Đây chính là khuyến cáo của ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đến các doanh nghiệp kinh doanh BĐS.
Có thể nói, hiện thị trường BĐS đang đi đúng hướng như những gì mà ông Nguyễn Trần Nam đã nhận định ngay từ thời điểm đầu năm 2015. Đối với tốc độ tăng trưởng GDP, Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP 7 tháng đầu năm đạt khoảng từ 6,3-6,4%, chắc chắn sẽ đạt được mốc 6,5% như kế hoạch đã đặt ra và theo ông đây chính là con số cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Vì thế, theo ông Nam, thị trường BĐS vừa là động lực góp phần vào tăng trưởng nền kinh tế của quốc gia và cũng là thị trường sẽ được hưởng thành quả của sự tăng trưởng kinh tế này. Để minh chứng cho điều mình nói, ông Nam đã đưa ra con số cụ thể của thị trường BĐS để nói lên sự tăng trưởng trở lại, sự phát triển mang tính bền vững, ổn định hơn của thị trường.
Theo đó, từ quý 1/2013 đến nay, lượng giao dịch BĐS liên tục tăng. Chỉ 7 tháng đầu năm nay, thị trường Tp.HCM và Hà Nội đã có khoảng gần 25.000 giao dịch thành công. Con số này chỉ tính giao dịch giữa chủ đầu tư bán ra thị trường cho khách hàng, chứ chưa tính tới số lượng giao dịch trên thị trường thứ cấp.
Chủ tịch Hiệp Hội BĐS Việt Nam nhận xét, đây là con số ấn tượng vì trong cả năm 2014 chỉ đạt khoảng 22.000 giao dịch, trong khi chỉ 7 tháng đầu năm 2015 đã đạt đến 25.000 giao dịch.
Ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, doanh nghiệp BĐS không nên tăng giá bán nhà lên lúc thị trường khởi sắc, cần đưa ra giá bán hấp dẫn, hợp lý để có thể đưa sản phẩm đến những người có nhu cầu nhà ở. |
Khi số lượng giao dịch tăng gấp đôi nhưng giá bán nhà tăng không đáng kể mà chỉ tăng tại một số dự án có vị trí đẹp, khoảng từ 1-3%. So với trước, số lượng hàng tồn kho đã giảm một nửa, hiện nay chỉ còn xấp xỉ 60.000 tỷ đồng (trước đây là 1.300 tỷ đồng).
Ông Nam nói, doanh nghiệp BĐS phải nhìn nhận thị trường cũng như đưa ra chiến lược kinh doanh dài hạn để tránh lặp lại vết xe đổ khi thấy thị trường đã có chút khởi sắc đã tìm cách tăng giá bán lên, hưởng lời thái quá thì sẽ tạo ra sự không tốt cho thị trường. Ngoài cơ chế chính sách điều hành của Chính phủ, bản thân doanh nghiệp cũng cần phải có trách nhiệm, có hướng nhìn xa hơn trong việc tham gia bình ổn thị trường và những doanh nghiệp lớn được hưởng lợi nhuận lâu dài.
Theo khuyến cáo của vị lãnh đạo này, doanh nghiệp nên có sản phẩm nhà ở thích hợp, hấp dẫn để có thể đưa được sản phẩm nhà ở tới tận tay người sử dụng, tới được đa số người dân đang có nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam.
Ngoài ra, với hàng loạt dấu hiệu khả quan khác có thể khiến BĐS sẽ tiếp đà tăng trưởng như: dòng tiền hiện tại của người dân, trong ngân hàng, trong kiều hối, trong đầu tư nước ngoài đều được hướng mạnh vào thị trường BĐS. Các ngân hàng thương mại có tổng dư nợ trong thị trường BĐS hiện tại khoảng 350.000 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2009 là 180.000 tỷ đồng, nghĩa là sau 5 năm thì dư nợ của ngân hàng vào BĐS tăng gấp đôi.
Mặt khác, vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài của BĐS đứng thứ 2, sau lĩnh vực thiết bị máy móc, chế biến, trên 10% FDI và khoảng 25% số lượng kiều hối, khoảng 11 tỷ USD của năm nay cũng được đưa vào thị trường BĐS.
Thêm nữa, nhiều Luật liên quan tới kĩnh vực nhà ở như Luật Nhà ở, Luật kinh doanh BĐS, Luật đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và những văn bản dưới luật liên quan cũng đã được ban hành khiến người mua nhà yên tâm hơn khi tham gia vào các giao dịch mua bán nhà ở.
Theo nhận định Giáo sư Đặng Hùng Võ ngay từ đầu năm 2015, với hệ thống văn bản pháp luật về đất đai đã có nhiều thay đổi và sẽ có tác động tích cực tới thị trường BĐS. Năm nay, lượng giao dịch sẽ nhiều hơn và thị trường sẽ ấm hơn không chỉ ở phân khúc giá thấp mà cả ở phân khúc cao cấp và trung bình. Có lẽ, điều đó đang đúng với những gì đang diễn ra tạu thị trường BĐS hiện nay.