1. Địa khí là gì?
Từ rất lâu, các nhà tiên triết Trung Quốc với tư duy trực quan của mình đã phán đoán, dưới mặt đất tồn tại những lực mạnh mẽ khác nhau mà con người không nhìn thấy được và nhấn mạnh con người phải chung sống hòa bình với chúng. Tương ứng với thiên khí, quan niệm về địa khí được các nhà thông thái cho rằng “Phàm xem đất phải lấy khí làm chủ”. Địa khí từ trong âm, lực sâu xa mà chậm là động lực của sự dẫn truyền thể hiện qua sự lượn sóng của đất, sự biến chuyển của mạch ngầm. Tìm địa khí là tìm tòi, đo lường và phát hiện những đường khí trong lòng đất để thích nghi, đồng thời lợi dụng những khí lực to lớn đó để hòa nhập vào sức sống sôi động của thế giới tự nhiên. Muốn thân thể khỏe mạnh, vạn vật sinh trưởng, cuộc sống cường thịnh, con người phải biết cách tìm dương trạch để mong muốn được thừa hưởng lực khí từ trong lòng đất bốc lên. Nơi ở vào vị trí có địa khí ngưng tụ, thuận âm dương, hợp hướng thủy cục sẽ đón được khí trời tốt, đất làm nhà ở mà thuận khí âm dương thì cuộc sống thuận hòa, tuổi thọ sẽ cao. Đó là nguyên lý thừa hưởng khí lành của trời đất. Ví dụ, hướng nhà đón đúng hướng gió lành hay ở bên cạnh sông hồ có nhiều hy vọng được thành công và may mắn.2. Vận dụng thuật phong thuỷ để xác định địa khí
Trong địa lý phong thuỷ, người ta quan niệm “khí tạo ra hình thế, hình thế lại dẫn khí chảy theo”. Tức là địa hình được hình thành do khí tự nhiên, đến lượt khí tự nhiên lại theo địa hình đó mà lưu động. Do đó, ngoài biết “xem khí” ra còn cần phải biết “xem địa hình”Một chỗ đất có địa khí cao, nếu xây nhà ở đó thì địa khí có thể bổ sung cho những chỗ còn khiếm khuyết của nhân khí, làm sao cho người sống ở đó ít bệnh tật, ít tai nạn, đầu óc tỉnh táo. Ngược lại, nếu không biết được hướng dòng chảy của địa khí mà hành động ngược với quy luật của nó, hoặc xây nhà vào chỗ địa khí lưu tán, thì người đó trở thành yếu đuối, sức sống và năng lực phán đoán cũng vì thế mà kém cỏi, thân thể yếu, nhiều bệnh tật. Bởi vậy, trong quy luật tự nhiên không có sự phân chia gọi là cát hung, mà chỉ có sự phân biệt nơi nào năng lượng cao hay năng lượng thấp và phân chia thành âm dương.
Mảnh đất được coi là thích hợp khi xây nhà có hình dạng vuông vức, nhưng nếu là hình tròn, hình tam giác thì không thích hợp cho việc xây nhà ở. Ví dụ, đất hình thang nếu mặt giáp đường hẹp, còn mặt sau rộng dần thì ở đó địa khí dễ ngưng tụ cho nên đất ấy cát tướng, ngược lại nếu phía giáp đường rộng mặt sau hẹp dần, địa hình như thế địa khí dễ bị lưu tán, thậm chí sống ở những chỗ như thế, năng lượng và sinh mệnh của người chủ kém dần, người sống trên mảnh đất này gặp nhiều điều không may, chỗ như vậy gọi là đất hung tướng.
Vùng đất cát tướng ở đây là chỗ đó địa khí có ngưng tụ hay không, ngược lại vùng đất hung tướng là chỉ địa khí ở đó không ngưng tụ mà dễ lưu tán, xây nhà ở đó dễ gặp điều trắc trở, không may.
Khoa học phong thuỷ chỉ ra nhiều vấn đề cần thiết khi xây dựng nhà cửa để có một cuộc sống an khang, thịnh vượng. Tuy nhiên, gia chủ cần có sự tư vấn chuyên môn của những người am hiểu về thuật phong thuỷ, đưa ra lời khuyên thích đáng và hợp lý nhất.
KTS. Nguyễn Đắc Thạnh
(Theo Dothi)