Giải pháp tốt nhất, thông dụng nhất đó là dùng giếng trời để tạo sự đối lưu không khí và lấy được nguồn sáng tự nhiên. Trong trường hợp ngôi nhà có chiều sâu và chiều cao lớn, nếu chỉ có một giếng trời thì không đủ để thoát hơi mà cần phải có hai hoặc ba giếng được bố trí xuyên suốt chiều dài ngôi nhà.
Thông thường, phần lỗ thoáng phải chiếm từ 10-15% diện tích xây dựng. Giếng trời đặt giữa nhà nên kết hợp với khu vực cầu thang để không bị mất diện tích, đồng thời bổ sung thêm ánh sáng tự nhiên cho lối đi.
Mỗi tầng trong thiết kế nhà ống chỉ nên có chiều cao trong khoảng từ 2,9 - 3,2 m. Nếu trần nhà quá cao, cầu thang sẽ phải có nhiều bậc, gây tốn diện tích hoặc bị dốc đứng, gây khó khăn cho việc đi lại giữa các tầng. Với tầng lửng, theo tiêu chuẩn cả tầng trệt lẫn lửng có độ cao không quá 5 m.
Nhà cao tầng nhất thiết phải có chiếu nghỉ. Tối đa cứ 16 bậc phải có một chiếu nghỉ, độ cao các bậc nên trong khoảng 15-18 cm để người sử dụng có thể bước nhẹ nhàng và thoải mái. Lưu ý không sử dụng dạng cầu thang xóay ốc bởi nó không mang lại điềm lành cho gia chủ.
Nhà phố bị bịt kín ba mặt nên cần phải hướng các phòng, khu vực chức năng về phía các giếng trời để không gian được thông thoáng. Đối với những ngôi nhà hướng tây, có thể thiết kế lối đi lại, hành lang, phòng vệ sinh hoặc giếng trời ở phía đó.
Bên cạnh đó bạn cũng nên chú ý tránh tạo cảm giác đơn điệu trong việc phân chia phòng. Các tầng nhà không nhất thiết phải chia đều, giống nhau. Có thể đan xen, kết hợp những khu vực chức năng với nhau. Thêm vào đó, hãy để mỗi thành viên trong gia đình được thể hiện cái tôi của họ đối với mỗi khu vực riêng.