Gói tín dụng 50 nghìn tỷ đồng là chương trình kết hợp 4 nhà (nhà băng, nhà đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng sản xuất vật liệu xây dựng) để hỗ trợ thị trường bất động sản đang đóng băng. Ngay sau khi được công bố lần đầu vào cuối tháng 3 vừa qua, gói tín dụng này đã thu hút nhiều sự quan tâm. Ngân hàng Nhà nước cho biết, dù gói 50 nghìn tỷ đồng hoàn toàn độc lập và không liên quan tới gói 30 nghìn tỷ xét về các mặt như: cơ chế tín dụng, nguồn vốn, lãi suất, thời hạn cho vay, đối tượng khách hàng... nhưng đều hỗ trợ thị trường bất động sản, hỗ trợ tiêu thụ hàng tồn kho vật liệu xây dựng, giải quyết nợ xấu…
Ông Đực cho biết, dù thị trường bất động sản đang đóng băng, cầu không gặp cung, người dân không đủ tiền mua nhà… nhưng gói 50 nghìn tỷ sẽ làm ra sản phẩm mà thị trường tiêu thụ được.
“Nếu doanh nghiệp không làm ra sản phẩm người dân mua được thì sẽ thất bại. Do đó không có doanh nghiệp nào dám làm nhà giá cao. Gói này có thể chỉ phục vụ cho nhà giá thấp, đã thấp rồi thì thấp hơn nữa sẽ không nhiều, có thể từ 5 – 10%”, ông Đực nói.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành
Trước câu hỏi gói 30 nghìn tỷ đang được Chính phủ hết sức ủng hộ và được sự đồng thuận hết mức nhưng hiện tại vẫn rất khó khăn, bế tắc, liệu gói mới này với con số lớn như thế liệu có khả thi, ông Đực cho biết, hai gói này hoàn toàn khác nhau.
Theo đó, gói 30 nghìn tỷ tùy thuộc vào sản phẩm có diện tích nhỏ, giá bán rẻ thì hiện nay sản phẩm đó không có. Gói này phải qua thủ tục của ngành xây dựng để xét nhà ở xã hội, chia căn hộ lớn thành căn hộ nhỏ, thủ tục này quá khó khăn ở các địa phương, làm cho nghẽn mạch sản phẩm. Thủ tục cho vay từ ngân hàng quá nhiều khó khăn. Vì thế, gói 30 nghìn tỷ gặp nhiều khó khăn. Gói 50 nghìn tỷ có tính chất xã hội hóa. Ngân hàng phải tự xem xét, đánh giá hợp tác với các ngành. Nếu chương trình thất bại thì bốn nhà đều phải chịu hậu quả.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước “khuyến khích các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay thông qua chuỗi liên kết bốn nhà cũng như nghiên cứu, đưa ra các sản phẩm tín dụng mới hiệu quả, có độ an toàn cao, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, giảm nợ xấu. Ngoài ra, chương trình sản phẩm tín dụng bốn nhà này cũng nên mở rộng trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, không chỉ nên bó hẹp trong bất động sản”.