Lác đác một số người đến nhận hợp đồng rồi mang về nghiên cứu. Một số ngồi lại bàn luận và phân tích về bản hợp đồng nhiều điểm vô lý khi chưa tính đến mức giá đang cao ngất ngưởng. Anh Phạm Tuấn D (Quận Cầu Giấy - Hà Nội) cho hay: “Bản hợp đồng dài 10 trang nhưng toàn thấy những điểm có lợi cho chủ đầu tư. 10 trang phụ lục hợp đồng đi kèm chỉ rõ các hạng mục một cách rất chung chung”.
Theo đó, các chi tiết thể hiện quyền của bên bán là Hanco 3 khá chi tiết với 9 điều khoản như: quyền yêu cầu bên mua phải thanh toán tiền theo đúng thời hạn; quyền ngừng cung cấp hoặc yêu cầu nhà cung cấp dừng dịch vụ điện, nước… nếu bên mua vi phạm Bản quy chế quản lý sử dụng nhà ở; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng; quyền chủ động trong việc quản lý nhà chung cư…
Bản Hợp đồng mua bán với 19 nghĩa vụ và 3 quyền lợi mà người mua được hưởng của Hanco 3. |
Trong khi đó, phần nghĩa vụ của Hanco 3 đối với người mua căn hộ lại khá chung chung như: thiết kế căn hộ và công trình tuân theo quy định về pháp luật xây dựng; thông báo cho bên mua khi đến thời hạn nộp tiền theo các đợt, liên hệ với nhà cung cấp điện, nước sinh hoạt đến từng hộ dân, kiểm tra giám sát việc xây dựng theo đúng tiêu chuẩn thiết kế…
Liền ngay sau đó, phần thể hiện quyền của người mua nhà với 3 điều khoản khiêm tốn: được nhận căn hộ theo đúng hợp đồng, được yêu cầu bên bán cung cấp tài liệu để làm thủ tục cấp sổ đỏ, được sử dụng dịch vụ hạ tầng do doanh nghiệp dịch vụ cung cấp cho tòa nhà.
Bên mua nhà là người dân phải cam kết thực hiện 19 nghĩa vụ, trong đó có tới 4 điều khoản là các quy định về thanh toán chi phí.
Chưa hết, trong thỏa thuận trách nhiệm do vi phạm hợp đồng chỉ thấy đề cập đến phần phạt đối với bên mua nếu không hoàn thành các nghĩa vụ thanh toán, chuyển nhượng… Chị Yến (Quận Long Biên – Hà Nội) hỏi: “Vậy nếu Hanco 3 không giao nhà đúng cam kết là quý 2 năm 2013 thì sao không thấy đề cập phạt?”.
Một phần gắn kết với hợp đồng là phụ lục hợp đồng với danh mục vật liệu hoàn thiện căn hộ. Vật liệu xây dựng được cam kết một cách rất chung như “gạch Ceramic của hãng Viglacera hoặc tương đương”, “ống hàn nhiệt của Công ty nhựa Tiền phong hoặc tương đương”….
Chị Hằng (Quận Hai Bà Trưng – Hà Nội) bày tỏ: “Tôi không hiểu khái niệm “tương đương” mà chủ đầu tư đưa ra đây là thế nào? Ai có thể giám sát được chất lượng của những vật liệu thay thế “tương đương” đó?”. Theo chị, nếu đã có phương án thay thế, chủ đầu tư đã phải có một danh mục ít nhất là 2 – 3 loại vật liệu thay thế và cung cấp cho chủ các căn hộ biết.
Mua nhà chính sách giá nhà thương mại
Một trong những vấn đề khiến những người mua nhà tại Dự án Nhà ở cho người có thu nhập thấp Khu đô thị mới Sài Đồng – Long Biên – Hà Nội bức xúc là giá thành và cách thức thanh toán. Trong bản hợp đồng ghi đơn giá tạm tính cho mỗi m2 là 13,264 triệu đồng (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).Như vậy, với căn hộ 68,6 m2 , gia đình anh D (Quận Cầu Giấy – Hà Nội) phải trả hơn 909 triệu đồng. Tương tự, chị Hoa (Quận Thanh Xuân – Hà Nội) phải chi trả gần 1 tỷ đồng cho căn hộ 74 m2 của gia đình.
Cách thức thanh toán mà đơn vị này áp dụng với người mua là cách các công trình nhà thương mại đang tiến hành. Với 7 lần góp vốn, người từ khi đặt bút ký hợp đồng, người mua nhà thu nhập thấp của Hanco 3 đang thực sự “chung tay xây nhà với chủ đầu tư”.
Chị Y (Trung tâm Y tế quận Long Biên – Hà Nội) nói: “Mua nhà ở cho người thu nhập thấp thì phải được hỗ trợ về giá, thời gian thanh toán, lãi suất… chứ lại đóng góp kiểu như các tòa nhà thương mại thì còn gọi gì là nhà chính sách nữa”.
Đồng quan điểm, anh D cho hay: “Nhà chính sách cho người thu nhập thấp thì người dân được trả góp, trả chậm sau 5 năm, 10 năm… thì mới đúng. Góp vốn từng đợt như thế này thì dân làm sao xoay sở kịp”. Anh phân trần thêm, 100 – 200 triệu đồng với người giàu có không là vấn đề, nhưng với người thu nhập thấp thì đó là cả một trăn trở lớn. “Tôi ký hợp đồng, sau 5 ngày đã phải nộp tiền lần một là 227, 5 triệu đồng. Nếu có sẵn ngần ấy tiền trong nhà để chờ đi nộp thì tôi đã không còn ở diện thu nhập thấp nữa”.
Hình thức trả góp như với giao dịch mua bán nhà thương mại là điểm "khác biệt" mà Hanco 3 đang áp dụng với đối tượng được mua nhà ở xã hội diện thu nhập thấp. |
Rất nhiều hộ dân khi nhận hợp đồng nhà đều bức xúc về mức giá “tạm tính” mà đơn vị này đưa ra. Phần lớn đều cho rằng, nếu tạm tính mà đã hơn 13 triệu đồng/m2 thì đến khi quyết toán vào năm 2013, với tốc độ trượt giá, lạm phát như hiện nay, giá trị của nó có thể sẽ là 15 đến 16 triệu đồng/m2 .
Một phép tính cơ bản, nếu tính vào giá trị căn hộ mà họ phải mua lên đến gần 1 tỷ đồng thì trong vòng 2 năm kể từ ngày ký hợp đồng, mỗi gia đình sẽ phải dành riêng ra một khoản tương đương 43 triệu đồng/tháng? Điều này gần như là không tưởng đối với người làm công ăn lương thuộc diện thu nhập thấp.
Điều gì sẽ xảy ra nếu họ đã cố sức cho 7 lần đóng góp và cuối cùng nhận một bản quyết toán phụ trội hàng trăm triệu đồng? Lúc đó, ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho họ trong khi hợp đồng đã ký cam kết không được quyền chuyển nhượng trong vòng 10 năm?. Mặt khác, sau 2 năm kể từ ngày ký hợp đồng đến 2013, họ sẽ mất đi nhiều cơ hội chọn lựa các công trình khác tốt hơn vì đã đóng tiền ở đây?
“Niềm vui ngắn chẳng tày gang”
Vội vàng đến vào cuối giờ buổi sáng ngày 2/4, chị Nga (phố Ngọc Thụy – Gia Lâm – Hà Nội) mừng rỡ nhận bản hợp đồng từ đại diện Hanco 3. Nhưng ngay khi trở về chỗ ngồi, chị đã thở dài vì mức giá được in trong hợp đồng.Sau khi xem xét một lượt, chị nói: “Thật lạ, đi mua nhà mà người ta (đại diện Hanco 3 – PV) làm như mình mua cái ti vi, tủ lạnh vậy, cứ bảo ký ngay đi thì sao mà ký được. Còn phải đọc, cân nhắc nữa chứ”.
Nhưng xem ra, giấc mơ về ngôi nhà vừa đủ với khả năng chi trả của gia đình chị Nga đã khó trở thành hiện thực. Chị nói: “Nếu tôi có thể tích cóp, hoặc vay mượn được một khoản tiền lên đến 1 tỷ đồng thì tôi chấp nhận sẽ cố sức thêm để có thể mua được nhà diện thương mại. Bởi vì, giá cũng tương đương, tôi lại được lựa chọn căn hộ, tôi cũng có thể chuyển nhượng nếu muốn. Vì khó khăn nên mới nhờ vào chính sách, nhưng thực hiện chính sách thế này thì đúng là đánh đố người nghèo”.
Vì vậy, chị quả quyết có đến 99% là sẽ rút hồ sơ về để chờ đợi một cơ hội khác chứ không thể “nhắm mắt đưa chân” theo chủ đầu tư này. Đây cũng là ý kiến của nhiều hộ dân tham gia mua nhà tại dự án này.
Nhiều người dân thất vọng khi nhận bản hợp đồng từ phía chủ đầu tư Hanco 3 và quyết định rút hồ sơ về. |
Chị kể, chẳng ai báo cho chị về việc đến nhận hợp đồng mua nhà. Chị biết được thông tin là do ngày nào cũng phải “canh me” gọi điện lên ban dự án. Mấy hôm nay bận nên chị có lơ là việc “chăm sóc” cái điện thoại của ban dự án. Sáng nay biết nên chị vội vàng sang để được nhận hợp đồng. Nhiều người có mặt tại phòng giao dịch đều đồng ý với ý kiến của chị, họ đều phải tích cực chăm sóc cái tổng đài điện thoại của Hanco 3 thì mới có thông tin.
Trong vai người dân có hợp đồng mua nhà, PV VTC News thắc mắc về việc không nhận được thông báo mới đến ký hợp đồng thì một vị đại diện của đơn vị này trả lời: “Phía công ty có gọi điện trực tiếp cho từng trường hợp nhưng do mạng bị lỗi, mất sóng, thuê bao tắt máy… nên không thể thông báo hết được”. Và “phải thông cảm vì có tới 400 hồ sơ thì làm sao có thể quản lý được hết”.
Ngay lập tức nhiều người cho rằng giải thích này là không thỏa đáng vì họ chẳng nhận được cuộc điện thoại nào từ Hanco 3 và rằng “Người bán đã không cần khách mua”.
Thêm một câu hỏi được nhiều người dân mua nhà tại dự án này đặt ra với đơn vị chủ đầu tư: những hồ sơ đã bị rút bởi người dân từ chối mua sẽ được chủ đầu tư gọi đến các hộ thấp điểm tiêu chuẩn bốc thăm lần 1 đến tham gia bốc thăm lần 2. Sẽ có hay không việc “đi đêm” với những căn hộ chính sách này vì xem ra với cách thức bán hàng như hiện nay, rõ ràng việc dân có mua nhà hay không, không quan trọng với Hanco 3.
(Theo VTCnew)