- Các văn bản luật liên quan đến thị trường BĐS đã có hiệu lực thi hành, nhất là việc cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam. Theo ông, điều này có tạo nên đà tăng trưởng mới cho lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng?
Ông Thân Thành Vũ: Tôi cho rằng điều này là đương nhiên! Tuy nhiên chúng ta phải tiếp tục chờ các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Luật đã tạo điều kiện mở cho mọi thành phần kinh tế được tham gia vào thị trường nhưng khi áp dụng lại “trói” bằng nhiều quy định nhiêu khê thì cũng sẽ không mang lại hiệu quả gì. Vấn đề quan trọng nhất là người nước ngoài mua rồi thì sau đó chuyển nhượng, cho thuê lại, .v.v…như thế nào thì luật lại chưa làm rõ. Tín hiệu từ các đạo luật này là rất rõ ràng và tích cực vì đã rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài mà chúng tôi tiếp xúc rất trông chờ vào một cơ hội mới để họ có thể tham gia đầu tư. Tuy nhiên vì vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên họ cũng còn rất cẩn trọng và chờ đợi.
- Trong thời gian qua, Chính phủ và nhiều bộ ngành đã có đề xuất "bơm" thêm nguồn tài chính cho thị trường BĐS. Vậy phân khúc BĐS nghỉ dưỡng liệu có được hưởng lợi gì từ chính sách này không?
Trước diễn biến hiện nay của thị trường BĐS, nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo cần thận trọng |
Nhà nước mới hỗ trợ chủ yếu cho phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp để đảm bảo an sinh xã hội cơ bản trước, tôi chưa nghe ai nói đến việc “bơm” vốn cho BĐS nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, việc Nhà nước quyết liệt trong việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đường bộ, hàng không, cầu cảng như ở Phú Quốc, hay cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây và nhiều tuyến đường cao tốc, cảng hàng không trên khắp cả nước đã là một yếu tố giúp BĐS nghỉ dưỡng phát triển rồi. Đi lại thuận lợi thì mọi người sẽ đi du lịch nhiều hơn, đầu tư và giao dịch liên quan đến dự án sẽ thuận lợi hơn.
Cùng với đó, việc cải thiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cũng sẽ giúp thị trường BĐS nghỉ dưỡng tăng tốc. Trước đây, với một dự án lớn, rất khó cho nhà đầu tư trong việc phân ra kế hoạch hợp tác, liên kết với nhiều đối tác để tiến hành xây dựng từng dự án thành phần do có nhiều quy dịnh trói buộc của luật, sắp tới vấn đề này có thể dễ hơn. Như thế, các quy định mới sẽ giúp nhà đầu tư kêu gọi vốn, liên doanh liên kết đầu tư trong và ngoài nước sẽ thuận lợi hơn. Việc cho phép tách sổ đỏ đối với từng căn biệt thự hay từng căn hộ nghỉ dưỡng cũng sẽ góp phần đẩy mạnh việc đầu tư vào lĩnh vực này…
Cuối cùng, Việt Nam đang xem xét lại việc nới lỏng trong cấp visa cho du khách nhiều nước trên thế giới, đây sẽ là một biện pháp mạnh mẽ giúp thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian sắp tới.
- Vậy ông có băn khoăn gì về quá trình phục hồi của thị trường BĐS nói chung hiện nay?
So với các lĩnh vực khác thì nhiều người vẫn khẳng định rằng BĐS Việt Nam vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Sau thời gian dài bị ngưng trệ, hiện thị trường BĐS đã thực sự chuyển mình và phát triển khá nhanh. Minh chứng cho điều này là trong thời gian qua, hoạt động mua bán nhà ở, đầu tư dự án mới đã diễn ra khá rầm rồ. Nhiều phân khúc BĐS đã có lượng giao dịch đạt kỷ lục so với vài năm trước đây. Trong đó, nhiều chủ đầu tư cũng “ra quân” với nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng lớn tại nhiều địa phương có thế mạnh kinh tế biển.
Tuy nhiên, theo tôi thị trường BĐS hiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có một thực tế rất dễ nhận thấy là nhiều người đổ xô mua nhà để cho thuê lại, trong khi đó, theo khảo sát của chúng tôi, thu nhập từ cho thuê nhà bình quân hiện mỗi năm hiện nay ở Tp.HCM là 3 - 4% so với trị giá căn nhà. Chẳng hạn, khu Phú Mỹ Hưng hiện là nơi có người nước ngoài thuê tốt nhất, với giá trung bình là 13 - 16triệu/tháng đối với căn nhà trị giá khoảng trên dưới 3 tỷ đồng.
Hiện trên thị trường có rất nhiều chủ dự án đưa ra cam kết người mua nhà có thể cho thuê lại và mức thu lợi về cho khách hàng chiếm từ 8 - 12%/năm. Tuy nhiên, việc gì sẽ xảy ra nếu chủ đầu tư không đảm bảo được đầu ra cho thuê nhà như đã cam kết với người mua, hay đây chỉ là một trong những hình thức huy động vốn của chủ đầu tư. Tương tự, nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng cũng đang bán hàng với cam kết như thế, vậy thị trường hiện nay tăng là do cầu thực sự hay là do kỹ thuật bán hàng?
Vì vậy, chúng ta cần hết sức phải thận trọng trong việc phân tích kỹ thị trường chứ không chạy theo “tâm lý đám đông” như một thời, bởi nếu không khéo, thị trường sẽ “bể” tiếp và nặng nề hơn trước.