1. Đất Rừng Sản Xuất Là Gì?
Theo quy định của Luật đất đai 2013, Điểm C, Khoản 1, Điều 10, đất rừng sản xuất thuộc nhóm đất nông nghiệp, được sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc nuôi trồng thủy sản. Cụ thể:
- Đất rừng sản xuất được sử dụng nhằm mục đích kinh doanh sản xuất gỗ cây, lâm sản, các động vật rừng…
- Đất rừng sản xuất phục vụ công tác phòng hộ rừng, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái.
Nhiều người không biết đất rừng sản xuất là gì
Đất rừng sản xuất phải tuân thủ theo những quy định sử dụng của đất nông nghiệp nói chung, đất rừng sản xuất nói riêng. Theo quy định, Nhà nước sẽ giao quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình với những mục đích sử dụng khác nhau.
- Nếu đất rừng sản xuất do tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng thì sẽ được phép kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái môi trường dưới tán rừng.
- Nếu đất rừng sản xuất tập trung ở những nơi xa khu dân cư, không thể giao cho các cá nhân quản lý, thì Nhà nước sẽ giao cho tổ chức để bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Ký Hiệu Đất Rừng Sản Xuất Là Gì?
Nhiều người không biết ký hiệu RSX là đất gì khi thấy trên bản đồ địa chính của sổ đỏ. Theo quy định, ký hiệu đất RSX chính là ký hiệu đất rừng sản xuất.
Nhóm đất nông nghiệp | Kí hiệu |
---|---|
Đất chuyên trồng lúa nước | LUC |
Đất trồng lúa nước còn lại | LUK |
Đất lúa nương | LUN |
Đất bằng trồng cây hàng năm khác | BHK |
Đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác | NHK |
Đất trồng cây lâu năm | CLN |
Đất rừng sản xuất | RSX |
Đất rừng phòng hộ | RPH |
Đất rừng đặc dụng | RDD |
Đất nuôi trồng thủy sản | NTS |
Đất làm muối | LMU |
Đất nông nghiệp khác | NKH |
Bảng ký hiệu các loại đất nông nghiệp trên bản đồ địa chính
>> 3 cách đọc bản đồ quy hoạch sử dụng đất dựa trên ký hiệu, màu sắc
Phân Loại Đất Rừng Sản Xuất
Đất rừng sản xuất được phân chia thành 2 loại:
- Đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên
Bao gồm rừng được phục hồi bằng cách khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và rừng tự nhiên.
Đối với đất rừng tự nhiên, Khoản 33, Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định: Nhà nước sẽ giao đất và không thu tiền sử dụng đất cho tổ chức quản lý rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tuy nhiên, nếu các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư đang sinh sống trong khu vực đất rừng tự nhiên chưa có tổ chức quản lý rừng, có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng thì sẽ được Nhà nước giao đất rừng tự nhiên và không thu tiền sử dụng đất để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp khai thác các loại ích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng.
- Đất rừng sản xuất là đất rừng trồng
Bao gồm rừng trồng bằng vốn chủ sở hữu và rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước.
Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất là đất rừng trồng theo quy định tại Khoản 2, Điều 135 Luật Đất đai 2013 như sau:
a) Giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo hạn mức quy định tại điểm b khoản 3 Điều 129 của Luật này để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Đối với diện tích đất rừng sản xuất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng vượt hạn mức thì phải chuyển sang thuê đất;
b) Cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng;
c) Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để trồng rừng hoặc trồng cây lâu năm.
Hạn Mức Giao Đất Rừng Sản Xuất
Theo quy định pháp luật hiện hành, hạn mức đất rừng sản xuất giao cho mỗi hộ gia đình tối đa là 30 ha. Nếu được giao thêm thì tối đa là 25 ha.
Thời Hạn Giao Đất Rừng Sản Xuất
Thời hạn giao đất rừng sản xuất được cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, quyết định trên cơ sở đơn xin giao đất, thuê đất hoặc dự án đầu tư nhưng không quá 50 năm.
Đất rừng sản xuất được Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình theo quy định pháp luật
2. Đất Rừng Sản Xuất Được Trồng Cây Gì?
Đất rừng sản xuất hiện nay là loại đất được sử dụng với mục đích chủ yếu là trồng các loại cây lấy gỗ, lâm sản, đặc sản rừng, động vật rừng và phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái. Vậy cụ thể cây được trồng trên đất rừng sản xuất là gì?
Tuy pháp luật không có quy định loại cây trồng trên đất rừng sản xuất là cây gì một cách rõ ràng và cụ thể, nhưng với các quy định hiện tại chúng ta có thể hiểu rằng loại đất này được sử dụng để trồng các loại cây lấy gỗ lâu năm, từ đó sẽ cung cấp nguồn gỗ nhiên liệu cho thị trường một cách dồi dào khi được đầu tư khai thác đúng cách.
3. Đất Rừng Sản Xuất Trồng Cây Ăn Quả Được Không?
Đất rừng sản xuất trồng cây ăn quả được không cũng là thắc mắc của nhiều người. Theo quy định của pháp luật thì đất rừng sản xuất và đất trồng cây ăn quả là hai loại đất khác nhau. Đất rừng sản xuất thuộc nhóm đất nông nghiệp còn đất trồng cây ăn quả thuộc nhóm đất trồng cây lâu năm, mục đích sử dụng là trồng những loại cây ăn quả được trồng một lần, sinh trưởng trong nhiều năm và cho thu hoạch.
Vì thế, trên đất rừng sản xuất không được phép trồng cây ăn quả. Nếu chủ sở hữu muốn trồng cây ăn quả, cần tiến hành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc này.
4. Đất Rừng Sản Xuất Có Được Chuyển Nhượng Không?
Điều kiện để chuyển nhượng đất rừng sản xuất là có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án, đất không có tranh chấp và trong thời hạn sử dụng đất.
Bên cạnh đó, hạn mức đất rừng sản xuất được chuyển nhượng hợp pháp là:
- Tối đa 150 ha đối với đất rừng sản xuất tại các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng.
- Tối đa 300 ha đối với đất rừng sản xuất tại các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
Đất rừng sản xuất hoàn toàn có thể chuyển nhượng
>> Chuyển nhượng là gì? 3 bước chuyển nhượng quyền sử dụng đất
5. Đất Rừng Sản Xuất Có Được Cấp Sổ Đỏ Không?
Bên cạnh các câu hỏi như đất rừng sản xuất là gì, đất rừng sản xuất có được chuyển nhượng không, thì đất rừng sản xuất có được cấp sổ đỏ không cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Theo đó, đất rừng sản xuất được cấp sổ đỏ, tức giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất cho người sử dụng hợp pháp. Để được cấp sổ đỏ, người sử dụng đất rừng sản xuất cần đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật, làm thủ tục xin cấp sổ đỏ và đóng các khoản lệ phí, phí, tiền sử dụng đất.
- Lệ phí địa chính: Mức phí này được quy định riêng theo từng địa phương, phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
- Lệ phí trước bạ: Mức phí này bằng giá trị tài sản do UBND cấp tỉnh đưa ra x mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ. Ví dụ đối với tài sản nhà đất thì lệ phí trước bạ là 0,5%.
- Phí đo đạc, lập bản đồ địa chính: Phí tối đa 1.500 VNĐ/m2.
- Phí thẩm định cấp sổ đỏ: Phí tối đa 7.500.000 VNĐ/hồ sơ.
- Tiền sử dụng đất: Theo quy định tại Nghị định 45/2014/NĐ-CP và căn cứ trường hợp thực tế để xem xét mức nộp tiền sử dụng đất.
Hình ảnh sổ đỏ đất rừng sản xuất
6. Đất Rừng Sản Xuất Có Được Xây Nhà Không?
Theo quy định của Nhà nước, đất rừng sản xuất có thể chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đất thổ cư để xây nhà căn cứ theo nhu cầu của người sử dụng đất và sự cho phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đây cũng là cơ sở để trả lời cho câu hỏi “đất rừng sản xuất có thể lên thổ cư được không” hay “đất rừng sản xuất có được xây nhà không?”.
Cụ thể tại Điều 52 Luật Đất đai nói rõ ràng, để cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần căn cứ vào hai yếu tố: nhu cầu sử dụng đất theo đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất là chính đáng, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Thẩm Quyền Chuyển Mục Đích Sử Dụng Đất Rừng Sản Xuất Sang Đất Thổ Cư, Xây Nhà
Điều 59 Luật đất đai quy định thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất rừng đối với tổ chức thuộc về UBND cấp tỉnh, còn đối với cá nhân, hộ gia đình thì do UBND cấp huyện quyết định.
Trường hợp cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích đất trên 0,5 ha thì cần có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh trước khi UBND cấp huyện quyết định.
Vì thế, để xây nhà trên đất rừng sản xuất thì trước hết bạn cần liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường địa phương để biết có được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất của mảnh đất này hay không.
Các Bước Chuyển Đổi Mục Đích Sử Dụng Đất Rừng Sản Xuất Sang Đất Thổ Cư, Xây Nhà
- Thứ nhất, bạn cần chuẩn bị đầy đủ thủ tục hồ sơ bao gồm:
+ Đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
- Tiếp theo, bạn nộp hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường địa phương nơi có đất, tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh giấy tờ theo quy định của cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
- Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ của bạn, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất. Nếu trường hợp được cho phép chuyển đổi thì sẽ tiến hành chuyển mục đích sử dụng đất trong thời gian 15 ngày, đối với khu vực vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo thì thời gian thực hiện khoảng 25 ngày. Mức phí đóng để chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định.
>> Đất thổ cư là gì? 9 câu hỏi giúp giải mã đất thổ cư
Đất rừng sản xuất có thể lên thổ cư nếu đáp ứng đủ điều kiện
7. Đất Rừng Sản Xuất Có Được Thế Chấp Không?
Đất rừng sản xuất hoàn toàn có thể thế chấp nếu đáp ứng các điều kiện:
- Đất rừng sản xuất không vượt quá 300 ha;
- Đất rừng sản xuất là tài sản hợp pháp;
- Đất rừng sản xuất có sổ đỏ, hay còn gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
8. Có Nên Mua Đất Rừng Sản Xuất Hay Không?
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư bất động sản đang chạy theo xu hướng mua đất rừng sản xuất không chỉ dừng lại ở mục đích canh tác mà còn gom mua với số lượng lớn. Mục đích của các nhà đầu tư này là cho thuê, bán lại, hoặc làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất rừng thành đất thổ cư để đẩy cao lợi nhuận.
Khi mua đất rừng sản xuất, thời gian để hoàn chỉnh pháp lý cho loại bất động sản này thường khá lâu, trung bình từ 3-6 tháng. Tuy nhiên, loại đất này có giá rất rẻ nên lợi nhuận mà giới đầu tư thu được là rất lớn. Vì vậy mà hoạt động mua bán đất rừng sản xuất ở hầu hết các địa phương vẫn diễn ra khá sôi nổi.
Những Lưu Ý Khi Mua Đất Rừng Sản Xuất Là Gì?
Theo quy định, đất rừng sản xuất là đất nông nghiệp nên nhà đầu tư và người mua khi chọn mua đất rừng sản xuất cần phải tìm hiểu cực kỳ cẩn thận, tránh mua phải đất nằm trong diện quy hoạch hoặc đất dính lùm xùm pháp lý.
- Để không dẫn đến rắc rối khi mua đất rừng sản xuất, nhà đầu tư cần kiểm tra xem mảnh đất đó có nằm trong diện quy hoạch, tranh chấp, cầm cố ngân hàng, vướng các vấn đề pháp lý hay không.
- So sánh giá giữa các khu đất rừng xung quanh với nhau để tránh bị mua hớ.
- Khi mua nên chọn công ty giới thiệu hoặc mua đất từ chính chủ đảm bảo uy tín, kiểm tra sổ đỏ của đất.
- Trong trường hợp mua đất rừng sản xuất chưa có sổ đỏ, cần yêu cầu bên bán cung cấp đủ giấy tờ chứng minh đất đủ điều kiện được cấp sổ đỏ theo quy định của pháp luật.
Thị trường mua bán đất rừng sản xuất hiện nay diễn ra sôi động
Thủ Tục Mua Bán Đất Rừng Sản Xuất
Theo quy định hiện nay, thủ tục mua bán đất rừng sản xuất cần có những loại giấy tờ sau:
- Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định, được UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất đóng dấu xác nhận;
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được 2 bên ký kết và được công chứng theo quy định.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản gốc);
- Giấy tờ chứng minh đất không có tranh chấp;
- Chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu.
Khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như trên, bên nhận chuyển nhượng sẽ nộp hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 95 Luật đất đai 2013. Sau đó, đến tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có đất để nộp hồ sơ đăng ký biến động và tiến hành thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trên đây là những thông tin đầy đủ và chi tiết nhất về đất rừng sản xuất, các quy định liên quan đến đất rừng sản xuất hiện nay được tổng hợp bởi Muonnha.com.vn. Hy vọng bạn đã có thể hiểu rõ về điều kiện, đặc điểm của đất rừng sản xuất và có kế hoạch đầu tư, sử dụng đất rừng sản xuất phù hợp với quy định của pháp luật. Chúc bạn thành công!
Hà Linh
Xem thêm:
>> Đất rừng phòng hộ (RPH) là gì và 7 câu hỏi liên quan
>> Đất LUC là gì? 3 bước chuyển đổi đất LUC lên đất thổ cư
>> Đất HNK là gì? 5 điều cần lưu ý khi mua đất HNK