
Điều đó sẽ hạn chế tình trạng nhiều dự án mới chỉ có một chút giấy tờ đã vội tiến hành huy động vốn, sau đó mang tiền đi làm việc khác. Ngoài ra, còn một quy định mới khác là trước khi bán nhà, chủ đầu tư phải thông báo và được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Nghĩa là chính quyền sẽ thẩm định dự án đã nộp tiền sử dụng đất chưa, được cấp phép và đầy đủ các điều kiện thì mới được quyền bán.
Vụ việc xảy ra tại Housing Group có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương và các sở ngành |
- Theo ông, từ vụ việc xảy ra tại Housing Group, điều gì cần phải được rút ra?
Theo tôi, đó là sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng của chính quyền, địa phương, sở ngành trong kiểm soát các dự án BĐS về quản lý đất đai, thủ tục đầu tư, trật tự xây dựng. Đối với vụ việc xảy ra ở Housing Group, cá nhân bà Châu Thị Thu Nga sẽ bị xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, Công ty Housing Group phải chuyển đổi dự án cho doanh nghiệp khác thực hiện hoặc chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả.
Pháp luật nói chung, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi nói riêng đã quy định, trách nhiệm của các địa phương, sở ngành được nêu rất rõ. Quản lý đất đai, quy hoạch, cấp chứng nhận đầu tư, trật tự xây dựng, cấp phép xây dựng, giải phóng mặt bằng... đều thuộc thẩm quyền của các thành phố, tỉnh. Mới đây, nhiều dự án đã bán và khách hàng nhận nhà vào ở mà mãi không cấp được Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà là do dự án chưa đủ các thủ tục.
- Thưa ông, bên cạnh việc siết lại quản lý Nhà nước, những vướng mắc của thị trường sẽ được tháo gỡ như thế nào?
Nổi bật nhất là chính sách mở rộng hơn cho người nước ngoài tại Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài trong kinh doanh, đầu tư BĐS, thực hiện quyền mua và sở hữu BĐS ở Việt Nam. Không giới hạn số lượng mua, quyền sở hữu cũng được mở rộng, đơn cử như mua để ở, cho thuê, cho mượn, kinh doanh; được mua nhà gắn liền với đất, biệt thự.
Bên cạnh đó, thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà của khách hàng cũng rõ hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ được mua bán, chuyển nhượng khắc phục được các điểm nghẽn của thị trường. Thủ tục mua bán các dự án cũng thuận lợi hơn. Trước đó, quy định dự án phải xây xong hạ tầng mới được bán ra thị trường thì nay khi dự án đã đủ thủ tục pháp lý, doanh nghiệp có quyền chuyển nhượng theo nhu cầu của mình...
- Xin cảm ơn ông.
Trong năm 2014, lượng giao dịch tăng theo từng quý. Tại Hà Nội năm 2014 đã có trên 12.000 giao dịch thông qua sàn, so với năm 2013, tăng gấp đôi. Tại Tp.HCM tăng 35%, tương đương với khoảng 10.000 giao dịch. Tuy giao dịch tăng mạnh nhưng giá cả ổn định. So với nhiều ngành nghề khác, đầu tư FDI vào BĐS vẫn đứng thứ 2. Năm 2015, thị trường BĐS sẽ khởi sắc và vững vàng hơn. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam |