Theo Wikipedia, Wabi Sabi là triết lý cổ xưa của Nhật Bản, tập trung vào việc chấp nhận tính phù du, sự nhất thời và không hoàn hảo của vạn vật. Triết lý này giúp con người nhìn nhận sự việc theo một cách đơn giản, tích cực hơn, chấp nhận bản chất vô thường, từ đó cuộc sống trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn.
Triết lý Wabi Sabi nằm ở những chiếc bát sứ Nhật giản dị đã sứt mẻ. Thay vì vứt bỏ nó đi, người nghệ nhân trám vàng vào vết nứt để biến khuyết điểm thành ưu điểm. |
Để hiểu Wabi Sabi (侘寂) là gì, trước hết hãy cùng cắt nghĩa cụm từ này. Trong tiếng Nhật Wabi nghĩa là tìm thấy sự đủ đầy trong tâm hồn qua những thứ giản dị, đơn sơ, cuộc sống khiêm tốn về vật chất. Ngoài ra, từ này còn mang nghĩa tách biệt, tận hưởng sự thanh tịnh điềm nhiên. Còn Sabi chính là vẻ đẹp mộc mạc, được tôi luyện qua bàn tay của thời gian khi những đồ vật khoác lên mình tấm áo bụi sạm màu nhưng mang vẻ đẹp của tự nhiên, ẩn lấp sau lớp bụi là phẩm giá và khí chất tao nhã. Vì thế, lớp bụi, vệt hằn, sứt mẻ, hư hao không làm giảm giá trị của đồ vật mà trái lại, trở thành đặc điểm giá trị của chính món đồ đó.
Nguồn gốc hình thành
Trong giai đoạn thế kỷ XII-XIV, Wabi Sabi nhen nhóm hình thành từ sự xâm nhập của Đạo giáo mà nhất là Thiện Phật vào cách sống, cách cảm nhận cái đẹp của người Nhật. Bước sang thế kỷ XVI, sự phát triển của trà đạo Nhật Bản đánh dấu bằng việc thiền sư Sen no Rikyu (1522-1591) sử dụng chiếc ấm bình dân cùng những chiếc chén sứt mẻ thay cho thiết kế tinh xảo từ Trung Quốc khi tiến hành nghi thức trà đạo đã giúp cho triết lý Wabi Sabi thật sự hoàn thiện và bước vào thời kỳ đỉnh cao, chiếm giữ vị trí độc tôn trong quan niệm thẩm mỹ của người dân xứ sở hoa anh đào.
Triết lý Wabi Sabi với người Nhật đóng vai trò cốt lõi giống như tầm quan trọng của phong thủy với người Trung Hoa. Không chỉ là linh hồn cho nghệ thuật trà đạo, đến nay, triết lý Wabi Sabi dần trở thành tiêu chuẩn thẩm mỹ cho nhiều lĩnh vực khác, từ thơ ca, hội họa, gốm sứ cho đến kiến trúc, thiết kế, tiêu biểu như dòng thơ Haiku hay nghệ thuật Kintsugi. Trong kiến trúc và thiết kế, triết lý Wabi Sabi được yêu thích và ứng dụng triệt để bởi cảm giác dễ chịu và yên bình mà nó mang lại. Để thấu hiểu trọn vẹn về Wabi Sabi có lẽ cần một hành trình dài nhưng bạn có thể nắm bắt được tinh thần chủ đạo của phong cách này qua những đặc điểm mà chúng tôi liệt kê dưới đây.
Đặc trưng của phong cách thiết kế Wabi Sabi
Phong cách thiết kế Wabi Sabi luôn hướng đến những yếu tố thiên nhiên nhằm mang đến cảm giác yên bình cho không gian nhà. Do vậy, từ cách lựa chọn nội thất hay trang trí không gian đều lấy sự tự do, phóng khoáng và chấp nhận tính vô thường của đồ vật làm hướng đi. Những điều này đã mang đến cho phong cách thiết kế Wabi Sabi những nét đặc trưng rất riêng.
Chất liệu tự nhiên
Chất liệu là thành tố không thể thiếu để kể nên câu chuyện của phong cách Wabi Sabi một cách trọn vẹn. Wabi Sabi hướng tới sử dụng các vật liệu hữu cơ tự nhiên, gần như bỏ qua các công đoạn gia công, làm sạch đánh bóng mà giữ lại hầu như nguyên trạng vẻ đẹp ban đầu, thể hiện sự trân trọng mọi sự như vốn dĩ của chúng. Vật liệu phổ biến gồm gỗ mộc, đá, đất sét, sợi tự nhiên, vải dệt thô, kim loại… Đây là những chất liệu truyền tải ấn tượng và trọn vẹn nhất dòng chảy của thời gian.
Đồ nội thất Wabi Sabi có tính mộc mạc một cách tự nhiên.
Kiểu dáng chân phương
Khi ứng dụng phong cách Wabi Sabi, hãy cố gắng giữ nguyên hình dáng ban đầu của chất liệu, nếu có cũng chỉ chỉnh sửa một cách tiết chế thay vì biến đổi hoàn toàn chúng theo khuôn mẫu có sẵn nhằm thể hiện sự tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên. Có thể thấy rằng, kiểu dáng nguyên thủy của sản phẩm chính là đặc tính nổi bật, gây ấn tượng nhất.
Màu sắc tự nhiên
Tuân theo tiêu chí giữ lại những gì tự nhiên và nhẹ nhàng nhất, triết lý Wabi Sabi không đề cao màu sắc trong thiết kế. Vì thế, tại những không gian mang phong cách Wabi Sabi, màu sắc gần như ở trạng thái chìm mà không có cơ hội phô bày vẻ rực rỡ. Những gam màu chân thực tự nhiên như màu đất, nâu xám, xanh lục, nâu đỏ nhạt, xanh lá cây hay những màu pastel dịu nhẹ thường thiếu sự tương phản hay tính thống nhất, từ đó đem lại cảm giác bình yên trong tâm trí.
Tông màu đất góp phần hoàn thiện phong cách thiết kế Wabi Sabi.
Kết cấu trong phong cách Wabi Sabi
Bên cạnh chất liệu nguyên bản, kết cấu trong phong cách thiết kế Wabi Sabi thường giữ nguyên bề mặt tự nhiên ban đầu với những sắc độ không đều, đầy ngẫu hứng cùng bề mặt xù xì, thô ráp.
Những khoảng không tịnh vắng
Mục tiêu của phong cách Wabi Sabi là tạo ra không gian yên bình, tĩnh lặng trong trạng thái thiếu vắng về vật chất. Do vậy, những khoảng không đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong phong cách thiết kế này. Trong ngôi nhà theo phong cách Wabi Sabi không hề tồn tại một khoảng không nào vô nghĩa. Các khoảng trống được tạo ra kết hợp hợp cùng ánh sáng tự nhiên ngập tràn qua ô cửa sổ mang lại cảm giác thoáng đãng, dễ chịu, tràn đầy sinh khí. Phong cách Wabi Sabi hướng tới tạo lập điểm nhìn với các khoảng không sao cho mọi người có thể thư giãn, tĩnh tâm dù ngồi ở bất cứ nơi đâu trong ngôi nhà của mình.
Mọi khoảng không trong nhà đều có thể trở thành nơi để thư giãn, tĩnh tâm lại.
Đơn giản
Ở đây, sự đơn giản từ chính chất liệu hữu cơ. Sự đơn giản thể hiện ở cách thức sáng tạo, không kiểu cách nhưng không vì thế mà buồn tẻ, trái lại hết sức tinh tế bởi ẩn sau lớp vỏ ngoài giản chính là vẻ đẹp nguyên sơ, vĩnh cửu. Wabi Sabi loại bỏ những chi tiết trang trí cầu kỳ, bày biện không cần thiết và hướng con người đến những vật dụng cơ bản, đề cao sự hữu dụng và độ bền của đồ vật, giúp con người thoát khỏi sự thao túng của vật chất. Một ngôi nhà mang phong cách Wabi Sabi chỉ nên bày biện đơn giản với những vật dụng mộc mạc, thô sờn theo thời gian.
Đảm bảo tính cân bằng
Phong cách thiết kế nội thất Wabi Sabi thể hiện sự cân bằng hữu cơ vốn có của thế giới tự nhiên. Không có một quy luật nhất định nào phản ánh hệ thống của tự nhiên bởi mọi vật sẽ thay đổi theo những môi trường nhất định. Một cái cây sẽ phát triển cao hay thấp, nhiều lá hay ít lá, thân to hay nhỏ đều phụ thuộc vào điều kiện sinh sống, vào những cây xung quanh.
Sự tiết chế
Sự tiết chế được ứng dụng bằng cách loại bỏ những thứ không cần thiết hơn là những gì được đặt thêm vào, từ đó mang lại cảm giác chân thật và trải nghiệm của quy luật vô thường trong không gian. Mọi sự đều vô thường, không có gì là bất biến, vĩnh viễn.
Giữa nhịp sống xô bồ, hối hả, không gian Wabi Sabi giống như một khoảng lặng quý giá mà chúng ta hằng mong có được để tìm thấy sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn. Việc ứng dụng Wabi Sabi dễ hay khó còn tùy thuộc vào việc chúng ta hiểu và chấp nhận mức độ không hoàn hảo ra sao. Hãy cùng ghé thăm ngôi nhà mang phong cách Wabi Sabi để hiểu rõ hơn về điều này.
Công ty thiết kế Soar Design Studio hợp tác cùng kiến trúc sư Chen-Tien Chu tiến hành cải tạo ngôi nhà có tuổi đời hơn 50 năm ở thành phố Đài Trung (Đài Loan), tạo nên không gian sống thoáng đãng, gắn kết với rất nhiều nơi để thư giãn. |
Ngôi nhà gạch trước đó đã xuống cấp, lỗi thời, cần được tân trang lại nhằm đáp ứng lối sống hiện đại của gia đình trẻ. Ngoài ra, kiến trúc sư cũng cần giải quyết vấn đề ánh nắng mặt trời gay gắt vào buổi chiều và làm phong phú thêm cảnh quan hiên nhà. |
Tuân theo đúng tinh thần của triết lý Wabi Sabi, đội ngũ kiến trúc sư cố gắng duy trì những chi tiết cũ còn tốt, đồng thời mang lại hơi thở mới cho tổng thể công trình. |
Ở đây, thay vì vứt bỏ những thứ cũ kỹ, người ta lại tìm cách dung hòa giữa cũ và mới. Giữ lại bức tường cũ ban đầu nhằm nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn về dòng chảy của thời gian. Vỏ cây sần sùi cùng màu sắc tự nhiên tạo nên bầu không khí hài hòa, gần gũi. Kiến trúc sư đã cố gắng duy trì những nét riêng của công trình cũ bằng cách sử dụng các vật liệu tự nhiên như đá, gỗ, kim loại và bê tông như một cách thể hiện sự tôn trọng triết lý Wabi Sabi. |
Không gian thoáng đãng mở ra cảnh quan ngoài trời. Các thủ thuật thiết kế được ứng dụng khéo léo nhằm đưa sắc màu tự nhiên vào trong ngôi nhà. |
Một trong những mục tiêu chính của quá trình cải tạo là tăng cường kết nối giữa không gian nội thất và ngoại thất, bao gồm cả khoảng vườn nhỏ xinh và ban công. Phần tường gạch phía Tây bị phá bỏ, thay thế bằng tường kính trong suốt, mở ra khoảng không thoáng đãng với nhiều câu xanh. Cấu trúc tường được gia cố bằng dầm thép chữ I để đảm bảo an toàn. |
Bố cục mở với các không gian nấu nướng, ăn uống và thư giãn liên thông, có thể “vay mượn” diện tích của nhau. |
Các kiến trúc sư đã cắt giảm không gian bên trong nhằm tăng cường diện tích cho sân hiên và ban công, góp phần thúc đẩy tương tác giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên theo cả chiều dọc và chiều ngang. |
Khoảng thông tầng ngay phía trên phòng khách mang ánh sáng tự nhiên từ phía trên xuống không gian bên dưới và tạo sự kết nối trực quan giữa hai tầng. |
Minh Châu (TH)