Trong xây dựng dân dụng, móng cọc là một trong những loại móng cơ bản, phổ biến nhất. Móng cọc gồm có cọc và đài cọc, dùng để truyền tải trọng của toàn bộ công trình xuống nền đất nằm sâu bên dưới. Khi thi công, người ta sẽ đóng, hạ những cây cọc xuống tầng đất sâu để làm tăng khả năng chịu tải cho móng.
Có 3 hình thức thi công móng cọc thường gặp là: ép cọc tải bê tông cốt thép, ép cọc neo và cọc khoan nhồi. Mỗi hình thức đều có ưu, nhược điểm khác nhau, phù hợp cho từng công trình, điều kiện thi công. Trong bài viết này, Muonnha.com.vn sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu phương pháp ép cọc neo trong thi công nhà phố ở hẻm nhỏ, với sự tư vấn của kỹ sư công ty Kiến trúc Xây dựng Song Phát.
Ép cọc neo là gì?
Tương tự như ép cọc tải, phương pháp ép cọc neo sẽ đưa cọc bê tông vào lòng đất, nhưng thay vì sử dụng các cục tải trọng bằng sắt để giữ cân bằng cho giàn ép thì ép cọc neo sẽ dùng các mũi neo khoan sâu dưới lòng đất để làm đối trọng.
Phương pháp ép cọc neo sử dụng các mũi neo khoan sâu dưới lòng đất để làm đối trọng.
Về thông số kỹ thuật, mỗi mũi khoan neo có chiều dài 1,5m, đường kính 35cm. Độ dày của cánh neo có thể lên tới 15mm. Các mũi neo được nối với nhau bằng chốt nối. Tùy vào địa chất công trình và khu vực thi công để quyết định khoan neo nông hay sâu nhằm đạt tải trọng thi công.
Ưu điểm của cọc ép neo
Thi công móng cọc ép neo có một số ưu điểm như sau:
- Chịu tải tốt hơn móng băng từ 35 đến 45 tấn
- - Có thể thi công hẻm nhỏ từ 1,5 - 4m. Chiều rộng của nhà từ 2,5 - 4m là có thể thi công cọc ép neo.
- Thời gian ép cọc nhanh chóng, có thể hoàn thành trong ngày nếu số lượng cọc ít.
- Ép cọc neo khá an toàn, ít ảnh hưởng đến nền móng của nhà kế bên.
- Có thể nâng thêm tầng nếu sức tải không quá lớn.
Với những ưu điểm trên, phương pháp ép cọc neo được ứng dụng khá phổ biến cho nhà phố có diện tích nhỏ, quy mô không quá lớn như nhà 1 trệt 2 lầu sân thượng, nằm trong hẻm nhỏ, khó áp dụng các phương pháp thi công móng khác.
Có thể thi công ép cọc neo tại công trình nằm trong hẻm nhỏ từ 1,5 - 4m, khó dùng các phương pháp khác.
Nhược điểm của cọc ép neo
Bên cạnh các ưu điểm, cọc ép neo cũng có một số những nhược điểm mà gia chủ cần lư ý như:
- Sức chịu tải kém hơn so với cọc ép tải (có thể lên tới 60 tấn).
- Tải trọng ép thấp nên chỉ phù hợp với công trình nhà dân quy mô vừa và nhỏ, không áp dụng với các dự án, công trình lớn.
- Độ sâu cọc ép neo chỉ khoảng 4 - 15m nên không thể thi công trên nền đất yếu, lún, khu vực gần sông, ao, hồ,…
Do sức chịu tải không lớn nên ép cọc neo chỉ phù hợp với công trình dân dụng quy mô nhỏ như nhà phố ít tầng.
Bằng cách phân tích những ưu điểm và nhược điểm nêu trên, chủ đầu tư có thể đưa ra cho mình những lựa chọn, đánh giá xem phương pháp nào tối ưu nhất để thực hiện ép cọc cho ngôi nhà của mình. Nếu sắp xây nhà mà bạn chưa có kinh nghiệm hay hiểu biết về vấn đề này, hãy tìm đến những đơn vị tư vấn, cung cấp dịch vụ ép cọc neo chất lượng và uy tín. Họ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp ép cọc sao cho phù hợp nhất với công trình.
Ép cọc cũng là một phần của thi công xây nhà trọn gói, hay còn gọi là "chìa khóa trao tay". Tuy nhiên, chi phí này sẽ được tính riêng, chỉ có chi phí chính xác sau khi đã thi công ép cọc xong chứ không được nằm trong dự toán trước. Chi phí ép cọc sẽ phụ thuộc vào số lượng tim cọc, độ sâu cọc, chi phí nhân công và vật tư. Chủ đầu tư nên để nhà thầu thi công ngôi nhà của mình thực hiện trọn gói các hạng mục, từ tháo dỡ nhà cũ, ép cọc, làm móng, xây thô, hoàn thiện,... để trách nhiệm quy về một mối. Sau này, nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra, nhà thầu sẽ là người đứng ra thay mặt chủ nhà xử lý, khắc phục, hạn chế việc đùn đẩy trách nhiệm qua lại.
Tư vấn thông tin và hình ảnh: Kiến trúc Xây dựng Song Phát
Biên tập: Lan Chi
>> Quy trình thi công móng băng trong xây dựng nhà phố
>> Tìm hiểu các bước thi công ép cọc bê tông nhà phố đúng kỹ thuật