Một chị tên Thanh đăng ký mua một căn hộ tại dự án Chung cư trên đường Thanh Trì, Hà Nội vào cuối năm 2010. Giá căn hộ khi đó là 12 triệu đồng/m2. Ngoài số tiền phải nộp để mua căn hộ chị còn mất thêm 3,5 triệu mỗi m2 tiền "chênh" cho đơn vị môi giới. Tổng cộng số tiền chị phải thành toán trong đợt một là 360 triệu đồng.
Nhiều dự án chậm tiến độ nhưng khách hàng không thể đòi được tiền của chủ đầu tư hoặc chấp nhận phương án thanh toán nhỏ giọt. Ảnh: HL |
Nhưng sau 6 tháng ký hợp đồng góp vốn, thị trường rơi vào giai đoạn khủng hoảng còn dự án trên thì dậm chân tại chỗ, hiện chỉ là bãi đất trống. Chị Thanh đã cùng 200 người mua nhà dự án này nhiều lần kéo nhau đến tận trụ sở công ty tại Thuận Thành, Bắc Ninh để đòi lại tiền nhưng chưa hề nhận được đồng nào.
Chị Thanh cho biết: "Sau năm lần bảy lượt đến đòi, chủ đầu tư không chịu trả tiền mà giờ lại hứa đang tiến hành thủ tục khởi công lại dự án. Khách hàng sẽ được mua nhà theo đơn giá cũ, còn nếu muốn hoàn lại vốn thì công ty sẽ thanh toán làm 4 đợt, nhưng không nói rõ thời hạn trả trong bao lâu".
Chị Thanh vô cùng bức xúc khi đơn vị này cho biết sẽ không trả lại chị khoản tiền chênh 200 triệu, như vậy chị sẽ chỉ được trả lại 160 triệu, và còn chưa biết đến khi nào mới được nhận số tiền này.
Tương tự, một chị tên mai cũng bỏ ra hơn 600 triệu để mua căn hộ của một dự án tại Hà Đông. Dự án này cũng huy động vốn từ đầu năm 2010 nhưng hiện tại vẫn chưa thấy triển khai dự án. Trước sức ép của khách hàng, doanh nghiệp này đã đồng ý trả lại số tiền góp vốn. Thế nhưng doanh nghiệp này tuyên bố chỉ trả lại 20 triệu đồng mỗi tháng. Như vậy chị Mai sẽ phải chờ 3 năm mới nhận đủ số tiền của mình đã bỏ ra.
Anh Ninh (Thanh Xuân) cũng chịu thiệt đơn thiệt kép khi dự án anh mua cách đây mấy năm tại Mê Linh cũng chậm tiến độ. Đến nay, dự án này mới triển khai xong phần hạ tầng còn vẫn nằm đắp chiếu. Thay vì trả lại tiền vốn góp, chủ đầu tư dự án này lại hứa trả cho khách hàng bằng một căn hộ tại một dự án khác ở Hà Đông cũng của đơn vị này.
"Tuy nhiên, ngay cả tòa nhà này hiện giờ cũng mới bắt đầu triển khai phần móng. Hơn nữa, giá trị căn hộ chỉ bằng khoảng 70% số tiền chúng tôi đã nộp trước đó để mua dự án tại Mê Linh. Số tiền chênh hơn 200 triệu trước đây trả cho sàn cũng coi như mất", anh Ninh chua xót nói.
Rõ ràng khách hàng đang phải nuốt cục tức khá to, nhưng tại sao họ không kiện chủ đầu tư ra tòa? Theo Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng luật BQH và cộng sự, do không tìm hiểu kỹ trước khi đặt bút ký mua nhà, người mua không hề biết rằng những điều khoản trong hợp đồng mua căn hộ là thỏa thuận dân sự. Những nội dung trong đều do chủ đầu tư soạn thảo theo hướng có lợi cho mình. Cho nên nếu kiện ra tòa, người mua nhà cũng vẫn là bên chịu thiệt.
"Các nội dung như chậm bàn giao nhà, phạt lãi suất... hoặc phương án xử lý khi có sự cố trong các hợp đồng trước đây thường ít khi được đề cập đến. Trong khi người mua nhà nếu vi phạm các điều khoản thì lại bị phạt hoặc thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, khi thị trường sốt, nhà đầu tư chưa lường trước được những hệ lụy này, do đó đến nay kể ra ra tòa cũng khó giành được lợi thế", luật sư Hưng cho biết.
Vì thế theo ông Hưng người mua nhà nên tham khảo kỹ nội dung hợp đồng hoặc tìm đến dịch vụ trợ giúp về pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.
Nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong một cuộc hội thảo mới đây đã nhận định: Tại Việt Nam, các chính sách bảo vệ quyền lợi của bên mua bất động sản chưa thực sự tốt. Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng khiếu kiện hoặc lừa đảo. Vì thế Chính phủ, các nhà làm luật cần có cơ chế để đảm bảo những cam kết của người bán phải được thực thi. Có như vậy mới gây dựng được niềm tin với thị trường,