Không chỉ cửa ra vào mới quan trọng mà những ô cửa sổ tưởng chừng như nhỏ bé lại có tác động to lớn đến diện mạo và bầu không khí của ngôi nhà. Cửa sổ giúp căn nhà trở nên thoáng đãng tự nhiên, là cửa ngõ kết nối con người với thiên nhiên. Để có những ô cửa xinh xắn, hợp lý trong nhà thì đừng bỏ qua những lưu ý dưới đây.
Vị trí và hướng mở cửa sổ
Cửa sổ là mối liên kết không gian đặc biệt quan trọng giữa bên trong và bên ngoài ngôi nhà, chính vì thế, việc đặt vị trí và hướng của cửa sổ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hòa không khí lưu thông trong nhà và vẻ đẹp của căn nhà.
Sẽ thật sai lầm khi bạn lựa chọn vị trí mở cửa ở nơi thiếu ánh sáng, yếm khí và u ám bởi khi đó tiện ích của cửa sổ đã bị bỏ qua, đồng thời không gian sống cũng trở nên lãng phí. Nên mở cửa sổ ở nơi thoáng đãng để tầm nhìn không bị hạn chế và mang đến luồng không khí tươi mới cho căn phòng. Nhìn từ góc độ phong thủy, mở cửa sổ ở nơi thông thoáng còn mang đến vận khí tốt và những điều may mắn cho người sống trong nhà.
Cửa sổ mở ở hướng Đông giúp phòng khách đón được ánh nắng mai ấm áp.
Hướng tốt nhất để mở cửa sổ là hướng Đông Nam. Đây là hướng đông ấm, hè mát. Ngoài ra, cũng có thể cân nhắc mở cửa sổ ở hướng Nam, Bắc và Đông. Tránh mở cửa sổ ở hướng Tây vì đây là hướng ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào khiến ngôi nhà bức bối, đặc biệt là trong những ngày hè. Mặt khác cũng cần quan tâm tới hướng và vật cản phía trước cửa sổ như đá nhọn, cây khô, góc nhà hàng xóm.
Thiết kế cửa sổ với kích thước phù hợp
Cửa sổ quá nhỏ khó đón được ánh sáng và luồng không khí trong lành, hạn chế tầm nhìn, hạn chế sự kết nối với bên ngoài, làm mất đi giá trị cửa sổ. Trong khi đó, cửa quá lớn sẽ choán hết phần diện tích và không gian trong phòng, làm nhiễu loạn trường khí trong nhà và gây ảnh hưởng đến kiến trúc phòng. Việc trang trí nhà và cửa sổ trong trường hợp này cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
Cửa sổ nên có kích thước vừa phải, cân đối với diện tích căn phòng, diện tích nhà. Lời khuyên dành cho bạn là lựa chọn kích thước theo nguyên tắc 3:1, tức là kích cỡ cửa sổ không vượt quá 30% kích cỡ cửa chính. Mặt khác, độ cao cửa sổ phải vượt quá độ cao trung bình của mọi người trong nhà, tạo cảm giác thoải mái khi đứng từ bên trong quan sát ra ngoài. Chiều cao cửa sổ thông thường nên cách sàn 80cm nhưng nếu ngôi nhà không cao lắm thì có thể trổ cửa sổ xuống sát sàn hoặc bằng chiều cao tối thiểu của thành giường (45cm) nhằm tận dụng được luồng khí tự nhiên.
Bên cạnh đó, các hướng của ngôi nhà sẽ có mức ánh sáng và lưu lượng gió khác nhau. Nếu cửa ra vào nhà, phòng đã rộng, đón được nhiều ánh sáng tự nhiên thì nên thiết kế cửa sổ nhỏ lại. Còn nếu cửa ra vào nhỏ, hẹp thì nên thiết kế cửa sổ rộng rãi để đón được nhiều ánh sáng, từ đó cân bằng lượng ánh sáng và không khí trong nhà.
Số lượng cửa sổ hợp lý
Trong không gian gia đình, số lượng cửa sổ nên vừa phải để đảm bảo sự lưu thông không khí giữa trong và ngoài nhà. Tránh làm quá nhiều cửa sổ sẽ làm mất cân bằng luồng khí, khiến cuộc sống gia đình căng thẳng, bị xáo trộn, mọi người trở nên bất an, khó tìm được cảm giác thư thái. Tuy nhiên, cũng không nên làm quá ít cửa sổ vì không khí bên trong sẽ bị đọng lại, không thu nạp được luồng khí mới, nhà trở nên tù túng. Về lâu, về dài, điều này sẽ gây nên tâm lý ức chế, ngột ngạt, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các thành viên trong nhà.
Quá nhiều cửa sổ chưa chắc đã tốt.
Lựa chọn cửa sổ sao cho hiệu quả?
Có nhiều loại cửa sổ với ưu, nhược điểm riêng, phù hợp với từng thiết kế nhà và yêu cầu của gia chủ. Có thể phân loại cửa sổ theo những tiêu chí sau:
Theo chức năng sử dụng
- Cửa sổ lấy sáng: Đây là loại cửa sử dụng kính hoặc vật liệu cho ánh sáng xuyên qua. Loại cửa này phù hợp với các mảng tường hướng Bắc, Nam, Đông Bắc, là các hướng ít bị ảnh hưởng bởi ánh nắng hè gay gắt. Có thể kết hợp thêm rèm, mảnh để điều chỉnh lượng sáng và đảm bảo tính riêng tư.
- Cửa sổ ngăn sáng: Loại cửa này làm bằng vật liệu đặc như gỗ, kim loại, nhựa, có hoặc không có lá chớp, phù hợp với mảng tường ở hướng Đông và Tây bởi tác dụng ngăn cản ánh sáng.
Cửa gỗ lá chớp cản sáng nhưng vẫn cho phép lưu thông không khí.
Phân theo cấu tạo
- Cửa mở trượt: Cửa mở trượt hay được dùng bởi có giá thành rẻ và hệ phụ kiện đơn giản. Tuy vậy, kiểu cửa này có nhược điểm là cấu tạo hai cánh trượt song song với nhau hình thành khe hở ở giữa hai cánh. Dù các nhà sản xuất đã cố gắng khắc phục bằng cách dùng chổi quét chặn khe hở nhưng vẫn chưa thể đảm bảo độ kín, khít tuyệt đối. Mặt khác, cửa mở trượt chỉ mở được ½ diện tích cửa.
- Cửa sổ mở quay: Cửa sổ mở quay tương tự như cửa ra vào thông thường nhưng với kích thước khung cánh nhỏ hơn, có thể gồm một hoặc nhiều cánh. Tùy vào thiết kế và loại bản lề sử dụng mà cửa có các góc mở khác nhau. Loại cửa này thông gió tốt và cung cấp nhiều ánh sáng vào trong phòng, phù hợp bố trí ở hướng có tầm nhìn đẹp.
- Cửa sổ mở hất chữ A: Loại cửa này được sử dụng khi có không gian mở cửa đẩy ra bên ngoài, bản lề ở trên đỉnh, mở ra ngoài từ bên dưới. Ưu điểm của cửa mở hất chữ A là có thể mở trong mọi điều kiện thời tiết, cho phép bạn tận hưởng làn gió mát lành và tránh mưa hắt vào phòng, phù hợp với các phòng ở nhà cao tầng và không có ô văng cửa sổ.
- Cửa sổ mở quay quanh trục giữa cánh: Loại cửa này lại có hai loại là quay quanh trục đứng hoặc quay quanh trục ngang. Trong đó, loại quay quanh trục đứng được sử dụng nhiều bởi khả năng thông gió tốt, phù hợp với những căn phòng mang phong cách hiện đại.
- Cửa sổ cố định: Nhiều người còn gọi là vách cố định. Loại cửa này dùng để lấy sáng và cho tầm nhìn thoáng đãng nhưng không mở được, không cho lưu thông gió giữa bên trong và bên ngoài. Người ta thường sử dụng cửa sổ cố định cho các không gian lớn có tầm nhìn đẹp hoặc các phòng trên cao cần độ sáng nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn. Có thể kết hợp cửa cố định với cửa mở để mở rộng tối đa diện tích cửa sổ.
Về chất liệu cửa sổ
Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, càng có nhiều loại vật liệu mới được đưa vào sử dụng trong xây dựng với giá thành hợp lý và tính thẩm mỹ cao. Bên cạnh các loại cửa gỗ tự nhiên truyền thống thì con có nhiều chất loại khác để người dùng lựa chọn như gỗ nhân tạo, cửa kính… Mặt khác, khung cửa sổ cũng đa dạng hơn, biến hóa từ nhiều chất liệu như sắt, thép, nhôm, inox hay nhựa…
Cửa gỗ
Theo truyền thống, cửa sổ được làm từ gỗ. Cho đến tận ngày nay, người ta vẫn sử dụng vật liệu này để làm cửa ra vào, cửa sổ bởi gỗ cực kỳ linh hoạt. Độ bền của cửa gỗ tự nhiên phụ thuộc vào chất gỗ. Đối với loại gỗ cứng cao, chống mối mọt tốt như gỗ gụ, lim thì độ bền cửa có thể đạt từ vài chục cho tới cả trăm năm. Các loại gỗ mềm ít được sử dụng làm cửa vì nhanh hỏng, dễ mối mọt, độ bền chỉ đạt khoảng vài năm.
Cửa làm từ gỗ công nghiệp có độ bền thấp hơn, dao động dưới 10 năm.
Cửa nhựa lõi thép
Bởi tính chất không dẫn điện, dẫn nhiệt nên cửa nhựa lõi thép khá an toàn, cách âm, cách nhiệt tốt. Ưu điểm lớn nhất của cửa nhựa lõi thép là tuổi thọ cao, không bị oxy hóa bởi axit hay muối như cửa nhôm, không bị ăn mòn. Ngoài màu trắng phổ thông, cửa nhựa lõi thép còn có loại vân gỗ giống như thật, mang đến vẻ đẹp sang trọng cho ngôi nhà.
Tuy vậy, cửa nhựa lõi thép không phải là lựa chọn lý tưởng cho vị trí mặt tiền với điều kiện thời tiết như ở Việt Nam bởi đây là vị trí thường xuyên tiếp xúc với nắng mưa khiến cửa nhựa dễ co ngót, nứt rạn và phai màu theo thời gian. Bên cạnh đó, cửa nhựa rẻ tiền có thể bị bột và gây tác động đến môi trường.
Cửa sổ nhựa lõi thép được sử dụng khá phổ biến.
Cửa nhôm
Với những ngôi nhà cần nhiều ánh sáng tự nhiên, cửa nhôm kính có lẽ là một lựa chọn tuyệt vời. Khung nhôm dù mỏng vẫn có thể hỗ trợ tấm kính có diện tích lớn. Tuy nhiên, do đặc tính dẫn nhiệt của nhôm mà cửa sổ làm từ vật liệu này thường làm thất thoát nhiệt ra bên ngoài và dễ xảy ra hiện tượng ngưng tụ. Nhằm hạn chế tình trạng thất thoát nhiệt, có thể sử dụng kính hai lớp. Nhiều nhà sản xuất còn phủ thêm một lớp bảo vệ trên khung nhôm để ngăn tình trạng han gỉ. Cửa nhôm không chỉ bền mà còn ít cần bảo trì.
Bố trí cửa sổ tại các phòng ra sao?
Phòng khách
Phòng khách vốn là không gian có tần suất sử dụng nhiều nhất trong nhà, số lượng người sinh hoạt, đi lại qua đây cũng nhiều nên đòi hỏi phải thông thoáng, ánh sáng chan hòa. Thông thường, người ta sẽ bố trí số lượng cửa sổ ở phòng khách nhiều hơn so với các phòng khác trong nhà nhằm tạo được cảm giác khoáng đạt, thoải mái.
Cửa sổ phòng khách cần được bố trí ở nơi đón gió tốt, có nhiều ánh sáng, tốt nhất là hướng Đông Nam của ngôi nhà. Hơn nữa, thay vì bố trí lắt nhắt nhiều cửa sổ thì nên dành một khoảng diện tích rộng, thậm chí là cả một mảng tường bằng vách kính để tạo góc nhìn thoáng và rộng.
Phòng ngủ
Phòng ngủ có diện tích khá nhỏ và thường chỉ có một nơi duy nhất lấy ánh sáng tự nhiên là cửa sổ. Khác với phòng khách, vị trí trổ cửa sổ phòng ngủ thường khá hạn chế vì đây vốn là khu vực nghỉ ngơi, ánh sáng cần đủ nhưng không nên quá chói.
Không nên trổ cửa sổ ở vị trí đầu giường hoặc hướng thẳng vào mặt người nằm. Cửa sổ hướng Tây cũng không được khuyến khích vì có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe của người ở trong đó.
Riêng với phòng ngủ của trẻ, không nên trổ quả nhiều cửa sổ hay thiết kế cửa quá to. Trẻ nhỏ rất hiếu động, thích leo trèo nên để đảm bảo an toàn, cửa sổ phải có song gỗ, khung sắt hay lưới bảo vệ.
Phòng tắm
Trước đây, phòng tắm thường nhỏ gọn, được bố trí ở nơi kín đáo, ít người thấy. Tuy nhiên, quan niệm thiết kế hiện đại đã thay đổi. Phòng tắm ngày càng được mở rộng nhằm đưa ánh sáng tự nhiên vào trong, giúp căn phòng luôn khô thoáng, sạch sẽ, ngăn ngừa ẩm mốc chứ không còn tối tăm, ẩm mốc. Chính vì vậy, cửa sổ phòng tắm có thể mở rộng tối đa về kích thước nhưng cần đảm bảo sự riêng tư nhất định bằng các biện pháp che chắn như trồng cây xanh, lắp rèm cửa, dán giấy mờ.
Lắp đặt thêm rèm cho cửa sổ phòng tắm để đảm bảo tính riêng tư.
Phòng bếp
Tất nhiên, không phải gian bếp nào cũng có cửa sổ. Tuy nhiên, nếu căn bếp nhà bạn may mắn nằm ở vị trí có thể trổ cửa sổ, hãy bố trí cửa sao cho khoa học. Cửa sổ bếp nên bố trí về hướng Đông để đón ánh sáng dịu nhẹ của buổi sáng và làm dịu sức nóng trong quá trình nấu nướng. Bên cạnh đó, cần tránh hướng gió thổi mạnh lùa vào nhà qua cửa sổ bếp nếu không muốn mùi dầu mỡ, thức ăn lan tỏa khắp nhà. Cửa sổ trong bếp nên cao hơn thành bệ bếp để ngăn nước văng ra và có thể tận dụng để đặt các vật dụng.
Rèm cửa
Rèm cửa có tác dụng giảm bớt cường độ ánh sáng, mang đến cảm giác dịu nhẹ cho ngôi nhà và còn cản bụi từ bên ngoài. Theo nguyên tắc, nếu cửa sổ ở hướng đón nắng thì nên chọn rèm làm từ chất liệu dày dặn, màu sắc đậm hơn. Ngược lại, nếu cửa sổ khuất hướng nắng thì có thể dùng loại rèm mỏng, màu sắc nhạt.
Lưu ý yếu tố phong thủy khi thiết kế cửa sổ
- Cửa sổ mở vào trong khi sử dụng cánh cửa mở vào trong hoặc loại cửa hướng vào bên trong nhà. Tuy nhiên, theo phong thủy nhà ở, loại cửa sổ này có thể gây bất lợi cho đường công danh, sự nghiệp của các thành viên trong nhà.
- Cửa sổ đối diện với đường thẳng, dài được xem là điềm xấu trong phong thủy. Những chiếc xe di chuyển trên con đường nhộn nhịp lái thẳng về phía cửa sổ có thể gây bất lợi cho sức khỏe và sự giàu có của gia chủ.
- Trong bối cảnh đất chật người đông, các chủ đầu tư thường xây nhiều tòa nhà chọc trời san sát nhau dẫn tới tình trạng cửa sổ các tòa nhà đối diện nhau. Từ góc độ phong thủy, cửa sổ đối diện nhau là dấu hiệu của sự phá sản.
- Cần tránh trổ cửa sổ đối diện với cửa ra vào nếu không muốn tiền tài, danh vọng tiêu tan vì khi đó, các nguồn năng lượng đi vào cửa chính bị hút ra ngoài qua cửa sổ theo một đường thẳng. Trong trường hợp không tìm được phương án bố trí khác thì có thể hóa giải bằng cách treo rèm hoặc đặt chậu cây cảnh trước cửa sổ để giữ lại vượng khí trong nhà.
- Cửa sổ đối diện hay nhìn thấy hình chữ thập đều không tốt. Bởi, chữ thập đại diện cho bệnh viện, tôn giáo (cây thánh giá) có thể tác động xấu đến sức khỏe, làm kích động tinh thần.
- Cửa sổ giống như đôi mắt của ngôi nhà nên cần được lau chùi, vệ sinh sạch sẽ để dễ dàng đón sáng, đón không khí trong lành, tăng khả năng giao hòa giữa con người và thế giới bên ngoài.
Minh Châu (T.H)
>> Kiến thức phong thủy phải biết cho cửa sổ nhà ở