Dân số tăng cao khiến nhiều khu vực nội đô ngột ngạt và ách tắc. Ví dụ như khu chung cư Cao Thắng giáp chợ Đồng Xuân. Ảnh: Minh Tuấn. |
Ông Hải cho hay, việc tăng dân cư trong các đô thị lớn là một xu hướng tất yếu, không chỉ xảy ra tại riêng TP. Hà Nội. Do nhu cầu về việc làm nên người dân đang bị thu hút về các đô thị trung tâm. Hiện nay dân số của khu vực nội đô (4 quận nội đô) là khoảng 1,23 triệu dân. Trong khi đó, theo quy hoạch chung thì tại khu vực này chỉ đáp ứng được 800 nghìn dân. Việc giãn dân là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện để có thêm diện tích công cộng, giảm vấn nạn kẹt xe, tắc đường và mở rộng những khu vui chơi cho trẻ em.
Theo quy hoạch chung, giải pháp được đưa ra là phải di dời các trường đại học, trụ sở bộ ngành, các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, bệnh viện ra khỏi khu vực nội đô. Chúng ta đều có thể nhận thấy, vào những dịp nghỉ lễ, tết, đường phố Hà Nội rất êm ả, ít khi xảy ra ùn tắc đường.
- Thưa ông, việc di dời các trường đại học, cơ sử sản xuất gây ô nhiễm, trụ sở cơ quan Nhà nước ra khỏi nội đô vẫn dậm chân tại chỗ do thiếu kinh phí hay còn nguyên nhân nào khác?
Khi còn giữ vị trí Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, tôi đã tham gia họp với các bộ, ngành rất nhiều lần để bàn về vấn đề này. Bộ Tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì cùng với Bộ Xây dựng, TP. Hà Nội triển khai việc di dời các trụ sở bộ, ngành ra khỏi khu vực nội thành. Tuy nhiên, Bộ Tài chính trả lời là chưa thể cân đối được tiền để di dời và đầu tư xây mới hàng loạt trụ sở cho các bộ, ngành. TP. Hà Nội đã giới thiệu địa điểm di chuyển Bộ Xây dựng ra khu vực Tây Hồ Tây, bản thân Bộ Xây dựng cũng rất muốn chuyển ra đó nhưng kinh phí để xây mới trụ sở một bộ lên tới hàng trăm tỷ đồng nên không cân đối được.
- Vậy theo ông, để tháo gỡ khó khăn về tiền di dời cần có cơ chế nào?
Tôi cho rằng cần nghiên cứu và khai thác quỹ đất trụ sở bộ, ngành sau khi di dời. Tuy nhiên, đây không phải là xây nhà ở, chất tải thêm mà phải bằng việc khai thác dịch vụ theo đúng quy hoạch. Khi đó, cần phải có nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, đồng thời Nhà nước phải cân đối tài chính bằng các nguồn khác chứ không phải bằng chính ô đất đó.
- Có một số ý kiến cho rằng, dân số tăng đột biến là do “lạm phát” nhà cao tầng?
Ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm cho rằng cần có cơ chế cụ thể trong việc di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô |
Những ý kiến đó là không thỏa đáng vì bất kỳ một thủ đô nào trên thế giới cũng đều phải xây dựng các tòa nhà cao tầng. Trong quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt cũng cho phép xây dựng nhà cao tầng trong nội đô nhưng với điều kiện là có sự kiểm soát. Các công trình cao tầng trong nội đô có tính chất điểm nhấn, tạo ra dấu ấn về kiến trúc nhưng không được bố trí tại phố cổ, hạn chế bố trí ở các khu phố cũ, trung tâm chính trị Ba Đình, khu vực Hồ Gươm…
Xây dựng đô thị cũng phải gắn nơi làm việc với nơi ở để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt. Hiện nay, vào buổi sáng, từng dòng người ùn ùn đổ vào khu nội đô và dẫn đến ách tắc. Hàng ngày, lượng người vào nội đô làm ăn rất nhiều và đã sử dụng một phần hạ tầng, dịch vụ như mua sắm, ăn uống, giáo dục… Một trong những yêu cầu khi làm quy hoạch đó là sớm di dời các cơ sở làm việc như nhà máy, trụ sở, trường học ra khỏi trung tâm.
- Cảm ơn ông.