Muốn tách thửa đất phải... chờ
Miếng đất mà ông Nguyễn Văn An sở hữu có diện tích 1.800 m2 ở phường Linh Tây (quận Thủ Đức, Tp.HCM). Theo quy hoạch đây là đất dân cư hiện hữu cải tạo, hiện ông An đang xin làm thủ tục tách thửa, phân lô và muốn bán một phần đất để trả bớt nợ nần. Theo quy định, ông An đã thi công cơ sở hạ tầng và bàn giao cho nhà nước để được tách thửa. Tuy vậy, dù đã bàn giao đầy đủ ông vẫn chưa được tách thửa vì còn phải chờ Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) quận Thủ Đức “đang làm văn bản xin ý kiến của Sở Tài nguyên - Môi trường”. Hồ sơ của ông An đã bị ngâm suốt hơn 5 tháng qua mà chưa được giải quyết.
"Tôi không biết lý do việc tôi chưa được tách thửa là do UBND quận Thủ Đức hay Sở Tài nguyên - Môi trường không thực hiện theo ý kiến của Sở Quy hoạch - Kiến trúc đối với đất ở dân cư hiện hữu cải tạo". Ông Nguyễn Văn An |
Tương tự, ông Hà Huy Tuyến cũng rất bức xúc khi mảnh đất thuộc đất ở xây dựng mới tại phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2, Tp.HCM) của ông chưa được cấp giấy phép xây dựng chính thức. Theo đó, ông chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm khi lên UBND quận xin cấp chứng chỉ quy hoạch cho khu đất của mình.
“Cán bộ thụ lý hồ sơ chỉ nói phải chờ hướng dẫn của các sở ngành liên quan. Nhưng chờ đến khi nào… thì chưa biết trong khi quyết định về tách thửa của TP đã có”, ông An ngán ngẩm cho biết.
Trên thực tế, có không ít khu đất đã thực hiện quy hoạch cách đây cả chục năm, nay đã lỗi thời, người dân xây nhà ở gần kín hết nhưng vẫn không được coi là khu dân cư hiện hữu. Người dân trong những khu vực này khi xin tách thửa vẫn bị xếp vào đất ở hiện hữu cải tạo, khu dân cư xây dựng mới… Đáng nói là trong luật Đất đai 2013 lại không có tên hai loại đất này nên người dân không thể thực hiện quyền lợi hợp pháp của mình dù đất của họ đã được chuyển thành đất ở và nộp đủ tiền sử dụng đất.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Kha, một người dân quận 9 (Tp.HCM) có nhu cầu tách thửa, đề nghị: “Dù là đất ở xây dựng mới hay đất ở chỉnh trang... nhưng sau 5 năm sau khi công bố quy hoạch, nếu thực tế hiện trạng đã có nhà ở và cư dân sinh sống đúng luật pháp thì nay phải được coi là đất ở hiện hữu để quá trình thực hiện Quyết định 60 đi vào cuộc sống và các bộ phận triển khai không có điều kiện làm khó người dân khi đi làm thủ tục”.
Theo khảo sát thực tế ở một số địa phương như huyện Hóc Môn, quận 9, thì việc giải quyết tách thửa đất cho người dân tại đây vô cùng khó khăn.
Theo nguyện vọng của người dân, quy định tách thửa đất phải
được thực hiện công khai, minh bạch. Ảnh: Đình Sơn
Không để đầu nậu lợi dụng phân lô
Theo khẳng định của ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức, đối với những khu đất mà người dân, doanh nghiệp làm đường giao thông để phân lô, tách thửa kinh doanh, tạm thời quận sẽ không giải quyết cho tách thửa. Theo đó, quận Thủ Đức sẽ chỉ giải quyết các trường hợp tách từ thửa lớn sang 5 thửa nhỏ, đã có đường giao thông.
Về việc này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cũng từng giải thích rõ: "Mục tiêu của Quyết định 60 là cho phép giải quyết tách thửa đất ở để phục vụ nhu cầu của người dân như tách thửa cho con, giải quyết các nhu cầu chính đáng cho cuộc sống, chứ không phải hướng dẫn tách thửa để thực hiện dự án nhà ở. Một dự án thực hiện bài bản sẽ được phê duyệt cụ thể chỉ tiêu đất ở là bao nhiêu, còn lại là làm hạ tầng xã hội, kỹ thuật để giải quyết cho nhu cầu phát triển chung. Còn những khu đất lớn tách nhỏ ra thành nhiều thửa để chuyển nhượng mà không làm hạ tầng sẽ để lại gánh nặng cho xã hội. Vướng là ở những trường hợp này."
Cũng về vấn đề tách thửa đất tại Tp.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP cho biết: "Mục đích của việc này là giúp cho người dân tách ra cho con cái. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nơi có tình trạng cơ quan chức năng tiếp tay cho đầu nậu phân lô bán nền dẫn đến thoát nước không có, hạ tầng không có, ánh sáng không có. Ở huyện Hóc Môn hay huyện Bình Chánh, TP cũng không biết phải xử lý vấn đề này như thế nào vì thu hồi không được, cho xây nhà cũng không xong. Một số nơi TP phải bỏ ra ngân sách làm hạ tầng. Vì vậy, mục tiêu của Quyết định 60 là không để đầu nậu lợi dụng phân lô bán nền, mà chỉ tách thửa đúng đối tượng như mục tiêu đề ra."
"Vướng mắc hiện nay rơi vào các trường hợp tách nhiều thửa để kinh doanh mà không làm hạ tầng. Sắp tới, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ phối hợp với các sở liên quan tổ chức sơ kết đánh giá một năm thực hiện Quyết định 60, chỉ ra những vướng mắc khó khăn để tháo gỡ cho người dân theo tinh thần đó." Ông Nguyễn Toàn Thắng |