Chị Thanh Hương hiện đang sống tại Tp.HCM chia sẻ:
Năm 2015, vợ chồng tôi mua miếng đất nằm trong hẻm nhỏ rộng 64m2 (4x16m) ở Gò Vấp, giáp quận 12. Người bán đã làm móng, xây tường bao để tránh bị lấn chiếm. Để tích cóp thêm và chờ chồng tôi được tuổi, sau Tết năm 2016, chúng tôi mới xây nhà. Khi đó, hai vợ chồng chỉ có 400 triệu nhưng muốn làm nhà 2 tầng để có mái nhà làm nơi phơi quần áo và trồng rau. Chúng tôi xác định chỉ vay khoảng 200 triệu để dễ kiểm soát.
Không thuê kiến trúc sư, chúng tôi tìm một ông thầu xây dựng cá nhân rồi cùng ông ấy phác thảo qua ngôi nhà. Phía trước nhà có một khoảng sân nhỏ, còn phần cuối nhà sẽ có nhà vệ sinh, sân sau kiêm giếng trời. Tầng trệt gồm phòng khách, phòng ngủ, cầu thang, bếp kiêm nhà ăn. Tầng trên có 2 phòng ngủ và 1 phòng thờ. Phần mái nhà sẽ được tận dụng để đặt các thùng xốp trồng rau.
Chúng tôi mua toàn bộ vật tư, yêu cầu thợ hoàn thiện nhà trong 3 tháng. Họ hàng cũng sẽ qua hỗ trợ mỗi khi rảnh. Để tiết kiệm, chúng tôi chọn mua nguyên vật liệu loại rẻ. Một người bạn bán dược phẩm mách tôi: khi một sản phẩm có 3 mức giá thì loại đắt nhất sẽ tốt hơn hẳn, loại vừa tiền và giá rẻ không chênh nhau nhiều về chất lượng. Tôi cũng áp dụng điều này khi mua vật liệu xây dựng nên chọn loại rẻ nhất.
Hiện tượng nứt tường xảy ra do nhiều nguyên nhân. Ảnh: Harman |
Chúng tôi cũng bỏ bớt nhiều hạng mục. Chúng tôi chỉ lắp một vòi hoa sen trong toilet mà không ngăn các khu vực, trong phòng bếp cũng không lắp tủ bếp mà muốn để sau này có tiền mới lắp. Người bán đất nói có thể xây nhà 4 tầng nên vợ chồng tôi chỉ gia cố một chút lại phần móng.
Sau 4 tháng, chúng tôi đã có nhà mới và chỉ phải vay thêm 20 triệu. Hai vợ chồng cũng dùng đồ cũ mang về từ phòng trọ chứ không mua đồ mới.
Cả gia đình đều rất vui khi ở nhà mới nhưng đến cuối năm 2016, một hôm, chúng tôi phát hiện hai bức tường sau nhà bị nứt. Hóa ra chiều hôm đó, công ty môi trường cho ca nô đi nạo vét bùn và rác ở con kênh sau nhà. Bình thường, khi triều xuống, khoảng cách giữa tường ngoài nhà tôi và mép nước vào khoảng 10m.
Chúng tôi tự trát lại phần tường bị nứt rồi sơn lại nhưng một tháng sau, vết nứt lại lộ ra. Hai vợ chồng tôi cũng không muốn sửa chữa thêm nữa.
Đến cuối năm 2017, chúng tôi định chuyển việc làm nên rao bán nhà và muốn mua một căn chung cư ở quận 7, lấy tiền thừa làm vốn làm ăn. Nhưng khách đến xem nhà đều chê tường bị nứt. Chúng tôi thuê thợ trát và sơn lại nhưng cũng chỉ được nửa tháng. Vì không bán được nhà nên chúng tôi cũng đành hoãn kế hoạch thay đổi công việc.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền cho biết, hiện tượng nứt tường xảy ra do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn như do vữa hồ, tường xây không đạt chuẩn, tường quá dài, quá cao mà không có hệ giằng, hệ móng không đủ khả năng chịu lực, trát tường quá dày hoặc vữa quá non... Một số trường hợp nứt chân chim thì ít nguy hiểm mà chỉ gây mất thẩm mỹ. Nguyên nhân là do trộn vữa không đều, bả matit quá dày hoặc dùng bả matit và sơn kém chất lượng. Theo vị kiến trúc sư này, nếu muốn tận dụng móng cũ thì cần xem hồ sơ thiết kế, biên bản thi công và hình chụp hiện trạng, không nên chỉ tin vào lời người bán. Về nguyên tắc, nếu muốn nâng tầng hoặc tận dụng móng cũ thì buộc phải có thẩm định chất lượng thực tế bởi chưa chắc đã thi công đúng hồ sơ thiết kế cũ, như vậy sẽ rất nguy hiểm. Theo kiến trúc sư Truyền, để xử lý các vết nứt tường cần khảo sát thực tế để tìm ra nguyên nhân, rồi mới đưa ra biện pháp xử lý là gia cố thêm phần móng hay thêm đà giằng... |