Doanh nghiệp "dài cổ" chờ giải ngân
Trên thực tế, dù đã mở rộng đối tượng vay và nâng thời hạn vay từ 10 năm lên 15 năm nhưng tiến độ giải ngân gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội trị giá 30.000 tỷ đồng vẫn chậm. Nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh nhà ở xã hội cho rằng, chủ đầu tư được vay 30% tổng mức đầu tư nhưng thủ tục vay vốn rất ngặt nghèo nên tiếp cận vốn khó, nhất là những dự án xin chuyển từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội.
Chung cư số 157/R8 đường Tô Hiến Thành (quận 10, Tp.HCM) đã được UBND Tp.HCM bàn giao cho các chủ hộ. |
Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, về nguyên tắc, Bộ Xây dựng không giữ nguồn tiền này mà chỉ thẩm định, giới thiệu dự án có đủ điều kiện để ngân hàng cho vay. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Bộ Xây dựng và ngân hàng thì tiến độ giải ngân mới đẩy nhanh được.
Trước lo lắng của một số chuyên gia về khả năng dư thừa nguồn cung NOXH do có nhiều chính sách tín dụng tập trung vào phân khúc này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, sự lo lắng này là không có cơ sở bởi trên thực tế, nhu cầu nhà ở của người dân đô thị là rất lớn. "Từ nay đến năm 2015, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ. Nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân đến năm 2020 sẽ tăng thêm khoảng 200.000 căn. Nguồn cung NOXH còn rất hạn chế so với nhu cầu này", ông Nam cho biết. |
Theo phản ánh của các DN, để được vay vốn ưu đãi thì sau khi có văn bản giới thiệu của Bộ Xây dựng, các DN ngoài việc thực hiện một số thủ tục như: ký bản ghi nhớ với ngân hàng cho vay về việc tài trợ vốn vay, cung cấp các hồ sơ pháp lý và hồ sơ dự án để ngân hàng xem xét, thẩm định để xét duyệt hồ sơ vay vốn…, còn phải thực hiện nhiều thủ tục khác không cần thiết do ngân hàng yêu cầu. Trong quá trình triển khai cũng đã phát sinh một số vướng mắc liên quan đến công chứng hợp đồng thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đối với nhà ở xã hội, xử lý tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai… Đây cũng là những nguyên nhân làm giảm tiến độ cho vay.
Ông Nguyễn Quý Hưng, Tổng Giám đốc Công ty HUD, chủ đầu tư Dự án Nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm (Hà Nội) cho biết, công ty đề xuất vay 150/304 tỷ đồng tổng mức đầu tư dự án. Dù được Bộ Xây dựng thẩm định dự án có đủ điều kiện vay vốn nhưng sang ngân hàng lại có tiêu chí riêng nên thời gian giải ngân bị chậm.
Tại Tp.HCM, tính đến ngày 25/8/2014, cũng mới chỉ có 2 DN được vay vốn trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng với số tiền 658 tỷ đồng. Theo ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM, khi vay vốn, ngân hàng yêu cầu các DN phải có 30% vốn tham gia vào dự án, trong khi đa số DN đi vay đang gặp khó khăn về tài chính. Vì vậy, việc yêu cầu DN theo nội dung trên gây cản trở cho DN tiếp cận vốn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, gói hỗ trợ này là một chương trình tín dụng có ưu đãi về lãi suất, vì vậy cần bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng có nhu cầu, quy định rõ trách nhiệm của khách hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng có giải pháp kiểm soát số tiền tối đa cho các DN vay bằng 30% gói 30.000 tỷ đồng. Trong từng thời điểm, tỷ lệ này có thể thay đổi, nhưng không vượt quá 9.000 tỷ đồng.
Cân nhắc các chính sách khác
Bên cạnh gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, hiện nay, nhiều chính sách tín dụng khác cũng đang được nghiên cứu, xem xét, đề xuất đưa ra để tạo thêm nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội. TP.Hà Nội đang nghiên cứu phát hành trái phiếu Thủ đô để đầu tư cho nhà ở xã hội. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, gói 30.000 tỷ đồng chưa giải ngân xong lại dồn thêm tín dụng mới sẽ khiến vốn chồng chéo nhau và không giải quyết được bài toán vốn cho DN. Yêu cầu đặt ra là phải tính toán kĩ hiệu quả cũng như tính khả thi của mỗi chính sách tín dụng, nhất là khi thị trường bất động sản còn nhiều rủi ro như hiện nay.
Về đề xuất quỹ tiết kiệm nhà ở của Bộ Xây dựng, theo nhiều chuyên gia, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã triển khai mô hình quỹ bất động sản, quỹ nhà ở xã hội kết hợp công và tư. Nhìn chung, những nước này đều yêu cầu mỗi người dân phải có nghĩa vụ đóng góp vào quỹ phát triển chung của đô thị, cho dù họ có nhu cầu nhà ở hay không. Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn phải dành nguồn lực tài chính chủ yếu.
"Tuy nhiên, Bộ Xây dựng lại đề xuất quỹ tiết kiệm nhà ở với các nguồn vốn huy động chính từ thu nhập người dân mà ít có hỗ trợ từ Chính phủ. Điều này chưa phù hợp với thực tế Việt Nam bởi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn rất thấp, chỉ khoảng hơn 25 triệu đồng/năm", một chuyên gia nhận định.
Chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc bởi đây là chính sách mới. Thực tế, cả nước hiện nay cần khoảng hơn 1 triệu căn nhà ở xa hội. Để giải quyết nhu cầu "khổng lồ" này, cần một nguồn tiền rất lớn. Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn chế, sự tham gia của người dân vào phát triển nhà ở xã hội là rất cần thiết. Tuy nhiên, các chính sách này cần được xem xét kĩ tính khả thi và phù hợp, để có thể triển khai hiệu quả.