Cao ốc bức tử giao thông
Tại hội thảo “Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan với hệ thống hạ tầng đô thị tại các thành phố lớn ở Việt Nam”, PV Muonnha.com.vn ghi nhận nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề hệ lụy do nhà cao tầng gây ra. Trong đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng khẳng định thực trạng quá nhiều tòa nhà cao tầng được xây dựng tại các đô thị lớn ở Việt Nam kéo theo nhiều hệ lụy đô thị.
Nhiều công trình cao tầng trong khu vực nội đô đang gây nên sự quá tải về hạ tầng kỹ thuật nhất là giao thông |
Ông Tiến cho biết, tại Hà Nội, không chỉ đường nhỏ, phố nhỏ mới tắc mà ngay cả đường rộng với mặt cắt lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Lê Văn Lương… cũng tắc. Ví dụ như đường Tố Hữu, từ một con đường thoáng đãng với chiều dài khoảng 6km, mặt cắt 40m, 6 làn xe, hè 2 bên 10m… nhưng giờ đây có khoảng 40 tòa nhà cao tầng bao quanh như một hàng rào đan kín. Tuyến phố Nguyễn Tuân dài hơn 1km với mặt nhỏ, hè mỗi bên hẹp mà cũng đã có hơn 20 tòa nhà khu chung cư cao tầng đã và đang tiếp tục được xây dựng với mật độ ngày càng cao. Nhiều tòa nhà cao tầng được xây dựng ngay tại các khu đất quá nhỏ trong các ngõ phố chật hẹp.
Trong khi đó, tại Tp.HCM, các cao ốc từ 16-34 tầng cũng đã và đang chen cứng trên đường Bến Vân Đồn… Tại quận Bình Thạnh, đường Ung Văn Khiêm có chiều dài chưa đầy 2km và mặt cắt ngang khá hẹp nhưng hiện có tới gần chục chung cư cao tầng đã và đang mọc lên. Đường Nguyễn Hữu Cảnh gần đó, một trong những tuyến đường chính từ cửa ngõ phía Đông vào trung tâm quận 1 cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tại cửa ngõ phía Đông, đường Mai Chí Thọ và xa lộ Hà Nội dù đã được mở rộng lộ giới lên 80-120m nhưng vẫn thường xuyên bị ùn tắc, do khu vực này hiện có hơn 50 tòa nhà cao trên 30 tầng…
Ông Tiến nhấn mạnh, việc xây dựng nhiều công trình cao tầng trong khu vực nội đô đang gây nên sự quá tải về hạ tầng kỹ thuật nhất là giao thông. Ngoài ra là những bất cập không lường trước được như thiếu đồng bộ về cảnh quan kiến trúc, sự chênh lệch về không gian cùng với các hình thức kiến trúc công trình, phá vỡ cấu trúc đô thị trung tâm và quy hoạch đô thị. Tại nhiều khu vực mặt bằng thi công chật hẹp, không thuận lợi về giao thông, nhiều sự cố phát sinh trong quá trình thi công như lún sụt, nguy cơ gây sập công trình lân cận, tiềm ẩn cao nguy cơ về cháy nổ, mất điện, nước, ngập úng, tắc đường, mất an ninh, an toàn…
Vai trò của quy hoạch
Trong khi đó, theo PGS.TS Phạm Hùng Cương (Đại học Xây dựng Hà Nội) thì bản thân kiến trúc cao tầng không tạo ra nhược điểm cho đô thị. Công nghệ ngày càng hiện đại, nhà cao tầng càng phát huy vai trò của nó. Đó là sự an toàn hơn, tiện nghi hơn, tiết kiệm đất, hiệu quả sử dụng đất cao hơn và sinh thái hơn…
Bản thân kiến trúc cao tầng không tạo ra nhược điểm cho đô thị |
Vấn đề là các đô thị cần có một cấu trúc rõ rệt để cho các kiến trúc cao tầng hình thành và phát huy được vai trò của nó. Đặc biệt cần làm rõ vai trò của kiến trúc cao tầng trong việc tái thiết các khu vực đô thị cũ. Quyền chủ động thiết lập cấu trúc không gian chỉ có từ các nhà quy hoạch nếu quy hoạch đó gắn với chiến lược tái thiết phù hợp. Nếu không thì quyền thiết lập không gian từ các công trình cao tầng sẽ thuộc về các nhà phát triển và đẩy thành phố vào sự hỗn loạn không gian không có hồi kết.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright cho rằng nhà ống dày đặc mới chính là một trong những nguyên nhân chính của hàng loạt trục trặc tại các đô thị lớn Việt Nam. Trên thực tế, ở nhiều nơi trên thế giới, những tòa nhà chung cư theo hướng nén (mật độ cao) kết hợp với giao thông công cộng mới là giải pháp để giảm thiểu những bất cập trên.
Ông Nguyễn Đỗ Dũng, chuyên gia quy hoạch đô thị cũng cho biết tại nhiều quốc gia, ở những vị trí hình thành giao thông công cộng như nhà ga, tàu điện đều có thể gia tăng mật độ dân số để người dân có xu hướng sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn. Nhưng ở Việt Nam lại hoàn toàn trái ngược, những vị trí xa nhà ga, xa các trạm phương tiện công cộng và đường lớn thì hình thành rất nhiều dự án có quy mô lớn, trong khi có những dự án ngay sát nhà ga lại không tận dụng để kết nối mà cũng không cho phép gia tăng mật độ.
Theo ông Dũng, trong nhiều trường hợp, cao ốc đồng nghĩa với mật độ nhưng thực tế số tầng cao ốc và mật độ dân số là 2 câu chuyện khác nhau. Trên thực tế, việc hình thành những căn nhà thấp tầng san sát thiếu không gian mở mới tạo ra mật độ không hề thấp. Với mật độ tương đương, việc chuyển thành chung cư rõ ràng sẽ có rất nhiều không gian trống làm đường đi, làm công trình tiện ích để giảm kẹt xe. Và nếu nói về câu chuyện mật độ, cần phải xem lại năng lực giao thông.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh: “Việc xây dựng các tòa nhà cao tầng không có gì sai và không có gì xấu. Cái sai và xấu ở đây là việc chúng ta xen kẹt nhà cao ốc vào các khu hiện hữu và làm gia tăng mật độ dân số. Tức là câu chuyện có gia tăng mật độ hay không, điều đó còn phụ thuộc vào từng vị trí cụ thể của thành phố”.
Thúy An