Với những tín đồ thời trang thì chắc chắn phòng thay đồ cá nhân ̣̣̣̣̣(walk-in closet) không thể thiếu trong ngôi nhà. Đây sẽ là nơi để chúng ta thỏa sức trưng bày quần áo, phụ kiện, đồ trang sức, đồng thời giúp tiết kiệm đáng kể thời gian chuẩn bị trang phục trước những cuộc hẹn, đi làm hay đi chơi. Muonnha.com.vn sẽ gợi ý một số kinh nghiệm thiết kế phòng thay đồ cho phù hợp với từng đặc điểm không gian và nhu cầu của chủ nhà.
Phòng thay đồ đẹp, đầy đủ chức năng là mơ ước của bất cứ tín đồ thời trang nào.
Lợi ích của phòng thay đồ
Những căn phòng tiền thân cho phòng thay đồ xuất hiện lần đầu từ những năm 1945 ở các nước phương Tây. Ban đầu, chúng đơn thuần chỉ là một khoảng không gian rộng hơn so với tủ quần áo truyền thống, được tích hợp phía trong tường phòng ngủ, có cửa ra vào riêng. Đến năm 1980, cụm từ "walk-in closet" chính thức ra đời và phòng thay đồ nhanh chóng trở thành một tính năng tất yếu trong nhà, nơi chúng ta cất giữ trang phục, phụ kiện và cả đồ trang sức. Ở Việt Nam hiện nay cũng có khá nhiều gia đình quan tâm thiết kế một không gian thay đồ chuyên dụng bởi rất nhiều lợi ích mà nó mang lại:
Tăng cường thẩm mỹ cho ngôi nhà
Một mặt cung cấp sức chứa lớn và đa dạng, mặt khác, phòng thay đồ riêng biệt còn mang đến sự tiện nghi và tăng cường yếu tố thẩm mỹ cho tổng thể căn nhà. Ai mà không muốn "khoe khéo" với các vị khách đến thăm nhà không gian thay đồ tiện nghi và sang trọng như của người nổi tiếng chứ?
Nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng hơn
Với những gia đình sở hữu nhiều vật dụng, quần áo khác nhau mà chiếc tủ đồ thông thường không thể chứa đựng hết được thì việc bố trí một phòng thay, lưu trữ đồ riêng biệt là rất cần thiết. Khi đó, phòng ngủ trở nên gọn gàng, sạch sẽ vì không cần bố trí tủ quần áo trong phòng ngủ.
Bảo quản đồ đạc
Với phòng thay đồ, mỗi loại trang phục, phụ kiện đều có những không gian hộc tủ riêng, tránh được các yếu tố côn trùng phá hoại. Vì thế, đây chính là một nơi bảo quản trang phục cực kỳ lý tưởng.
Mang đến sự tiện nghi
Phòng thay đồ tạo không gian lưu trữ riêng biệt mà không cần tới các loại tủ to, nhỏ kết hợp làm lãng phí diện tích nhà. Bạn có thể bố trí phòng thay đồ ngay cạnh phòng ngủ hoặc nối liền với phòng ngủ. Một số người lại thích kết hợp phòng thay đồ, phòng tắm và phòng ngủ liên thông thành một hệ thống, tạo sự tiện nghi cho quá trình sinh hoạt.
3 cách bố trí phòng thay đồ phổ biến
Như đã đề cập ở trên, tùy thuộc vào đặc điểm ngôi nhà và sở thích, thói quen sinh hoạt của gia chủ mà phòng thay đồ có thể được bố trí độc lập hay kết hợp với không gian phòng ngủ, phòng tắm.
Phòng thay đồ độc lập
Những ngôi nhà có không gian nội thất rộng, sang trọng thường bố trí phòng thay đồ độc lập ở vị trí giữa nhà vệ sinh và phòng ngủ. Tùy vào nhu cầu và diện tích sẵn có mà bạn bố trí phòng thay đồ lớn hay nhỏ.
Cách bố trí này rất thuận tiện bởi khi đi tắm, chúng ta có thể vào phòng thay đồ để lấy quần áo rồi sang phòng tắm luôn hoặc tắm xong có thể sang phòng thay đồ.
Phòng thay đồ trong phòng ngủ
Hiện nay, nhiều gia chủ đã thay thế chiếc tủ quần áo trong phòng ngủ bằng không gian thay đồ nhỏ gọn được thiết kế khoa học và thông minh. Với cách bố trí này, mặc dù phòng thay đồ không chứa được trang phục cho cả gia đình nhưng lại phục vụ hiệu quả cho việc sinh hoạt của chủ nhân chính căn phòng đó. Diện tích phòng thay đồ không cần lớn, chỉ một cánh cửa, vách ngăn là chúng ta đã có một phòng thay đồ xinh xắn, riêng tư, chứa đựng tất cả những vật dụng cần thiết, từ tủ, gương, bàn trang điểm…
Khu vực thay đồ chỉ chiếm khoảng 3m2 trong phòng ngủ nhưng vẫn có đầy đủ tính năng cần thiết.
Phòng thay đồ kết hợp phòng tắm
Nếu ngôi nhà không có đủ diện tích để bố trí một phòng thay đồ độc lập thì hãy tích hợp nó vào trong phòng tắm để tiết kiệm không gian và đảm bảo thuận tiện cho sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, phải ngăn cách giữa các không gian tắm và không gian thay đồ thật cẩn thận bởi phòng tắm là môi trường ẩm ướt trong khi phòng thay đồ cần thoáng sạch, khô ráo.
Một số vị trí khác
Nếu diện tích nhà quá nhỏ thì việc tận dụng một khoảng không gian cho phòng thay đồ cũng không phải là điều quá khó, đó có thể là những góc nhọn hay góc khuyết trong nhà. Trong trường hợp này, nên chọn giá, kệ, móc treo quần áo thay cho hệ thống tủ cồng kềnh để không gian thoáng đãng, tránh được ẩm mốc, đồng thời tạo sự tiện lợi cho người sử dụng.
Khi bố trí phòng thay đồ độc lập, có thể sử dụng cửa kính mờ, gỗ công nghiệp, cửa lùa nhôm kính. Phòng thay đồ kết hợp thì có thể không sử dụng cửa mà có thể chọn rèm mềm mại, bình phong hay kệ trang trí để phân chia không gian, mang lại cảm giác riêng tư là được.
Tận dụng góc chết trong nhà làm phòng thay đồ.
Diện tích phòng thay đồ
Diện tích phòng thay đồ rộng bao nhiêu là đủ? Trên thực tế, tùy thuộc vào nhu cầu của gia chủ và điều kiện về không gian mà kích thước phòng thay đồ cũng có phần khác nhau nhưng nhìn chung, một phòng thay đồ tiêu chuẩn cần có đầy đủ các công năng như khu vực để quần áo, khu vực để đồ lót, khu vực để giày dép, khu vực dành cho túi xách, ví bóp, thắt lưng, đồ trang sức… Ngoài ra, còn cần một khu vực nhỏ dành riêng để nước hoa. Với những yêu cầu như vậy, một phòng thay đồ độc lập thường có diện tích từ 5-25m2 với hệ tủ hiện đại chứa được nhiều đồ cá nhân khác nhau như quần áo, giày dép, phụ kiện cho tất cả các thành viên trong gia đình, riêng những phòng có nhiều cửa sổ thì sẽ cần diện tích lớn hơn. Còn với những không gian thay đồ kết hợp phòng ngủ hay phòng tắm thì chỉ nên bố trí khoảng 3-4m2 với những vật dụng cơ bản. Nếu phòng thay đồ nhỏ, nên hạn chế trổ cửa sổ để tăng không gian tủ dành để lưu trữ quần áo.
Lưu ý, phòng thay đồ quá nhỏ sẽ rất chật chội, gây bất tiện và khiến quần áo nhanh bị ẩm mốc, trong khi phòng thay đồ quá lớn sẽ làm tốn nhiều diện tích và phát sinh chi phí thiết kế, thi công và chi phí vật liệu.
Bài trí trong phòng thay đồ
Bố cục phòng thay đồ
Có 3 bố cục phòng thay đồ thông dụng là dạng tuyến tính (chữ I), dạng chữ U và dạng chữ L. Dù lựa chọn bố cục nào, bạn vẫn có thể bố trí đủ không gian cho quần áo, váy vóc, giày dép và phụ kiện thời trang. Bố cục chữ U phù hợp với những không gian thay đồ có 3 bức tường liền kề nhau. Trong khi đó, bố cục chữ L sẽ sử dụng 2 bức tường để bố trí hệ tủ. Cuối cùng, bố cục tuyến tính phù hợp với những căn phòng có ưu thế về chiều dài.
Mẫu thiết kế phòng thay đồ chữ U kết hợp bàn đảo.
Phong cách thiết kế
Có rất nhiều phong cách thiết kế phòng thay đồ, do vậy hãy tham khảo những ý tưởng có sẵn trên Pinterest hay các tạp chí nội thất. Lúc này, trong đầu bạn sẽ định hình được những ý tưởng thiết kế phòng thay đồ nhất định. Một trong những phong cách phổ biến nhất là đương đại, phù hợp với những người yêu thích sự hiện đại, gọn gàng, ngăn nắp.
Trang bị những gì trong phòng thay đồ
Việc tiếp theo cần làm là lên kế hoạch cho không gian lưu trữ. Xác định xem, bạn dự định sẽ cất giữ bao nhiêu đồ trong căn phòng này? Một khi đã biết chính xác số lượng cũng như chủng loại các món đồ, việc thiết lập không gian lưu trữ như tủ, kệ, giá treo, ngăn kéo… sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều, giúp bạn tránh được tình trạng thiếu, thừa không gian lưu trữ.
Hãy chọn nội thất và các kệ tủ thích hợp. Để ý kỹ, bạn sẽ thấy điểm đặc biệt của các phòng thay đồ là không sử dụng tủ kín thông thường mà sử dụng các loại tủ mở, kệ mở hoặc tủ cánh kính để việc quản lý trang phục trở nên dễ dàng hơn. Ngoài hệ thống tủ treo quần áo, kệ, ngăn kéo thì phòng thay đồ có thể được trang bị tủ giày giấu gọn trong tường và hệ thống móc treo thông minh. Cũng nên tận dụng lợi thế chiều cao của căn phòng để bố trí giá, kệ trên cao nhằm lưu trữ những đồ đạc ít dùng hoặc quần áo trái mùa.
Thật ngạc nhiên khi điểm nhấn quan trọng của cả phòng thay đồ lại là chiếc ghế nghỉ chân. Bạn sẽ ngồi tại đây khi thử giày, dép hoặc khi còn băn khoăn chưa biết phối chiếc áo nào với chân váy nào. Đây cũng là nơi mà bạn có thể đặt tạm vài chiếc váy chuẩn bị mang đi ủi, nơi những người bạn thân có thể ngồi chờ để góp ý cho bạn kiểu trang phục dạ hội nào lộng lẫy nhất...
Tất nhiên, bạn cũng cần nghĩ tới việc đặt một tấm gương ở chính giữa căn phòng để tiện chỉnh trang quần áo. Khoảng cách lý tưởng nhất để nhìn thấy bản thân trông ra sao trước gương là khoảng 1 mét. Nhằm tiết kiệm không gian, bạn có thể lắp gương ở mặt cánh cửa.
Với những phòng thay đồ sở hữu diện tích tương đối rộng, việc đặt một bàn đảo ở chính giữa là ý tưởng hay và là sự nâng cấp tuyệt vời cho không gian này. Chiếc bàn này cung cấp thêm diện tích sử dụng ở phía trên và không gian lưu trữ từ các ngăn kéo phía dưới. Tuy nhiên, khi quyết định bố trí bàn đảo trong phòng thay đồ, nhớ để lại một khoảng 90cm quanh đảo để bạn có thể đi lại dễ dàng.
Ánh sáng trong phòng thay đồ
Ánh sáng giúp mọi người dễ dàng quan sát khi chọn và thay trang phục, phụ kiện, đồng thời giúp không gian thoáng, sáng hơn, tránh được những nguồn bệnh gây ra bởi căn phòng tối tăm, ẩm mốc. Dưới đây là một số lời khuyên khi bố trí ánh sáng trong phòng thay đồ.
Bố trí đèn giữa các ngăn chứa đồ
Nếu tủ đựng đồ, giày dép, mũ nón là hệ thống tủ gồm nhiều ngăn thì hãy lắp đặt đèn ở giữa các tủ quần áo chứ đừng bao giờ để đèn sau lưng. Kiểu bố trí đèn như vậy vừa giúp căn phòng trở nên sang trọng, vừa tạo thành một hệ thống tiện lợi giữa các ngăn tủ và giúp bạn nhìn đúng màu quần áo, phụ kiện nhất.
Bổ sung thêm đèn vào các ngăn treo quần áo
Những ngăn tủ mà bạn thường xuyên sử dụng cần được lắp đặt thêm bóng đèn, giúp việc lựa chọn quần áo mỗi ngày trở nên nhanh chóng, tiện lợi hơn. Với khu vực tủ, kệ, bạn có thể sử dụng đèn compact nhằm tiết kiệm điện và cho nhiều ánh sáng hơn.
Ánh sáng tự nhiên trong phòng thay đồ
Nếu phòng thay đồ tiếp giáp với không gian ngoài trời, hãy nghĩ đến việc trổ cửa sổ nhằm tận dụng ánh sáng tự nhiên giúp căn phòng thoáng đãng, gần gũi và còn tránh được tình trạng ẩm mốc. Tuy nhiên, không nhất thiết phải có quá nhiều cửa sổ vì ánh sáng mặt trời dễ khiến quần áo nhanh bị bạc màu, nhất là những đồ đắt tiền như lông thú, vải lụa.
Dùng đèn chạy bằng năng lượng mặt trời
Trong trường hợp phòng thay đồ nằm ở tầng cao nhất hoặc tầng áp mái thì tại sao không thử lắp đặt đèn chạy bằng năng lượng mặt trời? Đây là loại đèn có bề mặt kim loại, phản chiếu ánh sáng tự nhiên từ trên mái vào bên trong tủ chứa đồ, giúp giảm đáng kể chi phí điện cho chiếu sáng.
Phòng thay đồ trên gác mái tận dụng ánh sáng tự nhiên từ trên cao. Nhà thiết kế sử dụng màu trung tính chủ đạo cho phù hợp với cả nam và nữ. |
Dùng đèn cảm biến LED
Đèn cảm biến hoạt động nhờ lực từ tạo ra mỗi khi chúng ta đóng, mở tủ nên rất phù hợp với phòng thay đồ. Hiện tại, đèn LED khá phổ biến trên thị trường với nhiều chủng loại và có chi phí khá thấp nên bạn sẽ dễ dàng tìm được một chiếc đèn có kiểu dáng phù hợp với căn phòng của mình.
Lắp đèn trần
Những phòng thay đồ may mắn sở hữu trần nhà cao thì nên lắp đặt thêm đèn trần, đèn chùm để không gian thêm phần cá tính và ấn tượng hơn.
Minh Châu
>> Chỉ 5m2 cũng đủ để có một phòng thay đồ xinh xắn