Giới chuyên gia cùng chung nhận định, phải có giải pháp mạnh hơn nữa để tiền không đổ dồn hết vào bất động sản, gây áp lực lên giá cả, khiến người thu nhập thấp ngày càng khó mua được nhà.
Cần xem xét một số 'chiêu' đẩy giá đất…
* Ông Nguyễn Văn Đực (PGĐ Công ty địa ốc Đất Lành): Sàn giao dịch bán kiểu đa cấp, kích giá
Tại Tp.HCM khối lượng căn hộ cung cấp ra thị trường rất lớn khi từng có dự án đưa hàng chục ngàn căn hộ ra thị trường. Nếu chỉ thu nhập dưới 20 triệu đồng/tháng thì một gia đình sống tại Hà Nội, Tp.HCM gần như ít có tiền tiết kiệm. Với mức thu nhập này rất khó để mua được căn hộ 1 tỉ đồng.
Trong khi đó, giá bán căn hộ tại các dự án mới hầu hết đều trên 1 tỉ đồng/căn, thậm chí 3-4 tỉ đồng/căn. Tôi thấy rằng, phải có từ 60-70% người mua căn hộ ở những dự án mới tại Tp.HCM là để đầu cơ. Các sàn giao dịch bất động sản là nơi diễn ra rõ nhất tình trạng này.
Do nhiều người mua rồi để đó nên các khu đô thị gần như bị bỏ hoang, gây áp lực lên nguồn cung và giá nhà đất. Trong ảnh: Một khu đất tại quận 9, Tp.HCM với những căn nhà xây xong thô rồi bỏ hoang. Ảnh: Quang Định |
Nếu trước đây một sản phẩm chỉ cần một sàn bán thì nay có những sản phẩm giao cho một sàn, sau lại chia nhỏ ra cho 5-7 sàn nữa.
Sự cạnh tranh giữa các sàn đã bắt đầu hỗn loạn, bát nháo thậm chí có tính bán hàng đa cấp, tạo sốt ảo kích thích người mua. Có những người gom một lúc vài ba căn, hoặc một số người hợp lại thành nhóm để mua. Lý do là bởi các sàn kích cầu, mua một căn được chiết khấu 1%, mua hai căn được chiết khấu 2%...
Đây chính là một cách tạo ra cơn sốt, thu hút người ta tranh nhau đi mua rồi 'lướt sóng'. Nếu thực sự tỉ lệ lướt sóng lên tới 60-70% thì rất dễ xảy ra vỡ bong bóng bất động sản (như năm 2007, 2008) nếu có trở ngại nào đó trong nền kinh tế.
Việc đưa ra được giải pháp ngăn chặn không đơn giản, bởi hiện chính quyền chỉ xét duyệt đúng quy định để cấp phép chứ ít đưa ra định hướng.
Nỗi lo của tôi là các doanh nghiệp chỉ mải mê chạy theo lợi nhuận, doanh số bán hàng mà không nghĩ đến sự bền vững của thị trường và uy tín.
Các doanh nghiệp đang đua quảng cáo để lôi kéo khách. May là vừa rồi Tp.HCM đưa ra cảnh báo đất các vùng ven kịp thời. Tuy nhiên theo tôi, hiệp hội cũng như các cơ quan chức năng phải tăng thông tin để giảm cơn sốt nhà đất.
TS Đinh Tuấn Minh, chuyên gia tài chính |
* TS Đinh Tuấn Minh (chuyên gia tài chính): Nơi nào thuận lợi, tiền sẽ chảy vào
Cũng giống như nhiều nước đang phát triển, thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi nên giá có xu hướng tăng.
Đây cũng là lý do nhiều người bỏ tiền vào nhà đất nhất là khi có thêm 'động lực', chẳng hạn như có thông tin trước về quy hoạch.
Trong việc mọi người đầu tư sang Mỹ cũng vậy, bên cạnh nhu cầu để ở khi cho con cái sang đó học hành, rất có thể còn có cả việc đầu tư. Tuy lợi nhuận hấp dẫn nhưng bất động sản cũng là lĩnh vực đầu tư đứng đầu bảng về rủi ro…
Vậy làm thế nào để chuyển hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, vào các doanh nghiệp khởi nghiệp theo như chỉ đạo mà Chính phủ vừa giao cho Ngân hàng Nhà nước?
Tôi cho rằng, việc đầu tư vào đâu là nhu cầu của nền kinh tế. Một khi thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi thì tự nhiên các doanh nghiệp sẽ chuyển tiền sang sản xuất kinh doanh.
* Ông Trần Hùng (Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư VN - VFM): Có chính sách khuyến khích đầu tư dài hạn
Từ trước tới nay bất động sản là một lựa chọn truyền thống với người Việt Nam. Bản thân các nhà đầu tư dù ở quy mô lớn hay nhỏ cũng đều cố mua vào và tích trữ, đây là lý do mỗi khi kinh tế hồi phục thì thị trường bất động sản cũng sẽ “nóng”.
Điều này không hề tốt cho nền kinh tế khi nguồn vốn và nguồn lực tập trung quá nhiều vào bất động sản, giá trị bị đẩy quá cao.
Một dãy nhà bỏ hoang trong khu đô thị Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ảnh: Quang Lê
Vậy có phải chúng ta đang thiếu kênh đầu tư? Hiện thị trường đang có 30 quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó có 18 quỹ mở. Theo tôi được biết, tổng giá trị tài sản quản lý của các quỹ mở nội địa tính đến hết ngày 31/5/2017 là hơn 5.000 tỉ đồng. Hầu hết các quỹ này đều có mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng khá ổn định ở mức cao hơn lãi suất ngân hàng.
Chính phủ cũng đã và đang tập trung gia tăng quy mô thị trường tài chính. Một khi thị trường đủ lớn, có nhiều hàng hóa tốt, thì tự bản thân nó sẽ hấp dẫn dòng tiền. Tuy vậy, bản thân nhà đầu tư cũng cần được khuyến khích tham gia sản phẩm đầu tư dài hạn với cơ chế ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân phù hợp.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh: Tiền vào bất động sản, rủi ro nợ xấu Theo bảng cân đối liên ngành mới nhất mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, thu nhập từ sản xuất trong giá trị tăng thêm chỉ bằng 94% tiêu dùng cuối cùng… Điều đó cũng có nghĩa là, để có thể tiêu dùng và đầu tư, người dân cần một lượng thu nhập từ ngoài sản xuất, từ sở hữu và chuyển nhượng, từ các khu vực khác (có thể là tham nhũng, đầu cơ, vay mượn…) để bù đắp cho khoản thiếu hụt đó. Thế nhưng thực tế là dù người dân làm không đủ tiêu nhưng tiền vẫn chảy vào bất động sản, điều này tất yếu sẽ gây nên rủi ro nợ xấu cao, rủi ro về đạo đức… Ngoài ra, thặng dư của ngành xây dựng luôn cao, giá bán và giá thành chênh lệch nhau rất nhiều. Bất động sản ở Việt Nam chủ yếu hình thành trên mối quan hệ, gắn lợi ích nhóm, kém minh bạch. Tất cả những yếu tố này khiến dòng tiền đổ vào bất động sản không giúp nền kinh tế phát triển bền vững. |