>> Nhà nhỏ mà lại thích sự ấm cúng, hãy chọn sofa đôi
1. Thu gọn bàn ăn
Thay thế chiếc bàn ăn cồng kềnh bằng bàn nhỏ, dạng tròn, bạn sẽ thấy không gian nhà mình rộng rãi hơn đáng kể. Ảnh: Tessa Neustadt |
2. Chọn đồ dùng đa năng
Nếu nhà nhỏ và bạn không muốn mua sắm nhiều đồ nội thất lỉnh kỉnh, hãy lựa chọn những đồ dùng đa năng và linh hoạt hơn trong sinh hoạt hàng ngày như một chiếc bàn vừa làm bàn trà, vừa làm bàn ăn; dùng ghế thay cho bàn trà khi nhà có khách; hoặc chọn bàn, ghế có kết hợp ngăn trữ đồ để tối ưu hóa không gian. Ảnh: Trevor Tondro |
3. Phân chia không gian bằng cửa trượt
Loại cửa trượt có một phần bằng kính cho phép ánh sáng lan tỏa khắp không gian nhưng vẫn tạo sự tách biệt cần thiết. Khi không cần sử dụng, cửa sẽ trượt vào trong tường, chiếm ít không gian hơn so với cửa xoay. House Beautiful |
4. Sử dụng giường gấp
Một chiếc giường chỉ mở ra vào buổi tối và gấp gọn vào ban ngày sẽ tiết kiệm đáng kể không gian phòng ngủ. Với những căn hộ studio không có phòng ngủ tách biệt, giường gấp cũng là một lựa chọn rất đáng cân nhắc. Ảnh: Toledo Geller |
5. Treo ti vi lên tường
Chiếc kệ ti vi thường là món đồ “ngốn” nhiều không gian bậc nhất trong một phòng khách nhỏ. Do vậy, hãy treo ti vi lên tường, bạn sẽ lấy lại không gian sàn cần thiết cho những mục đích khác. Ảnh: Hecker Guthrie |
6. Dùng gương
Đây là mẹo lâu đời, phổ biến nhất trong các thiết kế giúp mở rộng không gian. Gương sẽ làm cho không gian nhà bạn có vẻ rộng hơn, nhẹ nhàng và thông thoáng hơn. Những thiết kế gương độc đáo còn giúp căn phòng của bạn thêm cá tính. Ảnh: Sara Tramp |
7. Sơn màu trung tính
Những căn phòng có màu trung tính có thể đánh lừa thị giác, khiến con người nghĩ rằng căn phòng rộng rãi hơn so với thực tế. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể dùng một số món đồ trang trí làm điểm nhấn để không gian không quá nhàm chán. Ảnh: Devol Kitchens |
8. Đa dạng hóa không gian trữ đồ
Hãy tận dụng tối đa những khoảng trống có sẵn để lưu trữ đồ đạc. Bạn có thể đặt thiết kế các loại tủ âm tường trong mọi ngóc ngách không dùng đến. Ngoài ra, những đồ nội thất như giường, bàn, ghế cũng có thể tích hợp ngăn trữ đồ để bạn sắp xếp nhà cửa ngăn nắp, tiết kiệm không gian hơn. Ảnh: Fantastic Frank |
9. Tận dụng các bề mặt có sẵn
Ngay cả bệ cửa sổ cũng có thể cung cấp thêm không gian để trang trí, chiếu sáng hoặc sắp đặt các đồ dùng cần thiết khi nhà bạn không còn chỗ để kê thêm một chiếc bàn phụ. Hãy tận dụng tất cả các bề mặt có sẵn trước khi nghĩ đến chuyện sắm thêm nội thất. Ảnh: Fantastic Frank |
10. Thiết kế bàn làm việc treo tường
Nhà chật không đồng nghĩa với việc bạn phải hi sinh góc làm việc tại nhà. Một chiếc bàn treo tường sẽ chiếm ít không gian hơn, hơn nữa bạn còn có thể gắn kệ phía trên để có thêm không gian lưu trữ. Ảnh: Old Brand New |
11. Chọn bàn, ghế có thể gấp gọn
Hãy chọn những thiết kế bàn, ghế siêu nhỏ gọn, có thể mở ra dùng khi có khách và gấp lại, cất đi khi không cần dùng đến. Một chiếc ghế đẩu như thế này rất phù hợp với phòng khách nhỏ xinh của bạn. Ảnh: Hecker Guthrie |
12. Dùng nội thất cỡ lớn với số lượng hạn chế
Nghe có vẻ không hợp lý nhưng trang bị một vài đồ nội thất cỡ lớn trong không gian nhỏ nhiều khi sẽ hiệu quả hơn một mớ lộn xộn những món đồ cỡ nhỏ. Thay vì cố gắng treo mọi thứ lên tường, bạn có thể giấu đồ đạc phía sau hoặc bên dưới những đồ nội thất cỡ lớn. Ảnh: Malisev Design |
13. Thiết kế không gian mở
Loại bỏ tường, mở rộng cửa sổ hoặc thay thế cửa gỗ bằng cửa có một phần kính là những gợi ý hay để mở rộng tầm nhìn, kết nối các không gian liền kề, tạo cảm giác ngôi nhà rộng và thoáng hơn. Ảnh: Fantastic Frank |
Ngoài những thay đổi, can thiệp vào cách sắp xếp không gian nhà nhỏ, bạn đừng quên điều chỉnh thói quen sinh hoạt của mình trước tiên. Hãy luôn gọn gàng, ngăn nắp, vì không gì khiến nhà bạn chật chội hơn bằng những đống đồ đạc lộn xộn khắp mọi nơi.
Hương Liên