Ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới cho biết, nếu các chính sách, pháp luật về đất đai phù hợp thì thị trường bất động sản sẽ phát huy hiệu quả. Thế nhưng, hiện nay, thị trường bất động sản đang có những biểu hiện phi thị trường, hoạt động kém hiệu quả nhất. Bởi vì, thị trường đất nông nghiệp hầu như không có, còn thị trường đất đô thị thì đầy rẫy đầu cơ, chộp giật.
Ông Võ Đại Lược cho biết, trong nền kinh tế thị trường, hai thị trường quan trọng nhất là bất động sản và tài chính. Khi thị trường bất động sản yếu kém sẽ gây khó khăn cho thị trường tài chính. Vì để có tài chính phải thế chấp bằng bất động sản, thị trường bất động sản phải tốt mới có cơ sở để thế chấp tốt. Còn ở nước ta, thị trường bất động sản còn kém, không đủ cơ sở để có thể thế chấp, đảm bảo tốt cho thị trường tài chính.
Phân tích về những bất cập đang tồn tại ở thị trường bất động sản hiện nay, ông Võ Đại Lược cho rằng, các thể chế về thị trường bất động sản vẫn còn những bất cập, không đủ để tạo một thị trường hoạt động bình thường như các nước khác.
Mức chênh lệch giữa giá đền bù cho dân và giá người dân phải mua lại từ chủ đầu tư quá lớn là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải phóng mặt bằng, khiếu kiện. |
“Chúng ta hội nhập toàn cầu rồi Luật Đất đai, thị trường bất động sản phải có tính quốc tế. Nếu chúng ta đặt ra những quy định pháp luật yếu kém thì không thể cạnh tranh được. Định hướng xã hội chủ nghĩa không có nghĩa là kiềm chế các thể chế không giống các nước tiên tiến. Thể chế của thị trường bất động sản, trước hết là đất đai, phải đi theo hướng hiện đại. Thế giới đã phải tranh cãi hàng thế kỷ mới có được luật về đất đai, về bất động sản, không lý gì chúng ta không kế thừa”, ông Võ Đại Lược nói.
Ngoài ra, ông Võ Đại Lược còn cho rằng lợi ích nhóm đang chi phối lên đất đai, thị trường bất động sản. Ông Võ Đại Lược dẫn chứng: Một ông chủ đứng ra xin một mảnh đất mấy trăm hecta, xin lập khu công nghiệp, vay vốn ngân hàng làm một chút hạ tầng rồi bán, cho thuê với giá cao trong khi đền bù cho người dân chẳng bõ bèn gì.
Tại hội thảo, bà Trần Thị Minh Châu, Viện phó Viện Kinh tế, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đưa ra câu chuyện: Thu hồi đất đai của dân đền bù 1 triệu đồng, bán lại cho một ông chủ 2 triệu đồng, nhưng sau đó người này lại bán với giá 20 triệu đồng. Vậy 18 triệu đồng ấy đi đâu? Phần chênh lệch khi chuyển quyền sở hữu được phân bố cho ai? Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các đô thị, phần chênh lệch ấy rơi hết vào túi những người kinh doanh bất động sản. Vì thế, đã nảy ra trào lưu, muốn làm giàu thì kinh doanh bất động sản và đầu cơ bất động sản.
Ngoài ra, việc giao đất cho cơ quan, doanh nghiệp nhà nước rồi sau đó định giá cho cổ phần hóa với giá rẻ. Đã có nhiều cơ quan, công sở nhà nước có quyền bán đất, rồi lại xin Nhà nước một mảnh đất khác. Có những mảnh đất đẹp giữa thủ đô được bán cho một công ty tư nhân. “Phải nghiên cứu cách quản lý của Nhà nước để phần chênh lệch vào ngân sách hoặc người dân. Hiệu quả sử dụng đất nằm ở người sử dụng chứ không phải nằm ở ông kinh doanh, đầu cơ bất động sản”, bà Minh Châu nói.
Theo ông Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, mức chênh lệch giữa giá đền bù cho dân và giá người dân phải mua lại từ chủ đầu tư quá lớn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chây ỳ, chậm giải phóng mặt bằng, khiếu kiện, ngăn cản nhà đầu tư sử dụng đất trong khu đô thị, khu công nghiệp... Món lợi chênh lệch giá quá lớn khiến nhiều doanh nghiệp và nhiều người có tiền nhàn rỗi đổ xô vào kinh doanh và đầu cơ bất động sản, một trong những nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng thừa nhà ở hiện nay.