Ba Đình là một trong 12 quận nội thành và là một trong 4 quận trung tâm của thủ đô Hà Nội, cũng là nơi tập trung nhiều cơ quan quan trọng của Đảng, Nhà nước nói chung và Hà Nội nói riêng.
Vị Trí Địa Lý
Dành cho bạn đọc chưa biết quận Ba Đình ở đâu? Quận Ba Đình sở hữu vị trí địa lý đắc địa mà ít quận huyện nào của thủ đô có được khi tiếp giáp với 4 trung tâm hành chính lớn của thủ đô:
- Phía Bắc giáp với Tây Hồ, ranh giới nối 2 quận là khu dân cư An Dương, đường An Dương và đường Hoàng Hoa Thám.
- Phía Nam giáp quận Đống Đa, ranh giới là các phố Lê Đại Hành, Láng Hạ, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Học, Giảng Võ, Nguyên Hồng.
- Phía Đông giáp quận Long Biên với ranh giới là sông Hồng.
- Phía Đông Nam giáp quận Hoàn Kiếm, ranh giới là các phố Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế, Hàng Đậu, đường tàu.
- Phía Tây giáp quận Cầu Giấy, ranh giới kết nối 2 quận là sông Tô Lịch.
Vị trí quận Ba Đình trên Google Maps.
Lịch Sử
Cùng tìm hiểu những mốc lịch sử quận Ba Đình. Địa bàn quận Ba Đình trước đây vốn thuộc tổng Hữu Nghiêm (sau đổi tên là Yên Hòa), huyện Thọ Xương và các tổng Yên Thành, Nội, Thượng, Trung, huyện Vĩnh Thuận. Sau năm 1954, khu vực này được chia tách thành khu Trúc Bạch và khu Ba Đình.
Năm 1961, thành lập khu phố Ba Đình trên cơ sở sáp nhập khu Trúc Bạch, khu Ba Đình; xã Đông Thái, một phần xã Thái Đô thuộc quận V cũ, 2 xã Phúc Lệ, Ngọc Hà và một phần xã Thống Nhất thuộc quận VI.
Tháng 6/1981, chuyển các khu phố thành quận, khu phố Ba Đình đổi thành quận Ba Đình, gồm 15 phường: Yên Phụ, Trúc Bạch, Thụy Khuê, Thành Công, Quán Thánh, Phúc Xá, Nguyễn Trung Trực, Ngọc Hà, Kim Mã, Giảng Võ, Đội Cấn, Điện Biên, Cống Vị, Cầu Giấy, Bưởi. Khi đó, toàn bộ khu Hoàng thành Thăng Long đều thuộc quận Ba Đình.
Tháng 10/1995, chuyển 3 phường Yên Phụ, Thụy Khuê, Bưởi của quận Ba Đình sang quận Tây Hồ.
Ngày 22/11/1996, phường Cầu Giấy của quận Ba Đình được đổi tên thành phường Ngọc Khánh do trùng tên với quận Cầu Giấy.
Ngày 5/1/2005, điều chỉnh địa giới hành chính giữa hai phường Cống Vị, Ngọc Khánh, đồng thời thành lập 2 phường Liễu Giai và Vĩnh Phúc.
Kể từ đó, quận Ba Đình có 14 phường như hiện nay.
Hành Chính - Quận Ba Đình Có Bao Nhiêu Phường?
Quận Ba Đình có 14 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 14 phường: Vĩnh Phúc, Trúc Bạch, Thành Công, Quán Thánh, Phúc Xá, Nguyễn Trung Trực, Ngọc Khánh, Ngọc Hà, Liễu Giai, Kim Mã, Giảng Võ, Đội Cấn, Điện Biên, Cống Vị.
Kinh Tế
Quận Ba Đình được đánh giá là một trong những quận có mức tăng trưởng kinh tế cao của thành phố Hà Nội. Ba Đình cũng là một trong những quận đầu tiên của thủ đô thực hiện cổ phần hóa 100% doanh nghiệp Nhà nước. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế quận tăng trưởng bình quân 10,7%/năm, trong đó dịch vụ tăng 12,5%/năm, công nghiệp tăng 6,7%/năm. Thu ngân sách nhà nước bình quân tăng 10%/năm, đạt hơn 38.000 tỷ đồng.
Văn Hóa
Ba Đình là cái nôi của nền văn minh sông Hồng nên ngoài hòa cùng những nét chung của văn hóa vùng đất thủ đô, quận cũng tạo cho mình một bản sắc riêng với nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng như lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cột cờ Hà Nội, chùa Một Cột, đền Voi Phục, đền Quán Thánh, Di tích Hoàng thành Thăng Long, Phủ Chủ tịch... Các điểm du lịch trong địa bàn quận đều thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước ghé thăm hàng năm.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, Ba Đình còn là trung tâm hành chính, chính trị quốc gia, là nơi diễn ra các sự kiện trọng đại trong hoạt động đối nội, đối ngoại của Nhà nước.
Ba Đình cũng là vùng đất có nhiều làng nghề cổ truyền mang đậm dấu ấn lịch sử như rượu sen Thụy Khuê, bánh cốm Yên Ninh, đúc đồng Ngũ Xã, giấy gió Yên Thái, Hồ Khẩu, lụa Trúc Bạch, làng hoa Ngọc Hà, Lĩnh Bưởi…
Hạ Tầng, Tiện Ích
Cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông tại quận Ba Đình luôn được thành phố quan tâm cải tạo, nâng cấp và mở rộng. Hệ thống chợ, trường học được cải tạo và quy hoạch rõ ràng. Mạng lưới giao thông trên địa bàn quận Ba Đình được nghiên cứu, quy hoạch thống nhất với quy hoạch chung của thành phố với hàng loạt tuyến đường huyết mạch như Kim Mã, Đội Cấn, Giảng Võ, Liễu Giai, Trần Phú, Hoàng Diệu…
Phố Kim Mã, Ba Đình.
Trên địa bàn quận còn có các dự án đường sắt đô thị đi qua là tuyến số 1 (Ngọc Hồi – Yên Viên), tuyến số 2 (Nội Bài – Thượng Đình), tuyến số 3 (Trôi – Nhổn – Yên Sở), tuyến số 5 (Hồ Tây – An Khánh). Trong đó, tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo hiện đang được đầu tư xây dựng, tuyến số 3 đoạn Nhổn – ga Hà Nội hiện đang được thi công.
Các phường phía Tây của Ba Đình là một trong những khu vực tập trung dân cư với nhiều tòa nhà chung cư được xây dựng sớm nhất của Hà Nội như Liễu Giai, Thành Công, Vĩnh Phúc, Giảng Võ, Cống Vị…
Trên địa bàn quận đã và đang xây dựng các khu đô thị như khu đô thị Vinhomes Gallery Giảng Võ, khu đô thị bệnh viện 354, khu đô thị 671 Hoàng Hoa Thám…
Các tuyến xe buýt chạy qua địa bàn quận: 01 (bến xe Gia Lâm – bến xe Yên Nghĩa), 02 (Trần Khánh Dư – bến xe Yên Nghĩa), 09A (Bờ Hồ - Khu liên cơ quan Sở ngành Hà Nội), 09B (Trần Khánh Dư – Khu liên cơ Sở ngành Hà Nội), 10A (Long Biên – Từ Sơn), 10B (Long Biên – Trung Màu), 12 (Công viên Nghĩa Đô – Khánh Hà), 14 (Bờ Hồ - Cổ Nhuế), 14CT (Trần Khánh Dư – Cổ Nhuế), 17 (Long Biên – Nội Bài), 18 (ĐHKT Quốc dân - Đại học Kinh tế Quốc dân), 22A (Bến xe Gia Lâm - TTTM BigC Thăng Long), 23(Nguyễn Công Trứ - Nguyễn Công Trứ), 24(Long Biên - Cầu Giấy), 25(Bến xe Giáp Bát - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ cơ sở 2), 26(Mai Động - SVĐ Quốc gia Mỹ Đình), 27(Bến xe Yên Nghĩa - Bến xe Nam Thăng Long), 28(Bến xe Nước Ngầm - Đại học Mỏ), 31(Bách Khoa - Đại học Mỏ)…
Quận Ba Đình tập trung nhiều tiện ích mua sắm, giải trí hiện đại nhất nhì thủ đô như Lotte Center, chợ Long Biên, Quảng trường Ba Đình, Vincom Center Metropolis Liễu Giai, Rạp chiếu phim quốc gia, Rạp chiếu phim CGV…
Giáo Dục
Ba Đình là quận đầu tiên trong cả nước được công nhận là hoàn thành chương trình phổ cập THCS. Ba Đình cũng xóa xong lớp học ca 3, phòng học cấp 4. Công tác xã hội hóa giáo dục được thực hiện tốt với các mô hình trường bán công, tư thục và dân lập.
Các trường đại học, học viện nổi tiếng trên địa bàn như:
- Đại học Nguyễn Trãi
- Viện Ngôn ngữ học
- Trường Đại học y tế công cộng
- Trường Đại học dân lập Đông Đô
- Đại học RMIT
Bệnh Viện
Hệ thống các bệnh viện lớn đều tập trung trên địa bàn quận như:
- Bệnh viện Saint Paul
- Bệnh viện phụ sản Hà Nội
- Bệnh viện Lao trung ương…
Công Viên
- Công viên Thủ Lệ
- Công viên Bách Thảo
Thị Trường Bất Động Sản Quận Ba Đình
Vị trí đắc địa, cơ sở hạ tầng đồng bộ, điều kiện dân sinh tốt khiến Ba Đình trở thành nơi an cư trong mơ của nhiều người dân Hà Nội và là mảnh đất giàu tiềm năng với nhà đầu tư. Nhiều năm qua, hoạt động mua bán nhà đất quận Ba Đình chưa bao giờ hạ nhiệt với loạt sản phẩm đa dạng, từ nhà mặt phố, nhà riêng, căn hộ chung cư, biệt thự, văn phòng cho thuê…
So với các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Tây Hồ, giá nhà đất ở Ba Đình được đánh giá là ổn định và hợp lý hơn. Khảo sát cho thấy, giá bất động sản quận Ba Đình có mức dao động lớn, trải đều từ phân khúc giá rẻ (30-40 triệu/m2) đến phân khúc cao cấp hơn (400-450 triệu/m2). Tuy nhiên, nhìn chung, phân khúc trung và cao cấp chiếm đa số thị phần thị trường bất động sản quận Ba Đình. Trong tương lai, khi hệ thống hạ tầng tại địa bàn Ba Đình ngày càng được hoàn thiện đồng bộ và quỹ đất dành cho nhà ở ngày càng khan hiếm thì giá trị của bất động sản Ba Đình sẽ ngày càng tăng cao theo thời gian.
Khánh An (tổng hợp)
>> Tổng quan về quận Cầu Giấy, Hà Nội
>> Tổng quan về quận Thanh Xuân