Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở QH-KT cho biết, trước đây, Thủ tướng đã có quyết định xây dựng lại khu vực ga Hà Nội, vì vậy, việc lập quy hoạch phân khu là cần thiết.
Theo quy hoạch, quảng trường trước ga Hà Nội là bến trung chuyển xe buýt của thành phố; ga Hà Nội sẽ trở thành đầu mối giao thông đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, quốc tế.
Ông Lê Vinh nói, đồ án có mục tiêu rất rõ ràng, ga Hà Nội là đầu mối giao thông, xung quanh là tổ hợp công trình nhà ở, công cộng, dịch vụ; toàn bộ dự án sẽ được tái định cư tại chỗ.
9 phân khu chức năng trong đồ án quy hoạch
Về đề xuất xây tổ hợp cao 40-70 tầng quanh ga trung tâm của Hà Nội, lãnh đạo Sở Quy hoạch cho hay, để các mục tiêu của đồ án được đáp ứng, phải xác định diện tích sàn, quy mô xây dựng tương ứng với chiều cao của công trình. Theo đó, khi nâng chiều cao công trình thì phải giảm mật độ xây dựng mới đảm bảo có quỹ đất làm đường giao thông, cây xanh và khu vực công cộng.
Giám đốc Sở QH-KT cũng cho hay, liên quan đến vấn đề về môi trường và dân số, trong quá trình nghiên cứu, Hà Nội đã xin ý kiến của các bộ ngành. Dựa trên các ý kiến, thành phố sẽ báo cáo Thủ tướng về việc xây tổ hợp cao tầng.
Đánh giá cao nhiều mục tiêu mà đơn vị tư vấn đưa ra như cải thiện điều kiện sống, giao thông, hướng người dân chọn dùng phương tiện công cộng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn nói, đồ án có ưu điểm là tái định cư tại chỗ nên dân số không tăng nhiều.
Bên cạnh đó, phương án xóa ngăn cách đông tây thành phố cũng được đề xuất tại đồ án bằng việc kéo dài các tuyến đường như Nguyễn Thái Học, Lý Thường Kiệt... Phương tiện sẽ lưu thông thuận lợi hơn nhờ có nhiều tuyến đường quanh ga Hà Nội.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho ý kiến về chiều cao công trình, thành phố nào cũng cần có các công trình tạo điểm nhấn đô thị, chiều cao tối đa của công trình không nên chỉ để 12 tầng. Ông nói, hiện chúng ta chưa cần bàn sẽ xây công trình 60-70 tầng ở khu vực nào bởi mới đang là quy hoạch phân khu. Độ cao cụ thể sẽ được tính toán sau này khi phụ thuộc vào dự án cụ thể.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia khác vẫn bày tỏ lo ngại rằng các công trình cao 40-70 sẽ khiến dân số gia tăng, đi ngược lại mục tiêu giảm dân cư khu vực nội đô.
Thứ trường Nguyễn Ngọc Đông cho biết, các cơ quan chuyên môn đường bộ, đường sắt đang được Bộ Giao thông giao nhiệm vụ cùng nghiên cứu đồ án quy hoạch và trong khoảng 10 ngày tới sẽ có câu trả lời cho UBND Hà Nội.
Ông Đông nói, chúng tôi ủng hộ nghiên cứu phân khu ga Hà Nội và vùng phụ cận để cụ thể hóa quy hoạch chung Hà Nội. Tuy nhiên, khả năng tổ chức giao thông, kết nối các tuyến đường sắt cần được nghiên cứu kỹ bởi nội dung đồ án khá rộng, hạ tầng xung quanh ga bị thay đổi nhiều.
Đơn vị tư vấn Nhật Bản đề xuất giữ nguyên trạng ga Hà Nội. Ảnh: C.T.V
Giữa tháng 9, đồ án quy hoạch ga Hà Nội và vùng phụ cận đã được Hà Nội tổ chức xin ý kiến của các bộ ngành. Đơn vị tư vấn Nhật Bản đề xuất bảo tồn nguyên trạng ga Hà Nội ở vị trí hiện tại với mặt tiền trên đường Trần Hưng Đạo.
Khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận được quy hoạch thành 9 phân khu chức năng, với tòa nhà cao nhất khoảng 40 tầng, cao 150m. Trong đó, ở trung tâm quy hoạch là khu ga đường sắt; khu văn hóa gồm Văn Miếu và khu vực xung quanh được bảo tồn, hạn chế chiều cao công trình xây mới...
Tuy nhiên, Hà Nội đề xuất, trong 9 phân khu, khu lối sống mới, nghỉ dưỡng được xây tối đa 60 tầng; các khu thương mại, kiến trúc, truyền thông cao tối đa 200m (tương đương 70 tầng); khu văn hóa thấp tầng.
Cũng theo tờ trình này, tại khu vực quy hoạch, dân số hiện có khoảng 34.000 người, dự báo mỗi năm tăng thêm 10% nên tổng dân số của đồ án sẽ là 44.000 người. Từ đó, dân số tại nội đô (4 quận nội thành cũ) của Hà Nội sẽ tăng từ 800.000 người lên 824.000 người.