Theo tiến sĩ Huỳnh Thế Du tới từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, người dân chỉ có thể tích lũy được từ 30-40% tổng thu nhập của mình để dành cho việc mua nhà ở và giá nhà hợp lý cần phải đáp ứng mức này. Song, bên cạnh một số kết quả về chính sách nhà ở mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, vẫn còn tồn tại nhiều nghịch lý giữa thu nhập người dân và giá nhà. Đơn cử, với giá nhà ở là 9,7 triệu đồng/m2 thì những đối tượng có thu nhập từ 5-7,7 triệu đồng/tháng gần như là không thể mua được nhà. Còn những đối tượng thu nhập từ 10,2-14,3 triệu đồng/tháng chỉ mua được nhà có diện tích rất nhỏ, từ 39-55m2. Ngược lại, chỉ có người giàu với mức thu nhập gần 32 triệu đồng/tháng mới có thể mua được một căn nhà ở thoải mái.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long Nguyễn Xuân Quang cho rằng, nhà ở xã hội tại các quốc gia phần lớn đều do chính phủ xây dựng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, Chính phủ Việt Nam cũng khó có thể phát triển nhà ở xã hội mà phải xã hội hóa; trong đó cần có những ưu đãi, chính sách cho doanh nghiệp.
Vừa qua, Tổng công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV vừa đưa vào sử dụng 4.895 căn hộ nhà ở xã hội ở tỉnh Bình Dương |
Về quy định doanh nghiệp phải dành ít nhất 20% diện tích đất dự án để xây dựng nhà ở xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu nhận định, chính sách phát triển nhà ở xã hội không thể trông cậy vào phần diện tích này. Tại các địa phương, đặc biệt là Tp.HCM cần hình thành các cụm nhà ở xã hội tại các huyện, quận ngoại thành, nơi còn có nhiều quỹ đất trống. Trong điều kiện hiện tại, Việt Nam chỉ nên tập trung vào loại hình nhà ở xã hội cho thuê mua và cho thuê. Khái niệm nhà ở xã hội cũng cần được hiểu một cách linh hoạt hơn, có thể là cả nhà ở thương mại giá rẻ, do doanh nghiệp xây dựng, nhận được ưu đãi của Nhà nước để bán cho người có thu nhập thấp. Có như thế mới xã hội hóa công tác phát triển nhà ở xã hội, tăng cường nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tăng cao.
Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh và Phát triển Nhà Bình Dân Lê Ngọc Tú cho biết, công ty có dự án hơn 14.000m2 ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức đã được UBND Tp.HCM chuyển mục đích sử dụng làm đất ở với quy mô hơn 9.200m2, còn lại là đất để công trình công cộng.
Trong quá trình triển khai dự án, vì tiền sử dụng đất quá cao nên doanh nghiệp đã xin cơ quan chức năng chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, dự án tới nay vẫn chưa được thành phố phê duyệt do nhiều vướng mắc trong những quy định hiện hành liên quan tới bảng giá đất nông nghiệp và giá đất chuyển nhượng.
Theo đó, tại dự án này, doanh nghiệp nhận chuyển nhượng đất từ người dân với giá 3 triệu đồng/m2 nhưng theo quy định bán nhà ở xã hội, công ty chỉ được tính giá 400.000 đồng/m2 (giá đất nông nghiệp). Vì thế, ông Lê Ngọc Tú đề xuất, thay vì bắt công ty phải tính chi phí theo công thức, chỉ cần cơ quan Nhà nước cho phép doanh nghiệp phát triển dự án, sau đó tính toán để ra mức giá phù hợp cho cả doanh nghiệp và khách hàng.
Còn Kiến trúc sư trưởng của Công ty Becamex IDC (Bình Dương) Nguyễn Hồng Hải thì cho rằng, tư duy phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam hiện chưa linh hoạt, vẫn đang chủ yếu lấy tư duy lấy nhà của người giàu làm cho người nghèo. Vì thế, cần phải hiểu điều kiện của từng địa phương và nhu cầu thực tế của người thu nhập thấp để đặt ra kế hoạch làm nhà ở xã hội một cách phù hợp và hiệu quả.