Báo cáo khảo sát của Savill cho thấy, hoạt động thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn trong xu hướng giảm, xét trên cả công suất và giá thuê. Trong đó, khu vực quận trung tâm có giá thuê cao nhất, đạt 2,1 triệu đồng /m2/tháng, cao hơn rất nhiều so với khu vực ngoại thành là 650.000 đồng/m2/tháng. Công suất của trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa và đại siêu thị ở Hà Nội khá ổn định từ quý I-2013. Tuy nhiên, Savills cũng ghi nhận không khí mua sắm và lượng người đến các trung tâm mua sắm lớn ở Hà Nội vẫn khá trầm lắng. Điều này cho thấy, hoạt động kinh doanh của các khách thuê cũng không khả quan. Khả năng chi trả tiền thuê mặt bằng của khách thuê trong dài hạn vẫn còn là một dấu hỏi.
Ở lĩnh vực căn hộ dịch vụ, sau 3 quý giảm liên tiếp, công suất thuê trung bình của quý này tăng 2 điểm so với quý trước đạt 82%, tuy nhiên giảm 3,3 điểm theo năm. Giá thuê trung bình tiếp tục theo xu hướng giảm, đạt 530.000 đồng/m2/tháng, giảm nhẹ. Trong đó, giá thuê căn hộ dịch vụ hạng A vẫn dẫn đầu thị trường cả về công suất và giá thuê, giá thuê trung bình của hạng B và C tiếp tục xu hướng giảm và là mức thấp nhất từ năm 2009 tới nay. Tuy nhiên, trong quý I-2014, công suất thuê của cả hạng B và C đều có dấu hiệu tăng nhẹ so với quý trước.
Phân khúc BĐS “hạng sang” đang giảm giá mạnh. Ảnh: TL |
Đối với thị trường căn hộ và biệt thự liền kề, số liệu từ Savills cũng cho thấy, có sự tụt giảm đáng kể, trong đó giá căn hộ thứ cấp tiếp tục giảm, mức giảm giá mạnh nhất diễn ra ở quận Long Biên, tiếp đó là quận Hà Đông. Mức giá thứ cấp ở các quận Gia Lâm, Ba Đình, Từ Liêm và Thanh Xuân hầu như không đổi so với quý trước. Trong khi đó, mức giảm rõ nhất đối với biệt thự liền kề là quận Tây Hồ, tiếp đến là quận Hai Bà Trưng. Với hạng mục liền kề, quận Hà Đông và huyện Hoài Đức có mức giảm cao nhất theo quý ở mỗi quận.
Ở lĩnh vực cho thuê văn phòng, công suất thị trường đạt 75%, tăng nhẹ 1 điểm theo quý nhưng giảm đến 2 điểm theo năm. Chưa kể, mức giá thuê trung bình cũng tiếp tục xu hướng giảm trong 10 quý liên tiếp xuống 390.000 đồng/m2/tháng.
Đối với lĩnh vực thị trường khách sạn, hiện Hà Nội có 57 khách sạn từ 3-5 sao với khoảng 8.150 phòng, tăng theo quý và theo năm. Điều này cho thấy hoạt động thị trường của lĩnh vực tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù có sự sụt giảm đáng kể tại hầu hết các lĩnh vực bất động sản, song báo cáo của Savill cũng cho thấy, năm 2014, thì trường có nhiều triển vọng phát triển, mở rộng và sôi động hơn. Điều này cũng đồng nghĩa cạnh tranh tăng mạnh và thị trường bán lẻ sẽ chịu áp lực ngày càng lớn. Trong đó, đáng chú ý là sắp tới (quý II) Hà Nội dự kiến có thêm 100 dự án bán lẻ, cung cấp khoảng 1,8 triệu m2, tương đương 77% nguồn cung hiện tại, sẽ tham gia thị trường vào từ nay tới cuối năm 2015. Còn ở thị trường căn hộ để bán, dự kiến trong quý II có 83 dự án mới với hơn 65.400 căn hộ. Ba quý còn lại của năm 2014 sẽ đón nhận gần 5.000 căn hộ. Ngoài ra, đối với nguồn cung tương lai đối với thị trường biệt thự, nhà liền kề đến từ 86 dự án với tổng diện tích khoảng 11.500 ha, nằm rải rác tại 15 quận, huyện. Các dự án Hanoi West Gate, Alaska Garden City, The Premier và khu đô thị mới Tây Mỗ đều đã chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ cho nhà đầu tư mới.
Với những tín hiệu trên của thị trường, cùng những động thái chuyển nhượng tại nhiều các dự án trên địa bàn Thủ đô, ông Troy Griffiths - Phó GĐ điều hành Savills cho rằng, tiến độ phát triển các dự án cũng như tình hình thị trường bất động sản tại Hà Nội sẽ có dấu hiệu tốt lên ở các phân khúc cho thuê văn phòng, căn hộ dịch vụ và nhất là đối với thị trường khách sạn. Ông Troy Griffiths phân tích, lượng khách du lịch đến Hà Nội ngày một đông. Chính vì thế, cùng với phân khúc cho thuê văn phòng, phân khúc thị trường khách sạn được dự báo đầy triển vọng trong thời gian tới.