Thép giá rẻ Trung Quốc đang "gây lụt" thị trường. Ảnh minh họa |
Trước sức ép đến từ thép Trung Quốc giá rẻ, chính phủ nhiều quốc gia đã buộc phải gia tăng sức ép đối với Trung Quốc trong việc chung tay giải quyết tình trạng nguồn cung thép gây "bội thực" thị trường này.
Mới đây, tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng thừa trong ngành thép và đề nghị phía Trung Quốc tăng cường nỗ lực nhằm giảm sản lượng.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh ngành công nghiệp thép ở Anh đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng sau khi Tập đoàn Thép Tata của Ấn Độ thông báo sẽ bán toàn bộ doanh nghiệp sản xuất tại Anh sau gần một thập kỷ hoạt động. Căn nguyên xuất phát từ chi phí cao và sự cạnh tranh khốc liệt của thép giá rẻ Trung Quốc. Điều này đang được lấy làm lý do để vận động bỏ phiếu ủng hộ đưa Anh rời khỏi EU.
Còn tại Đức, hơn 40.000 công nhân ngành thép đã xuống đường biểu tình do lo ngại về khả năng thất nghiệp trong tương lai. Họ yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng Merkel mạnh tay hơn đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trước tình trạng này, hôm qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã phải lên tiếng khẳng định rằng, EU sẵn sàng áp đặt các biện pháp mạnh tay nếu phát hiện dấu hiệu bán phá giá thép của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Nhưng các chuyên gia nhận định, chính Trung Quốc cũng đang phải hứng chịu "cơn lụt" thép khi nước này cho biết sẽ cắt giảm 500.000 việc làm trong ngành thép một vài năm tới đây. Các doanh nghiệp thép lớn tại Trung Quốc hiện đang thua lỗ hơn 15,5 tỷ USD. Kể từ năm 2008 đến nay, giá thép thế giới đã giảm 70% giá trị.