>> Vụ bà Thu Nga bị bắt: TGĐ Housing đã hứa tiếp tục triển khai dự án
Dân chịu thiệt
Để yên lòng khách hàng, ngay sau khi bà Thu Nga bị bắt tạm giam, ông Lê Sáu, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà đất (Housing Group) đã trấn an khách hàng khi khẳng định, chuyện bà Nga bị bắt là cá nhân, huy động vốn sai phải có trách nhiệm trước phát luật. Với cương vị TGĐ, ông Sáu khẳng định sẵn sàng làm điều gì đó để mang lại thuận lợi cho khách hàng.
Tổng giám đốc Housing cũng cho biết, những dự án còn đang dở dang đã có kế hoạch triển khai. Hiện đã giao trách nhiệm cho ban quản lý dự án và ban quản trị khách hàng để đảm nhiệm triển khai dự án ở Phú Thượng đến khi dự án hoàn thành. Còn ở dự án B5 Cầu Diễn, phía công ty cũng đang triển khai giải quyết những vướng mắc về hồ sơ pháp lý, kết quả nhanh hay chậm còn do sự hợp tác của Thành phố, Sở ban ngành… “Sang tuần chúng tôi sẽ họp hội đồng quản trị để cụ thể các kế hoạch công việc"- ông Sáu cho biết thêm.
Người mua nhà biểu tình đòi quyền lợi |
Những trường hợp công ty có lãnh đạo bị bắt như Housing không phải là hiếm. Và thực tế, mỗi lãnh đạo chỉ là một cổ đông trong doanh nghiệp, nên khi họ bị bắt, công ty vẫn tiếp tục tồn tại và có trách nhiệm thực hiện tiếp nghĩa vụ của mình với đối tác khác đã ký kết. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng đủ sức vượt qua cửa ải này, và với Housing những thông tin đưa ra trong thời điểm này chưa đủ làm khách hàng an lòng, vì cũng chỉ "mang tính cam kết". Khách hàng của Housing hiện vẫn đang nóng lòng chờ đợi cơ quan chức năng làm sáng tỏ sai phạm của chủ đầu tư, còn đương nhiên họ là người chịu mọi thiệt hại về thời gian, về tài chính.
Giới luật sư cho rằng, khách hàng nên tiến hành khởi kiện ra tòa để đảm bảo quyền lợi của mình . Tuy nhiên, việc đòi lại tiền sẽ không đơn giản, đặc biệt trong trường hợp các doanh nghiệp này tuyên bố phá sản sau khi người đứng đầu bị bắt, khách hàng có thể đứng trước nguy cơ mất trắng.
Theo ông Trần Thái Bình, luật sư tại LNT& Partners, tại các dự án có huy động vốn trái phép, một phần nào đó, người mua nhà cũng phải chịu rủi ro trong đó. Theo ông Bình khi mua trước tiên khách hàng phải kiểm tra tính pháp lý của dự án khi sự vụ xảy ra, một phần trách nhiệm thuộc về người mua. “Khách hàng cũng phải chịu rủi ro trong đó, hoàn toàn không thể nhận tiền lại thì ai trả bây giờ, chỉ mong rằng dự án có thể tiếp tục thực hiện”, ông Bình nói.
Ông Bình cũng cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của mình, khách hàng cần xem lại hợp đồng, đây là giao dịch dân sự căn cứ trên hợp đồng, khách hàng có thể liên kết với nhau tạo thành tiếng nói lớn hơn, tạo áp lực với chủ đầu tư và gây sự chú ý với cơ quan chức năng.
Tìm cách giải cứu
Câu hỏi lớn nhất với những doanh nghiệp BĐS có lãnh đạo vướng vòng lao lý là giải cứu các dự án này thế nào? Thực tế cho thấy, việc tiếp tục triển khai dự án là điều tương đối khó.
Theo luật sư Bình, về pháp lý, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục thực hiện dự án như đã ký kết tuy nhiên, họ có đủ tài chính hay không mới là điều quan trọng. Nếu không đủ năng lực tài chính cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước dựa vào các quy định của pháp luật thu hồi dự án, giao cho bên khác tiếp tục thực hiện.
Những dự án có lãnh đạo "dính chàm" thường rất khó khăn để có thể tiếp tục triển khai |
Còn Chủ tịch Công ty Luật Basico- Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nếu muốn dự án tiếp tục được thi công, chủ đầu tư phải thu hồi được số tiền thất thoát và tập trung mọi nguồn tiền vào hoàn thiện dự án. Không loại trừ khả năng người mua nhà phải thương lượng, bỏ thêm tiền, tức chấp nhận giá mua cao hơn để hoàn thiện. Nếu không được, thì đành phải chấp nhận bán cho chủ đầu tư khác hoặc yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp để thanh lý dự án, thu về một phần số tiền đã nộp. Ngoài ra, có thể đề nghị Nhà nước xem xét miễn giảm tiền sử dụng đất, thuế, phí và lệ phí để giảm bớt tổn thất cho người bị hại.
Tình trạng nhiều chủ đầu tư huy động vốn trái phép của người mua nhà đang trở thành "vấn nạn" của thị trường bất động sản. Vấn đề này cũng được đưa ra tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Luật kinh doanh BĐS sắp có hiệu lực đã có quy định về việc huy động vốn dự án hình thành trong tương lai. Theo đó, các dự án buộc phải có ngân hàng bảo lãnh và được chấp thuận của cơ quan chức năng.
Theo luật sư Bình, nếu có ngân hàng bảo lãnh phía sau, quyền lợi người mua nhà sẽ được đảm bảo về nguyên tắc chế định bảo lãnh, nếu như bên kia không thể thực hiện đúng theo cam kết thì ngân hàng phải thực hiện bằng cách hoàn trả tiền lại hoặc bằng cách nào đó làm dự án thực hiện xong. Khi ngân hàng đứng ra bảo lãnh, họ sẽ có những cơ chế để bảo vệ cho họ như trong 6 tháng không giao nhà có quyền thanh lý dự án để chuyển cho bên khác thực hiện.
Còn theo Luật sư Đức, những vụ việc liên quan đến tranh chấp BĐS thời gian qua cho thấy lỗ hổng pháp luật và lỗ hổng trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi những quy định đưa ra chưa đủ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nhiều chuyên gia bày tỏ kỳ vọng Luật Nhà ở năm 2014 vừa được ban hành sẽ khắc phục được phần nào lỗ hổng này. Ông Đức cũng cho rằng, dù luật có tốt bao nhiêu, nhưng cuối cùng, thì vấn đề thực thi mới là quan trọng và quyết định.