Gần đây, UBND Tỉnh Nghệ An ra quyết định số 7077/UBND-XD ngày 25/9/2014 tại khoản 1 dòng thứ 3 ghi rõ: “Không yêu cầu thực hiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình của dự án đầu tư đã được cấp thẩm quyền cho phép đầu tư thuộc khu vực đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500”.
UBND Cần Thơ thống nhất việc thực hiện thi công xây dựng công trình nhà ở thương mại thuộc dự án tại phường Thường Thạnh, quận Cái Răng của Công ty Cổ phần Đầu tư – Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 được miễn cấp giấy phép xây dựng.
Một loạt UBND các tỉnh: Kontum, Đồng Nai, Quảng Ninh… cũng ra những văn bản tương tự.
Bên cạnh sự thuận lợi về việc miễn cấp giấy phép xây dựng cho các dự án trong thời điểm này cũng vẫn tồn tại những bất cập khi triển khai nghị quyết số 43/NQ-CP.
Khi bảo có
Chính Bộ Xây dựng đã có công văn gửi công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam hướng dẫn việc cấp giấy phép xây dựng cho công trình nhà ở cao tầng CT3 thuộc khu đô thị mới C2 – Dự án Gamuda (tại phường Trần Phú, Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Hướng dẫn này gây không ít những băn khoăn cho các nhà đầu tư BĐS.
Theo hướng dẫn của Bộ, căn cứ vào quy định tại khoản 1, Điều 3 của nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 4/9/2012 của Chính phủ về cấp giấy phép xây dựng (Nghị định 64/CP), thì dự án khu đô thị Gamuda không thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, theo điểm H, khoản 1, điều 2, Nghị quyết 43/NQ-CP ngày 6/6/2014 của Chính phủ thì công trình thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 không yêu cầu thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng.
Do vậy, Bộ Xây dựng xét thấy, công trình đã có quy hoạch chi tiết 1/500 nên được xem xét miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, trước khi khởi công xây dựng, thiết kế của công trình phải được lập, thẩm định theo quy định của Nghị Định 15/2013/NĐ-CP ngày 6/2/2014 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng, đồng thời phải thực hiện các yêu cầu của pháp luật về quản lý công trình được miễn giấy phép.
Dự án căn hô chung cư đang thi công |
Lúc bảo không
Thế nhưng đáng chú ý cách đó không lâu, chính Bộ Xây dựng lại có công văn trả lời nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc khi đề nghị cấp giấy phép xây dựng với nội dụng khác hẳn.
Theo đó, Bộ Xây dựng cho rằng thực tế tại các dự án đô thị được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 và được miễn giấy phép xây dựng, có đến 90% nhà dân không xây theo quy hoạch (tăng mật độ, sai vị trí...) và sai thiết kế mẫu nhà được duyệt. Vì thế mà có đến 70% nhà dân tự xây dựng không thể làm được giấy chứng nhận sở hữu tài sản, mà chỉ làm giấy chứng nhận sử dụng đất do xây sai thiết kế.
Thậm chí một số dự án có nhiều công trình nhà cao tầng, nhà ở có quy mô lớn khi triển khai thiết kế bản vẽ xây dựng lại sai khác với nhà mẫu và quy hoạch chi tiết 1/500.
Với thực tế này, theo Bộ Xây dựng, để đảm bảo an toàn chất lượng công trình, chủ đầu tư cần phải xin giấy phép xây dựng đối với công trình này.
Như vậy, thời điểm trước nghị định 64 có hiệu lực. Dự án khu đô thị mới Gamuda và nhiều dự án tương tự trên cả nước đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt không thuộc đối tượng phải xin giấy phép xây dựng. Nhưng sau khi nghị định này có hiệu lực, các dự án trên phải tiến hành xin giấy phép xây dựng.
Sau hơn 2 năm áp dụng, với nhiều bất cập nảy sinh, Chính phủ đã phải điều chỉnh tại nghị quyết 43 theo hướng miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, theo Luật Xây dựng sửa đổi thì từ ngày 1/1/2015 tới đây, các loại dự án trên lại phải xin giấy phép xây dựng.
Ngay cả Tp.HCM được coi là thị trường năng động nhất tại Việt Nam, có những doanh nghiệp thực hiện những dự án đã được phê duyệt chi tiết 1/500 và có ý kiến cơ sở đã tiến hành thi công theo đúng tinh thần của Nghị quyết 43/NQ-CP. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn trước những thông tin phức tạp và trái chiều nên đã quyết định quay lại xin cấp giấy phép xây dựng cho… chắc ăn.
Một chính sách mang tính chất gỡ rối cho doanh nghiệp như vậy mà tại sao lại rắc rối tới như vậy? Người dân và doanh nghiệp đang mong chờ một câu trả lời thỏa đáng.