Yếu tố nào quyết định đến sự thành công của đặc khu kinh tế?
Tại buổi hội thảo, nhận định về thất bại chung của nhiều đặc khu kinh tế, ông Teo Eng Cheong, Giám đốc Quốc tế Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) cho rằng đó là do sự trì hoãn đổi mới các chính sách cần thiết vì sợ việc tự do hóa diễn ra quá nhanh và mất kiểm soát.
Theo ông, các chính sách đổi mới táo bạo hoặc mở rộng các quy định hiện hành là yếu tố quyết định đến sự thành công của các đặc khu kinh tế. Những đổi mới điển hình thường liên quan đến thuế, quy chế hải quan, chính sách lao động và nguồn vốn.
Vị Giám đốc tập đoàn này cho rằng, ưu đãi thuế hoặc giảm thuế có thể là sự đổi mới về chính sách hàng đầu cho nhiều đặc khu kinh tế, không chỉ là thuế thu nhập doanh nghiệp mà cả thuế hàng hóa và dịch vụ, thuế thu nhập cá nhân.
Ngoài ưu đãi về thuế, quy chế hải quan cũng cần miễn, giảm thuế nhập khẩu, đơn giản hóa thủ tục thông quan với hàng hoá nhập khẩu vào đặc khu kinh tế để thúc đẩy xuất khẩu. Về nguồn lao động, các chính sách về lao động cần được tự do hóa để thu hút lao động từ những vùng khác của đất nước và những người di cư từ nước ngoài. Về nguồn vốn, ông Teo nhấn mạnh: “Ở những nước mà có sự kiểm soát đối với vốn và ngoại tệ thì đặc khu kinh tế có thể là nơi mà những ràng buộc này bị dỡ bỏ. Nếu cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn thì các khoản vay lãi suất thấp có thể được cung cấp ở đặc khu kinh tế”.
Ngoài việc đưa ra những ưu đãi, để đặc khu kinh tế phát triển thành công, GS.TS Hoàng Thế Liên, Nguyên thứ trưởng Bộ Tư Pháp cũng cho rằng, một vấn đề quan trọng khác là phải xây dựng thể chế minh bạch, dân chủ, hiện đại.
Các khách mời tham gia thảo luận tại Hội thảo |
Theo ông Liên, thể chế nói chung, pháp luật nói riêng phải tiếp cận được với văn minh nhân loại, hạn chế đặc thù. Do đó, luật đặc khu phải thể hiện được sự phân quyền đầy đủ, rõ ràng, đi thẳng vào cuộc sống, không thông qua các nghị định thông tư mang tính hành chính. Khi có vấn đề chưa rõ, HĐND tỉnh phải có trách nhiệm giải quyết.
Ngoài ra, theo Giáo sư Liên, luật tốt cần tìm được cán bộ, công chức thực tài có năng lực thực thi để thực hiện. Nếu cán bộ yếu kém thì những ý tưởng tốt đẹp về đặc khu kinh tế khó có thể đi vào cuộc sống. Điều này sẽ cản trở các nhà đầu tư.
Quảng Ninh đã sẵn sàng để xây đặc khu kinh tế Vân Đồn
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh đã báo cáo về ý định phát triển đặc khu kinh tế từ tháng 10/2012 và đã được với cơ quan Trung ương đồng ý. Ngay sau đó, chính quyền Quảng Ninh đã mời gọi các nhà đầu tư Mỹ đến tham quan và đổ vốn xây dựng đặc khu kinh tế ở tỉnh nhà.
Sau chuyến thăm quan, các nhà đầu tư Mỹ đánh giá cao Vân Đồn và đã đặt ra 4 câu hỏi cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Thứ nhất, Việt Nam sẽ xây bao nhiêu đặc khu kinh tế và xây dựng ở những vị trí nào? Thứ hai, khi nào Việt Nam có luật đặc khu kinh tế? Thứ ba, nếu đầu tư vào đặc khu kinh tế ở Quảng Ninh, đâu sẽ là đầu mối có đủ thẩm quyền để trả lời, giải quyết các vấn đề liên quan? Và thứ tư, khi nào ở Vân Đồn sẽ có sân bay, đường cao tốc...?
Ông Thành chia sẻ, vào thời điểm đó (đầu năm 2013), lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chưa thể trả lời hết các câu hỏi đó nên các nhà đầu tư Mỹ chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Và trong suốt nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã cố gắng từng bước hiện thực hóa những vấn đề còn tồn tại, báo cáo Quốc hội, Chính phủ những vấn đề vượt thẩm.
Ông Thành chia sẻ: “Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi tự tin với các nền tảng đã có để xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn. Về chủ trương, chiến lược, tầm nhìn quốc gia về phát triển đặc khu thì đã rất rõ ràng. Luật đơn vị hành chính đặc khu kinh tế đã có quá trình chuẩn bị rất công phu và đang chờ Quốc hội thông qua. Trong luật cũng xác định xây dựng bộ máy hành chính hiện đại, trao thẩm quyền cho người đứng đầu đặc khu. Đồng thời, trong các năm qua, Quảng Ninh đã chuẩn bị về hạ tầng giao thông. Trong năm nay, chuyến bay thương mại đầu tiên tại Vân Đồn sẽ hoạt động, tàu cao tốc cũng được kết nối và một loạt công trình hạ tầng kỹ thuật khác được đưa vào sử dụng”.
Thúy An