Trong chương trình Có hẹn với chuyên gia BĐS do Muonnha.com.vn tổ chức mới đây, anh Xuân Bách (TP.HCM) đặt câu hỏi: "Với số vốn 300 triệu tôi không thể đầu tư vào bất động sản, tôi nên đầu tư chứng khoán, hay vay thêm tiền ngân hàng để tìm mua bất động sản giá rẻ vùng ven? "
Trả lời câu hỏi trên, ông Trần Minh Quang, Giám đốc Phát triển dự án Công ty Đất Xanh Miền Nam cho biết, việc trước tiên mà anh Xuân Bách cần làm là bỏ ra 5-10% số vốn đang có để tham gia các khóa học về kỹ năng đầu tư cũng như cách phân bổ dòng tiền. Với một người chưa từng tham gia thị trường thì việc trang bị kiến thức, tìm hiểu các kênh đầu tư, học hỏi những kiến thức cơ bản là điều nên làm trước. Bất động sản không chỉ đơn giản là mua một miếng đất rồi chờ tăng giá mà còn rất nhiều vấn đề liên quan như thủ tục, pháp lý, các vấn đề về luật khi có tranh chấp... Với người bán, họ luôn nói tốt về thị trường, về khu vực có sản phẩm mà họ bán... nên người mua cần có kiến thức cơ bản để phân biệt đâu là sản phẩm tốt, đáng mua.
Theo báo cáo thị trường BĐS quý 3/2021 của Muonnha.com.vn, đất nền vùng ven là loại hình bất động sản có dấu hiệu phục hồi sớm nhất sau khi có thông tin nới lỏng giãn cách. Ảnh minh họa
Với số vốn của anh Xuân Bách, ông Quang cho rằng thời điểm này sẽ rất khó để sở hữu bất động sản. Tuy nhiên một phương án nhiều người ít vốn hiện đang áp dụng khá thành công là mua chung bất động sản với bạn bè, người thân trong gia đình. Phương án này nhằm giảm rủi ro khi dùng đòn bẩy tài chính. Ở góc độ cá nhân, theo ông Quang khi đầu tư một tài sản nào đó việc đầu tiên cần chú ý là cơ cấu tỷ lệ nợ vay. Nếu vay mua bất động sản với tỷ lệ quá lớn, phần lãi suất sẽ làm thâm hụt lợi nhuận. Số tiền lãi có khi thấp hơn bỏ vào một số kênh khác không cần vay vốn như tiết kiệm, vàng... Nếu không muốn mua chung, người mua nên huy động vốn từ người nhà để giảm tỷ lệ vay ngân hàng xuống mức thấp nhất có thể. Nên khống chế tỷ lệ vay ngân hàng dưới 40% giá trị tài sản định mua, giảm rủi ro trong trường hợp mất thu nhập.
Phương án thứ 2 cho người vốn nhỏ là tìm kiếm những mảnh đất xa trung tâm, những nơi hiện chưa phát triển hạ tầng nhưng có thể được đầu tư trong vòng 5-10 năm tới thay vì vay vốn nhiều và cố chen vào những khu vực đang quá nóng. Ví dụ người mua có thể về các khu vực như Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ... những nơi có thể sẽ được đầu tư hạ tầng sau này, chưa có nhà đầu tư, giá còn rẻ, có những khu đất giá 300-400 triệu đồng. Tuy nhiên người mua phải chấp nhận thời gian chờ đợi có thể lên tới 5-10 năm. Ngoài ra, khi mua đất ở những vùng sâu, vùng xa cần đặc biệt xem xét về khả năng thanh khoản của tài sản, không chọn nơi quá hoang vu hẻo lánh, không có cơ hội phát triển hạ tầng... Ví dụ ở Lâm Đồng thời gian qua đất nông nghiệp lên cơn sốt, nhiều khu đất tăng gấp đôi gấp ba, nhưng một số nơi không có người ở vẫn rất khó tăng giá...
Để biết thêm những tư vấn hữu ích khác của các chuyên gia trong số Có hẹn với chuyên gia BĐS về chủ đề chứng khoán và bất động sản, mời bạn đọc theo dõi tiếp tại video dưới đây:
Ngọc Sương
>> Vốn 500 triệu, nhà đầu tư không chuyên có thể tham gia kênh đầu tư vua?
>> 5 cách giúp người làm công ăn lương sớm mua được nhà