Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, ông Trần Trọng Tuấn đã phản ánh 2 vấn đề bất cập của ngành vật liệu xây dựng tại Hội nghị Vật liệu xây dựng toàn quốc tổ chức ngày 12/12.
Bất cập thứ nhất là về nguồn cung cát xây dựng. Ông Tuấn cho hay, thị trường cát xây dựng trong năm 2017 có nhiều biến động và Tp.HCM cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do giá cát tăng mạnh.
Cũng theo ông, Sở Xây dựng Tp.HCM và tại 19 tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ tính toán, tính đến năm 2020, tổng trữ lượng cát có thể khai thác được tại những địa phương này là gần 250 triệu m3, trong khi nguồn cầu là hơn 366 triệu m3.
Nguồn vật liệu thay thế cát tự nhiên lại không có nhiều, ông cho biết và nói thêm: "Chúng tôi khảo sát tổng hợp trong 19 tỉnh thành thì chỉ 6 địa phương có có nguồn thay thế vật liệu cát tự nhiên. Như vậy một vấn đề rất lớn được đặt ra là nguồn cung cát xây dựng cũng như vật liệu thay thế phải làm sao để đảm bảo cho thị trường, chất lượng xây dựng”. Trước tình trạng này, vị lãnh đạo Sở Xây dựng Tp.HCM cho rằng, cơ quan quản lý cần phải thảo luận để đưa ra giải pháp toàn diện về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy hoạch, phát triển.
Nguồn cung cát, xi măng xây dựng đến năm 2020 sẽ bị thiếu hụt. Ảnh minh họa |
Trong ngành xi măng, ông Trần Trọng Tuấn cũng đề cập đến một vấn đề khác. Ông cho biết, Tp.HCM hiện có 9 doanh nghiệp sản xuất xi măng với 10 trạm nghiền và có 6 cơ sở chưa phát huy hết công suất, còn lại vượt công suất.
Công suất sản xuất xi măng của 10 cơ sở hiện nay là hơn 10 triệu tấn. Trong khi đó, theo nhận định của Sở Xây dựng, nhu cầu xi măng đến năm 2020 của Tp.HCM là 13,44 triệu tấn/năm.
Ông Tuấn nói: "Khả năng đầu tư để nâng công suất của 10 cơ sở này là có. Có cơ sở đang đề xuất xin nâng công suất lên. Như vậy sản xuất theo nhu cầu của Tp.HCM đến năm 2020 là có thể thực hiện được".
Nhưng theo ông, vấn đề đáng ngại là theo quy hoạch phát triển ngành xi măng mà thành phố đã phê duyệt, đến năm 2020, toàn bộ các nhà máy, trạm nghiền, trạm trộn xi măng phải được di dời ra khỏi thành phố.
"Trong khi đó, một số nhà máy đầu tư 2 dây chuyền sản xuất nhập từ Đức về, mỗi dây chuyền khoảng 1.200 tỷ đồng. Đến năm 2018, doanh nghiệp họ mới thu hồi vốn đầu tư nhưng đến năm 2020 phải di dời ra khỏi thành phố theo quy hoạch", ông phân tích và cho hay, vấn đề đặt ra là phải làm sao để đô thị phát triển bền vững nhưng vẫn đảm bảo các cơ sở sản xuất xi măng được tồn tại.
Theo nhận định của ông, tình trạng khan hiếm, tăng giá rất có thể xảy ra nếu di dời các nhà máy xi măng ra khỏi thành phố. Nhưng nếu không di dời, vấn đề đặt ra là làm sao để phát triển đô thị bền vững.
Bộ Xây dựng thông tin, nhờ sử dụng nguồn clinker sản xuất trong nước, từ năm 2010, Việt Nam đã sản xuất đủ nguồn cầu xi măng nội địa. Theo thống kê, Việt Nam xếp thứ 4 trong 10 nước đứng đầu thế giới về lượng sản xuất xi măng và clinker.
Tính đến năm 2016, trên cả nước có 80 dây chuyền sản xuất xi măng, tổng công suất thiết kế mỗi năm đạt 88,46 triệu tấn, sản lượng sản xuất hơn 75,2 triệu tấn, gấp rưỡi năm 2010. Dự kiến đến hết năm 2017, số dây chuyền sản xuất xi măng trên cả nước sẽ lên con số 83 với tổng công suất thiết kế mỗi năm là 98,56 triệu tấn.