Một dự án bất động sản được trưng bày tại trung tâm thương
mại ở quận 1, Tp.HCM. Ảnh: Nhật Vy
Theo Giám đốc điều hành của Savills, tăng trưởng GDP của Việt Nam chính là điểm hấp dẫn đầu tiên và rất tích cực so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực.
Tiếp theo là lượng khách du lịch quốc tế không ngừng tăng, năm 2016 là 26% và ước tính con số này trong năm 2017 có thể sẽ tăng lên 28%. Không chỉ có con số tăng trưởng khá ấn tượng về lượng khách du lịch, Việt Nam còn có nhiều cơ hội để theo kịp mức tăng trưởng của các quốc gia khác.
Ngoài hai điểm hấp dẫn trên, một yếu tố khác có thể kể tới là mức độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến thời điểm ngày 20/11 năm nay, số vốn thực hiện đã đạt hơn 16 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, sự phát triển ổn định của nền kinh tế còn phản ánh qua mức độ chi tiêu ngày càng tăng lên của người dân.
Liên quan đến diễn biến thị trường bất động sản năm 2018, theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM (HoRea) thì tăng trưởng tín dụng sẽ tạo động lực tốt cho bất động sản năm tới.
Theo đó, tính đến hết tháng 11/2017, tín dụng tăng trưởng đạt 15,3%, dự kiến con số này có thể sẽ lên 21% vào thời điểm hết ngày 31/12, tuy nhiên nguồn này không sử dụng trong năm 2017 mà sẽ chuyển qua 2018. Ngoài nguồn lực này, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong năm 2018 cũng được dự báo sẽ tăng trưởng rất mạnh.
Chủ tịch HoRea đánh giá: "Dù có những yếu tố quan ngại về vấn đề quốc tế, nhưng điều đó cũng chứng tỏ Việt Nam là một điểm đến ổn định và an toàn, nên chúng tôi lạc quan về sự tăng trưởng thị trường bất động sản 2018. Nhất là tại Tp.HCM vừa có cơ chế đặc thù, trong đó, sẽ không tiến hành thí điểm về đánh thuế tài sản tại thành phố này".