Hiện nay, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư về môi giới BĐS, sàn giao dịch BĐS để hướng dẫn Nghị định do Chính phủ ban hành quy định chi tiết thực hiện Luật Kinh doanh BĐS 2014.
Dự thảo trên cho thấy, Bộ Xây dựng là cơ quan tổ chức thi sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới. Vì thế, quy chế thi, Hội đồng thi sát hạch... sẽ do bộ này quyết định, thành lập.
Ghi nhận của phóng viên qua trao đổi với một số lãnh đạo hiệp hội BĐS trên toàn quốc cho thấy, họ muốn các hiệp hội sẽ đứng ra tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ trên.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định, giao công việc trên cho các hiệp hội trong ngành BĐS, có thể là môi giới BĐS hoặc hiệp hội BĐS ở các tỉnh, thành phố sẽ phù hợp với thông lệ quốc tế. Tại các nước tiên tiến, các kỳ thi sát hạch này sẽ do các hiệp hội nghề nghiệp BĐS đứng ra tổ chức.
Theo ông Châu, việc làm trên sẽ giúp nâng cao vai trò của tổ chức hiệp hội và tách bạch chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng. Ông Châu cho biết, Bộ Xây dựng chỉ nên là cơ quan giám sát, kiểm tra các hiệp hội tổ chức những kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ này.
Khách hàng đang được nhân viên kinh doanh BĐS tư vấn. Ảnh: Mạnh Tùng |
Đồng tình với quan điểm trên, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) Nguyễn Ngọc Thành cho rằng, để kiểm tra, đánh giá năng lực môi giới BĐS của người dự thi, hơn ai hết, các hiệp hội BĐS sẽ có chuyên môn tốt nhất.
Nhưng ông Thành cũng e ngại về kiến nghị này, khi các hiệp hội BĐS của tỉnh, thành phố trên toàn quốc có quy mô hoạt động khác nhau, không phải hiệp hội nào cũng đủ điều kiện đứng ra tổ chức một kỳ thi.
Trên thực tế, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Cần Thơ (CaREA) Trịnh Quang Tiến cũng tỏ vẻ e ngại trước câu hỏi, liệu CaREA có đủ sức để tổ chức một kỳ thi cấp chứng chỉ môi giới không? Nhưng ông Tiến cũng nhận định, Bộ Xây dựng làm việc này là không hợp lý mà nên giao cho các cơ quan cấp địa phương.
Theo dự thảo Thông tư nêu trên, người được đăng ký dự thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chỉ cần đáp ứng điều kiện là có bằng tốt nghiệp THPT và giấy chứng nhận đã hoàn thiện khóa học bồi dưỡng kiến thức về môi giới BĐS. Như vậy, điều kiện học vấn này đã giảm đi đáng kể vì Bộ Xây dựng đề nghị người môi giới BĐS phải có bằng đại học khi lấy ý kiến cho Luật Kinh doanh BĐS 2014.
Dự thảo cũng cho thấy, người dự thi sát hạch đạt điểm theo quy định thì được Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS đề xuất Bộ trưởng Bộ Xây dựng cấp cho chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.
Dưới góc cạnh khác, theo ghi nhận của phóng viên, hồi đầu năm 2015, hàng chục doanh nghiệp kinh doanh BĐS đã đăng tuyển nhân viên kinh doanh với số lượng từ vài chục tới vài trăm người. Tuy nhiên, đến giờ, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đạt được kế hoạch bởi đang có sự lôi kéo, giằng co nhân sự giữa các công ty.
Đơn cử, Tổng giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch BĐS Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Land) Nguyễn Nam Hiền cho biết, công ty hiện mới tuyển được khoảng một nửa trong con số 200 nhân viên kinh doanh căn cứ vào kế hoạch hồi đầu năm 2015. Ông Hiền nói: “Người ứng tuyển rất nhiều nhưng chúng tôi muốn tuyển nhân sự chất lượng cao nên sàng lọc kỹ lưỡng”.
Theo nhận định của ông Châu (HoREA), hiện nay, nguồn nhân lực môi giới BĐS có tay nghề, trình độ cao đang khan hiếm. Ông Châu đánh giá, muốn phát triển trong tình hình thị trường hiện tại, người làm nghề môi giới phải có am hiểu lĩnh vực BĐS, có kỹ năng tư vấn khách hàng, giao tiếp, thuyết phục chứ không còn là những "cò" địa ốc đơn thuần như trước đây.