BĐS chịu sự chi phối của rất nhiều nguồn vốn trong đó FDI và ngân hàng là hai nguồn tiền quan trọng nhất. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm, tình hình thu thút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có phần giảm sút nhẹ so với cùng kỳ. Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính từ đầu năm 2014 đến ngày 20/5, tổng lượng vốn FDI cả các dự án cấp mới và tăng thêm chỉ đạt hơn 5,5 tỉ đô la Mỹ, bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Cụ thể trong 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 500 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 3,67 tỉ đô la Mỹ, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, có 167 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,84 tỉ đô la Mỹ, giảm 53,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cho đến nay, luồng tiền từ hệ thống ngân hàng thương mại vẫn là nguồn tiền quan trọng nhất đối với thị trường bất động sản.
Ngân hàng hạ lãi suất gửi kỳ hạn
Sau lần hạ trần lãi suất huy động về mức 6%/năm của NH Nhà nước vào giữa tháng 3/2014, đến nay, các NH thương mại đã nhiều lần hạ lãi suất đầu vào trong bối cảnh tín dụng tăng chậm. Thống kê của NH Nhà nước cho thấy đến ngày 23/5, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,28%, huy động vốn tăng 4,2% so với cuối năm ngoái. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng tiếp tục bảo đảm nhưng tín dụng ra nền kinh tế đến gần cuối tháng 5 mới chỉ tăng 1,31% so với cuối năm.
Chính vì vậy hàng loạt NH thương mại nhà nước đã có động thái hạ mức lãi suất đầu vào, tiêu biểu như NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa điều chỉnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn. Hiện mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 5%/năm, kỳ hạn từ 2-9 tháng lần lượt từ 5,1%/năm đến 5,9%/năm. Ở lần điều chỉnh này, lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng đã giảm từ 6%/năm xuống còn 5,9%/năm. Mức giảm khá mạnh là các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 60 tháng, khi lãi suất lùi sâu về chỉ còn 7%/năm.
Hiện mức lãi suất tiền gửi thấp nhất được khối các NH thương mại nhà nước áp dụng là 5%/năm. Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) có điều chỉnh lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm từ 7,5%/năm còn 7%/năm. Khối các NH thương mại nhà nước đều đồng loạt giảm mức lãi suất đầu vào như Eximbank, Sacombank, ACB… Từ cuối tháng 5, Eximbank áp dụng biểu lãi suất mới, theo hướng giảm thêm lãi suất tiền gửi. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-3 tháng là 5,7%/năm, từ 4-5 tháng là 5,98%/năm. Ở kỳ hạn dài, lãi suất tiền gửi cao nhất là kỳ hạn từ 24-60 tháng cũng chỉ 7,8%/năm.
BĐS có cơ sở để lạc quan
Đợt hạ lãi suất đầu vào này được coi là sẽ tạo ra động lực lớn cho hoạt động đầu tư vào BĐS. Trước hết lãi suất liên tục giảm như hiện nay sẽ lôi kéo những dòng vốn xã hội vào BĐS, tác động, tạo cơ hội cho dòng tiền chảy vào BĐS. Lãi suất hạ người sử dụng dòng vốn tín dụng sẽ được lợi, còn người gửi tiền vào sẽ thiệt thòi, cơ hội gửi tiền tiết kiệm vào NH sẽ giảm đi. Thay vào đó các kênh đầu tư khác như BĐS có cơ hội thu hút dòng vốn từ gửi tiết kiệm NH. Thực tế cũng cho thấy, sau đợt hạ lãi suất vào giữa tháng 3/2014, thị trường BĐS đã có nhiều tín hiệu tích cực, sức mua và vốn đầu tư đều có dấu tiệu tăng, nhiều nhà đầu tư, người mua đã quay lại với BĐS nhất là trong giai đoạn chứng khoán còn “đỏng đảnh” như hiện nay, BĐS thật sự là kênh đầu tư rất đáng để kỳ vọng.
Theo giới phân tích thị trường nhận định, việc giảm lãi suất lần này của các NH chắc chắn sẽ giúp thị trường BĐS tốt lên, vì nhiều người sẽ rút bớt phần tiền gửi NH để đầu tư mua nhà. Hiện có nhiều kênh để đầu tư nhưng BĐS sẽ là kênh được lưu ý. Nếu so sánh 4 kênh đầu tư hiện nay gồm: chứng khoán, USD, vàng và BĐS, thì BĐS là kênh tương đối có giá, thay vì gửi tiền vào NH, nếu người dân mua căn hộ để cho thuê thì lãi suất sẽ cao hơn mức lãi suất NH, đồng thời mình lại được sở hữu một căn nhà và sở hữu này an toàn hơn.
Chờ giảm thêm lãi suất cho vay
Thời gian gần đây, lượng huy động tiền gửi tăng trưởng tốt, trong khi tín dụng ra chậm buộc các NH phải giảm lãi suất đầu vào để tiết giảm chi phí. Giảm lãi suất tiết kiệm có thể quản lý đầu vào nhưng muốn khơi thông đầu ra các ngân hàng cần có động thái hạ cả lãi suất cho vay. Tuy đã có một số NH hạ lãi suất cho vay nhưng ở mức chưa đáng kể và cũng chỉ tại một số NH lớn của NN , chưa nhân rộng ra các NH thương mại và chưa thật hiểu quả.
Theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng hạ lãi suất cho vay sẽ còn tiếp tục khi các NH thương mại đang huy động rất tốt. Tín dụng âm liên tiếp trong nhiều tháng đầu năm khiến vốn bị ế, ở một số NH, tỉ lệ cho vay/huy động khá thấp chỉ khoảng 60% cho thấy sử dụng vốn không hiệu quả, vốn dư thừa rất lớn. Giảm lãi suất tiết kiệm là biện pháp để tiết giảm chi phí đầu vào, còn giảm lãi suất cho vay sẽ kích thích đầu ra.
* Ghi chú: Báo cáo thị trường này dành riêng cho các khách hàng, đối tác của Muonnha.com.vn.
Phương Uyên