Trong giai đoạn 10 năm qua, tất cả các phân khúc trên thị trường BĐS Tp.HCM đều phát triển rất nhanh. Thị trường đang vận hành theo chu kỳ, có giai đoạn tăng trưởng, có giai đoạn chững lại và có giai đoạn suy thoái.
Từ cuối năm 2013 đến nay, BĐS đã phục hồi và tăng trưởng trở lại nhưng trong năm 2016 đã bắt đầu chững lại và tiềm ẩn những yếu tố rủi ro. Hiện tại, có đến 10 hạn chế tồn tại ở thị trường BĐS Tp.HCM.
Khó chuyển nhượng dự án đã khiến hơn 500 dự án phải trùm mền
Thứ nhất, thị trường BĐS chưa đạt mục tiêu phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững.
Thứ hai, thị trường đã xuất hiện tình trạng lệch pha cung cầu. Phân khúc BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng chiếm chủ đạo, thiếu sản phẩm NOXH, nhà ở vừa túi tiền.
Thứ ba, nguồn vốn xã hội và nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng đang lệch vào một số doanh nghiệp lớn và phân khúc BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng.
Có khoảng 500 dự án trong khoảng 1.200 dự án BĐS ở Tp.HCM bị ngừng triển khai do giải phóng mặt bằng dở dang. Đây là hạn chế thứ tư và cũng là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho, đã ngốn một lượng vốn lớn của nhà đầu tư và tiềm ẩn nhiều hệ quả rủi ro cho thị trường.
Điểm hạn chế thứ năm là tiền sử dụng đất đang là gánh nặng, ẩn số và tạo ra cơ chế xin cho. Để giải quyết vấn đề này, UBND Tp.HCM đã cho phép doanh nghiệp được tạm nộp tiền sử dụng đất dự án ngay sau khi Sở TN&MT xác định giá đất. Chủ đầu tư được tiếp tục làm các thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng, đã giúp doanh nghiệp giảm được 6 tháng chờ làm thủ tục thẩm định giá đất như quy trình trước đây.
Thứ sáu, nhiều doanh nghiệp BĐS còn yếu về năng lực tài chính và năng lực quản trị, thiếu tính chuyên nghiệp. Cá biệt, có những doanh nghiệp có những hành vi vi phạm pháp luật, làm tổn hại quyền lợi chính đáng của khách hàng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thứ bảy, việc khó giải phóng mặt bằng khiến nhiều dự án bồi thường dở dang, không thể triển khai được, chôn vốn của doanh nghiệp trong thời gian dài, chưa có lối ra.
Khó chuyển nhượng dự án BĐS là hạn chế thứ tám. Nguyên nhân là do pháp luật quy định chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng và phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa tạo điều kiện cho nhà đầu tư mới thay thế để khởi động lại các dự án đã bị ngưng triển khai hiện nay.
Thứ chín, thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Điểm hạn chế cuối cùng là chính sách tín dụng chưa phù hợp, chưa tạo được nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường BĐS. Lãi suất cho vay vẫn còn cao và có khả năng sẽ tăng trong năm 2017.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, cần phải sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật để giải quyết 10 vấn đề trên. Trước hết cần đề nghị Quốc hội thông qua dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh” để điều chỉnh hiệu quả nền kinh tế và thị trường BĐS, tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. Đồng thời, Tp.HCM cần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng một cửa liên thông, đơn giản, minh bạch, thông thoáng, nhanh chóng.