Khảo sát của TS. Nguyễn Minh Ngọc ở một số nước Châu Âu cho thấy, giá nhà tại Việt Nam hiện nay còn đắt hơn cả nhiều nước phát triển như Đức, Ba Lan... Ông Ngọc cho hay, ông vừa đi khảo sát 1 tháng ở châu Âu, tại Ba Lan, thu nhập trung bình cao gấp 15 lần Việt Nam nhưng giá 1m2 nhà ở của họ cũng chỉ tương đương giá của Việt Nam (nghĩa là khoảng 1.200-1.500 USD/m2 nhà ở).
Còn so với những nước lân cận khác như Lào, Campuchia, giá nhà Việt Nam chỉ tương đương hoặc không cao hơn nhưng chất lượng thì bị bỏ xa. Nếu xét đúng về giá trị của những tòa nhà tại Việt Nam, ông Ngọc cho rằng chỉ đáng một nửa tiền.
Thấp thỏm bởi chung cư xuống cấp. Ảnh minh họa |
Về nguyên nhân mức giá này đang bị đẩy lên quá cao, TS. Nguyễn Minh Ngọc giải thích, điều này thì ai cũng biết. Trong cơ cấu giá nhà ở, tỷ lệ chi phí bôi trơn, lót tay đã chiếm đến 30% dự án. Tình trạng vừa xây vừa đợi vốn dẫn đến tình trạng nước ngoài xây dựng 1 năm thì Việt Nam xây đến 3 năm cũng là nguyên nhân đẩy giá nhà lên cao. Ngoài ra, tỷ lệ lợi nhuận của những nhà đầu tư bị đẩy lên quá cao cũng là một nguyên nhân khiến giá cao hơn song chất lượng lại kém hơn.
Theo ông Ngọc, vừa rồi, ông cũng đã qua Đức khảo sát những tòa nhà của họ, có tòa nhà đã xây dựng 50 năm song vẫn mới như những tòa nhà xây 10 năm của chúng ta. Bởi họ được bảo trì rất tốt, tất cả đều mới, các chức năng cũng hoạt động rất hoàn hảo dù đã 50 năm. Trong khi đó, các tòa nhà ở Việt Nam dù mới được xây 10 năm song trông đã rất tệ. Chưa nói đến chất lượng những hạng mục công trình như hệ thống nước, dịch vụ tiện ích, hệ thống phòng cháy, chữa cháy... hầu hết đều không đạt chất lượng.
Khi lý giải thêm về giá nhà ở quá chát nhưng chất lượng quá tệ, KTS. Hồ Duy Diệm cho hay, chi phí trên trời càng cao thì chất lượng của công trình sẽ càng giảm. Có giai đoạn ông được biết, chủ đầu tư chỉ cần có được dự án là phải mất 10%. Tới giai đoạn triển khai được dự án, ký kết được với người B cũng phải mất thêm 10% nữa. Tới những giai đoạn tiếp theo như cấp phép, thiết kế, thi công… rồi thuế, mỗi giai đoạn cũng mất khoảng 5%. Tính toàn bộ chi phí trên trời cũng chiếm đến hơn 30%, điều đó cũng đồng nghĩa với giá trị của công trình bị giảm xuống 30%.
PGS.TS. Phạm Văn Khôi cũng cho biết thêm, hiện nay còn có tình trạng nhập nhèm giữa nhà ở thương mại với nhà ở xã hội, đó là nguyên nhân đôị giá nhà lên. Chủ trương cấp phép cho những dự án nhà ở thương mại bao giờ cũng có một tỷ lệ nhất định dành cho nhà ở xã hội. Tuy nhiên, về danh chính ngôn thuận đây là chính sách ưu ái cho những người nghèo được mua nhà ở thương mại song thực tế người nghèo chưa mấy khi có cơ hội được ở các căn hộ này mà thực tế là phục vụ cho lãnh đạo địa phương đó hoặc mục đích ngoại giao của chủ đầu tư.
Hiện nay, trong những dự án nhà ở thương mại, bên cạnh những chi phí không chính thống vẫn có các địa phương theo cơ chế đặc thù theo kiểu thỏa thuận với chủ đầu tư giữ lại một tỷ lệ số căn hộ. Trong tỷ lệ đó có thể là các căn hộ nói là dành cho diện nhà ở xã hội song thực tế là sử dụng trong những quan hệ ngoại giao.
Theo chế độ bao cấp trước đây, cán bộ công tác trong ngành bao nhiêu năm có thể được xem xét cấp đất, cấp nhà. Kể từ khi không còn chính sách này nữa, đây được xem là chính sách hỗ trợ cho cán bộ được mua nhà ở thương mại với giá thấp. Ông Khôi cũng cho biết, bản thân cũng đang được hưởng chính sách này nê ông đã được mua nhà ở với giá rất thấp.
Tuy nhiên, để bù lại khoản thâm hụt này thì các chủ đầu tư dự án buộc phải đẩy giá nhà lên. Do đó, nhờ chính sách này sẽ có một bộ phận được mua nhà ở giá rẻ nhưng đại đa số người dân khác sẽ phải mua nhà ở với giá cao hơn.