Trước khi tìm hiểu tài sản gắn liền với đất là gì, chúng ta cần nắm rõ nội dung liên quan theo luật định.
Tài Sản Là Gì?
Theo Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, tài sản bao gồm động sản và bất động sản. Trong đó, động sản và bất động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Tài Sản Gắn Liền Với Đất Là Gì?
Trên thực tế, pháp luật hiện hành không đưa ra định nghĩa tài sản gắn liền với đất là gì mà chỉ liệt kê các loại tài sản gắn liền với đất. Cụ thể, theo Điều 104 Luật Đất đai 2013, tài sản gắn liền với đất bao gồm: nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng và cây lâu năm.
Mặt khác, theo Khoản 1 Điều 107 Bộ luật dân sự 2015, có thể hiểu tài sản gắn liền với đất là bất động sản, gồm có: nhà, công trình gắn liền với đất, tài sản khác gắn với đất đai.
Tài sản gắn liền với đất là gì?
Khoản 4 Điều 3 Nghị định 21/2021/NĐ-CP liệt kê các loại tài sản gắn liền với đất bao gồm: nhà ở, công trình xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở riêng lẻ theo quy định của Luật Nhà ở, công trình xây dựng khác; rừng sản xuất là rừng trồng hoặc vật khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật và cây lâu năm.
Lưu ý: Các tài sản này có tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Điều Kiện Để Được Cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sở Hữu Tài Sản Gắn Liền Với Đất Là Gì?
Các Điều 99, 100, 101, 102 Luật Đất đai 2013 quy định, tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (gọi là Giấy chứng nhận) khi thỏa mãn các điều kiện sau:
- Thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận
Cụ thể, Điều 104 Luật Đất đai 2013 quy định, tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận bao gồm nhà ở, công trình xây dựng khác, cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng có tai thời điểm cấp Giấy chứng nhận.
Như vậy, các tài sản gắn liền với đất như nhà ở, công trình xây dựng khác, cây lâu năm, rừng sản xuất là rừng trồng thuộc diện tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận. Đồng thời, những tài sản này phải tồn tại tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận. Tức là những tài sản có tồn tại tại thời điểm chủ thể yêu cầu cấp Giấy chứng nhận nhưng đã bị hủy hoại dẫn đến không thể tồn tại trên thực tế thì không được cấp Giấy chứng nhận.
- Tài sản không có tranh chấp
Khác đất đai là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân thì tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của chủ thể tạo lập nên tài sản đó. Tài sản đang có tranh chấp chưa thể xác định được ai là chủ sở hữu, do đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không thể thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho chủ thể có yêu cầu mà chủ thể yêu cầu cấp Giấy chứng nhận cần giải quyết tranh chấp, xác định tài sản thuộc về mình để làm cơ sở được cấp Giấy chứng nhận.
- Tài sản gắn liền với đất phải thuộc sở hữu của người yêu cầu cấp Giấy chứng nhận
Nhà nước căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để xác nhận quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Vì thế, tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của chủ thể nào thì Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho chủ thể đó.
- Chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cấp Giấy chứng nhận theo quy định
Chủ sở hữu phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP để được cấp Giấy chứng nhận. Chủ sở hữu nhà ở thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật, đồng thời có giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở.
Hướng Dẫn Đăng Ký Tài Sản Trên Đất Đã Được Cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
Người thực hiện thủ tục đăng ký tài sản trên đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 04a/ĐK ban hành kèm Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ Tài nguyên và môi trường;
- Giấy tờ chứng nhận tài sản là nhà ở.
Bước 2. Nộp hồ sơ
Người thực hiện thủ tục nộp bộ hồ sơ nêu trên tại Bộ phận một cửa của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Nếu hồ sơ đã đầy đủ, cơ quan cấp giấy biên nhận và hẹn ngày trả kết quả cho người nộp hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan tiếp nhận có nghĩa vụ thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ hoàn thiện theo quy định của pháp luật.
Nộp hồ sơ đăng ký tài sản gắn liền với đất tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bước 3. Giải quyết hồ sơ
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai khi nhận được hồ sơ có trách nhiệm thực hiện các việc sau:
- Cập nhật thông tin thay đổi vào cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ địa chính;
- Gửi thông tin cho cơ quan thuế nhằm xác định và thông báo nghĩa vụ tài chính cho người thực hiện thủ tục;
- Chuẩn bị hồ sơ chuyển cho cơ quan tài nguyên và môi trường ký cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan tài nguyên và môi trường sẽ tiến hành kiểm tra và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận. Sau khi duyệt hồ sơ, cơ quan này chuyển hồ sơ đã giải quyết cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai để trả kết quả cho người nộp hồ sơ.
Mức lệ phí đăng ký tài sản trên đất do UBND tỉnh, thành phố quyết định cho từng địa phương.
Bước 4. Trả kết quả
Đến ngày trả kết quả ghi trên giấy hẹn, người thực hiện thủ tục mang phiếu hẹn đến Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai để lấy kết quả.
Trên đây, Muonnha.com.vn đã làm rõ thắc mắc tài sản gắn liền với đất là gì, điều kiện và thủ tục để được chứng nhận quyền sở hữu với loại tài sản đó.
Khánh An
Xem thêm:
>> Đất ONT Là Gì - 6 Câu Hỏi Về Đất Ở Nông Thôn ONT
>> Đất DKV Là Gì? 4 Bước Chuyển Đổi Đất DKV Lên Đất Thổ Cư