Theo ông Võ, thực trạng này đã diễn ra từ hàng chục năm nay, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền là phải ngăm chặn được lợi ích ngầm đằng sau hoạt động cho thuê nhà, đất công.
Thực tế là có vi phạm nhưng không xử lý được ai
GS. Đặng Hùng Võ |
Ông Đặng Hùng Võ cho biết, từ nhiều năm qua, các vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà thuộc sở hữu Nhà nước, quỹ nhà chuyên dùng đã được phát hiện. Các cơ quan chức năng, trong đó TP. Hà Nội đã nhiều lần rà soát, thống kê quỹ nhà này. Từ năm 1996, Tổng cục Địa chính (thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường) đã công bố thống kê toàn bộ quỹ nhà, đất đang giao cho các doanh nghiệp, cơ quan, Nhà nước sử dụng.
Qua quá trình đó, chúng ta cũng đã phát hiện được nhiều vi phạm, lập kế hoạch xử lý. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn không xử lý được ai mặc dù chúng ta thấy quá bất hợp lý. Vì thế, nguồn lực của Nhà nước trong lĩnh vực này đang bị thất thoát rất nhiều. Chúng ta rất khó xử lý vì các mối quan hệ phức tạp.
- Với cơ chế sử dụng quỹ nhà chuyên dùng, liệu có bóng dáng của thời kỳ bao cấp không, thưa ông?
Thực tế là vẫn tồn tại cơ chế này. Trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn khi tiếp cận quỹ đất để sản xuất, kinh doanh thì nhiều doanh nghiệp Nhà nước lại có quyền quản lý, sử dụng một quỹ đất khá lớn và có giá trị thương mại rất cao bởi “lịch sử” để lại. Đặc biệt, không ít doanh nghiệp vẫn tiếp tục sử dụng quỹ đất này sau khi đã cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã ở các huyện đã lên quận hiện cũng đang quản lý khá nhiều quỹ đất mặc dù về bản chất đã không còn hoạt động. Trong một thời gian, đã có khá nhiều ý kiến băn khoăn đối với giá trị đất đai khi cổ phần hóa khách sạn Phú Gia, kem Tràng Tiền. Hệ thống các của hàng lương thực, các kho gạo, các cửa hàng dịch vụ, ăn uống từ thời kỳ bao cấp để lại cũng tương đối lớn đang cần được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn.
Từ lâu, nhà đất tại 35b Cát Linh đã bị cho thuê lại. Ảnh: Hà Anh |
Đã đến lúc phải thu hồi
- Những điểm không hợp lý đã rõ, vậy vì sao tình trạng này lại kéo dài tới vậy?
Tình trạng này kéo dài vì ở đây còn mang lại lợi ích riêng. Nhiều cửa hàng tọa lạc tại vị trí đắc địa đang do doanh nghiệp Nhà nước quản lý nhưng bị biến tướng trong việc sử dụng. Đơn cử như cho thuê lại trên giấy tờ là giá rẻ, thậm chí chỉ bằng giá Nhà nước nhưng thực tế đều phải có khoản “lót tay” và thỏa thuận ngầm ngoài văn bản. Theo tôi được biết, nhiều doanh nghiệp Nhà nước được giao đất từ thời kỳ bao cấp nhưng đến nay, vẫn chưa đóng tiền thuê đất.
Từ đó có thể thấy, một nguồn tài sản rất lớn của Nhà nước đã bị thất thoát theo “kênh đen”, vi phạm các quy định pháp luật để mang đến lợi ích cá nhân và lợi nhuận bất chính cho một số ít người trong những doanh nghiệp Nhà nước hiện đang nắm giữ quỹ nhà, đất công. Đặc biệt, nguồn thu “chênh” từ cho thuê nhà, đất công trong một số trường hợp là nguồn sống chủ yếu của các doanh nghiệp kiểu này.
Ngoài ra, một tình trạng nữa là nhiều doanh nghiệp đã đem nhà, đất được thuê của Nhà nước để thực hiện liên doanh, liên kết. Từ đó, liên doanh này bị biến tướng, vai trò của doanh nghiệp Nhà nước giảm dần. Đó có thể xem là một dạng chuyển nhượng nhà, đất không chính thức bằng hình thức “liên doanh liên kết”. Như vậy, tài sản của nhà nước trong nhiều trường hợp đã bị chuyển sang tài sản tư nhân. Thứ ba là tình trạng nhiều nơi vẫn lợi dụng việc cơ quan Nhà nước bảo đảm chỗ ở cho cán bộ, nhân viên nhưng thực chất là giải quyết nhà ở cho một số lãnh đạo của doanh nghiệp.
- Để sử dụng quỹ nhà, đất này hiệu quả thì cần xử lý theo hướng nào, thưa ông?
Việc tồn tại hay không tồn tại quỹ nhà đất trên là việc cần phải đưa ra để bàn. Những trường hợp sử dụng không hiệu quả, gây tổn hại tới nguồn lực của Nhà nước thì phải tiến hành thu hồi. Việc cần làm trước khi đấu giá là phải kiểm tra, rà soát, lập phương án sử dụng hiệu quả cho mỗi khu đất và phải trả lại đúng giá trị kinh tế của tài sản đó. Quá trình này phải minh bạch, công khai để nhân dân giám sát và các doanh nghiệp cùng biết.
- Trân trọng cảm ơn ông!