Việc khai thác, sử dụng đất đai cần hết sức thận trọng, chặt chẽ vì đây là loại tài nguyên có hạn và có giá trị rất lớn. Trong công tác quản lý đất đai, một nguyên tắc vô cùng quan trọng là phải hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, bên cạnh đó cũng cần phát huy tối đa hiệu quả của loại tài nguyên này, nhất là đất công.
Quy định hiện nay cho phép UBND các cấp huyện, tỉnh được tạo quỹ đất để đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất. Bản chất của việc làm này thực ra là “bán” đứt đất công cho các cá nhân, tổ chức được sử dụng lâu dài.
Mục đích của quy định cho phép đấu giá đất là nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước, tạo vốn đầu tư xây dựng cơ bản và thực hiện quản lý, sử dụng đất tốt hơn, hiệu quả hơn...
Đất công đang là miếng bánh béo bở để nhiều địa phương trục lợi. Ảnh minh họa
Thế nhưng thực tế tại nhiều địa phương, nhất là ở các thành phố, đô thị, chủ trương cho phép bán đấu giá đất thu ngân sách đã bị lợi dụng, đất công bị đem rao bán tràn lan. Nhiều trường hợp có sự cấu kết, thông đồng biến đất công thành tư để bán, chuyển nhượng với giá rẻ mạt, thấp hơn cả chục thậm chí hàng trăm lần so với giá thị trường. Hành động này không chỉ gây thất thoát tài sản nhà nước mà còn khiến dư luận, nhân dân bức xúc.
Tương tự, Điều 62 luật Đất đai năm 2013 có nêu quy định về quyền được thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích công cộng. Quy định này cũng bị nhiều nơi lợi dụng khi thu hồi đất của người dân vô tội vạ, bất hợp lý. Người dân tại nhiều địa phương phải đi kiện tụng khắp nơi, bức xúc kéo dài do cơ quan quản lý thu hồi đất của dân, sau đó lấy lý do sử dụng không hết, thay đổi quy hoạch để phân lô, bán nền, khiến quyền và lợi ích chính đáng của người dân bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, lấy lý do tăng thu ngân sách hoặc thực hiện chủ trương “đổi đất lấy công trình”, cơ sở hạ tầng, tại một số địa phương xảy ra tình trạng khai thác triệt để, kiệt quệ quỹ đất công để đưa ra bán đấu giá. Thực trạng này khiến kinh tế, chính trị, xã hội bị ảnh hưởng, nhất là khi đất đai nằm trong tay thiểu số, còn lại phần nhiều người dân thiếu đất ở, đất sản xuất.
Thậm chí còn xảy ra tình trạng nhiều địa phương đưa ra đấu giá ồ ạt, đấu giá theo kiểu “lấy được”, theo kế hoạch ngân sách, năm công tác... khiến đất công "chảy máu", nhiều khu đất công được đem ra đấu giá với mức thấp so với thực tế.
Từ những hệ lụy trên, nên chấm dứt việc bán đứt cho cá nhân, tổ chức tràn lan, ồ ạt như hiện nay bằng cách cho thuê đất công. Bởi lẽ, cùng với sự gia tăng của dân số, sự phát triển kinh tế - xã hội đều rất cần có quỹ đất tương ứng để phục vụ nhu cầu nhà ở xã hội, vui chơi giải trí, giao thông, cơ sở hạ tầng... của người dân. Hơn nữa, khi chuyển sang cho thuê, việc thu hồi, giải tỏa để phục vụ quốc phòng, an ninh, phát triển hạ tầng công cộng trong những trường hợp cần thiết cũng dễ dàng, đơn giản hơn, trong khi không phải bồi thường với giá cao và có thể không được dân đồng thuận...
Giải pháp tối ưu cho những bất hợp lý nêu trên là Nhà nước thay vì cho bán đất công thì chỉ nên cho thuê có thời hạn, nhất là ở khu vực đô thị vốn ngày càng khan hiếm quỹ đất. Cách làm này vừa giúp quỹ đất hiện có không bị giảm đi mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách, sử dụng đất hiệu quả và không lãng phí.
Hơn nữa đây còn là giải pháp giúp hạn chế triệt để tình trạng thất thoát, lãng phí, tiêu cực khi đấu giá quyền sử dụng đất, chấm dứt tình trạng đất đai tập trong vào tay một số người giàu có; đồng thời góp phần giải quyết tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai xảy ra nghiêm trọng như thời gian qua.
Ths. Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)